Tờ Bloomberg đưa tin, Philippine Airlines đã đệ đơn xin phá sản theo Luật Chương 11 ở New York. Đi kèm với động thái này là một kế hoạch hỗ trợ từ phía chủ nợ để giúp hãng hàng không lớn nhất của Philippines phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá du lịch toàn cầu.
Cụ thể, hãng hàng không này đặt mục tiêu cắt giảm khoản vay 2 tỷ USD thông qua một kế hoạch tái cơ cấu được đề xuất và chờ sự chấp thuận của tòa án. Philippine Airlines cũng sẽ nhận được 505 triệu USD vốn và khoản tài trợ nợ (debt financing) từ các cổ đông lớn hiện tại. Ngoài ra, họ cũng sẽ nhận 150 triệu USD khoản tài trợ nợ từ các nhà đầu tư mới. Hãng cho biết họ đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ từ 90% các chủ nợ.
Kế hoạch tái cơ cấu sẽ cho phép hãng này giảm 25% đội bay. "Kế hoạch tái cấu trúc sẽ cho phép hãng trả lại ít nhất 20 máy bay", đại diện công ty cho biết. Philippine Airlines cũng đã cắt giảm 35% lực lượng lao động vào đầu năm nay.
Luật Chương 11 cho phép một công ty tiếp tục hoạt động trong khi thực hiện các kế hoạch tái cấu trúc. Được biết, việc nộp đơn xin phá sản của Philippine Airlines được đưa ra sau khi hãng này dành nhiều tháng thương lượng với các bên liên quan. Tỷ phú chủ sở hữu hãng bay là ông Lucio Tan gọi việc nộp đơn xin phá sản là một "bước đột phá lớn" đối với hãng. Hãng cũng sẽ song song hoàn tất hồ sơ để được công nhận tại Philippines theo luật vỡ nợ.
Kế hoạch tái cơ cấu cho phép Philippine Airlines "vượt qua tác động chưa từng có của đại dịch toàn cầu, làm gián đoạn đáng kể các hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hàng không. Đồng thời, việc này cũng được kỳ vọng giúp hãng phát triển mạnh mẽ hơn trong dài hạn", ông Tan - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành cho biết.
Trong khi các lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ làm giảm bớt căng thẳng cho việc đi lại ở một số nơi trên thế giới thì biến thể Delta gần đây lại bắt đầu gây hại cho nhiều hãng hàng không, đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc.
Philippine Airlines - thành lập vào năm 1941 vốn là hãng hàng không lâu đời nhất châu Á vẫn giữ nguyên tên thương hiệu cho tới nay. Họ cũng trở thành là hãng hàng không quốc tế mới nhất xin phá sản, theo luật phá sản của Mỹ. Bằng cách sử dụng Luật của Chương 11, công ty sẽ tuân theo kế hoạch tái cấu trúc của mình theo quyết định cuối cùng của thẩm phán Hoa Kỳ.
Đại dịch đã buộc các hãng hàng không phải tạm dừng các chuyến bay, sa thải nhân viên và tìm kiếm sự trợ giúp về tài chính. Vào tháng 6, chủ tịch PT Garuda Indonesia cho biết hãng đang xem xét các lựa chọn bao gồm tái cơ cấu nợ và thương lượng lại hợp đồng với bên cho thuê máy bay.
Những thách thức liên tục ập đến với PAL Holdings - công ty mẹ của Philippine Airlines, ngay cả trước đại dịch. Công ty đã báo cáo lỗ kể từ quý đầu tiên của năm 2017. Họ cũng đã phải chịu khoản lỗ kỷ lục 71,8 tỷ peso (1,4 tỷ USD) vào năm 2020, so với mức lỗ 10,3 tỷ peso vào năm trước. Cổ phiếu của PAL Holdings đã giảm 7,6% trong năm nay, kéo dài mức giảm 17% vào năm 2020.
"Sau khi tái cơ cấu, PAL Holdings vẫn sẽ là cổ đông lớn của Philippine Airlines. PAL Holdings không nộp đơn xin phá sản và tình trạng của công ty và các cổ đông sẽ vẫn như cũ", đại diện công ty cho biết.
Về phần mình, Philippine Airlines vẫn sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách và hàng hóa dựa trên nhu cầu và các hạn chế đi lại của chính phủ. Công ty cũng cho biết họ dự kiến sẽ dần dần bổ sung các chuyến bay nội địa và quốc tế khi thị trường phục hồi.
Trên thực tế, Philippine Airlines cũng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nước nhà bởi họ đã trở thành đối tác của nhà nước trong việc ứng phó với đại dịch.
Nguồn: Bloomberg
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.9585601240901202-nas-ahp-nix-senilria-enippilihp/nv.zibefac