Võ Đăng Khoa (học sinh lớp 6 ở Q.7, TP.HCM) học online qua điện thoại tại xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre do không thể quay về TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: V.SÁu
Học sinh, phụ huynh, giáo viên đã có những ước vọng cho riêng mình trong năm học mới.
* Thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM):
Sát cánh cùng học sinh
Là một giáo viên trẻ, tôi nhận thức được vai trò của mình trong bối cảnh hiện tại với phương châm "Dĩ bất biến - ứng vạn biến". Bất biến về chuẩn đào tạo, chuẩn đầu ra nhưng vạn biến về phương pháp dạy học, công cụ dạy học và kỹ năng dạy học trực tuyến.
Để làm được điều đó, tôi không ngừng học hỏi với các thầy cô có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, cách làm phim tóm tắt bài học, làm video đồ họa thí nghiệm để minh họa thật dễ hiểu bài học, cô đọng kiến thức, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh.
Tôi cho rằng mỗi thầy cô giáo không dừng lại ở việc dạy học mà còn đóng vai trò là những nhà tâm lý, người bạn lớn sát cánh bên các em học sinh, chia sẻ, động viên và ổn định tinh thần các em trong tình hình dịch bệnh kéo dài.
Mong ước lớn nhất của tôi là mọi gia đình của người thân, đồng nghiệp, học trò của mình đều bình an. Mong ước thứ hai là các em học sinh có đầy đủ trang thiết bị như điện thoại, laptop... để có thể tham gia học tập trực tuyến.
Cuối cùng, tôi mong dịch bệnh mau chóng qua đi, các em học sinh sớm được tiêm vắc xin để đến trường học trực tiếp với giáo viên.
* Lê Hoàng Lam (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM):
Ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh
Việc học trực tuyến không còn xa lạ đối với học sinh chúng tôi. Bởi chúng tôi đã học trực tuyến từ năm lớp 10, lớp 11 và đã rút ra được kinh nghiệm nên học như thế nào cho hiệu quả.
Nói thế nhưng tôi vẫn mong UBND TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh THPT để chúng tôi sớm được đến trường. Bởi việc đi học, được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, được trực tiếp nghe thầy cô giáo giảng bài, trực tiếp trao đổi với bạn cùng lớp, cùng trường sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn và học sinh sẽ học tập hiệu quả hơn là ngồi ở nhà học qua Internet.
Đó là chưa kể năm nay là năm học cuối cùng trong cuộc đời học sinh của mình, tôi mong muốn nó sẽ diễn ra thật ý nghĩa.
Ngoài việc dồn sức để học thật tốt, đạt được kết quả như ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi còn mong năm học lớp 12 có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhiều ấn tượng khó phai. Mà muốn như thế thì học sinh chúng tôi phải được đến trường, phải được tham gia những hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa...
* Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Quý An, Vĩnh Phúc):
Học sinh được đến trường
Học sinh được đến trường trong năm học này có lẽ là mong ước lớn nhất của nhiều thầy, cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh.
Trường tôi không nằm ở địa bàn khó khăn của tỉnh nhưng để 100% học sinh có đủ thiết bị và điều kiện học trực tuyến tốt thì chưa được. Giáo viên phải linh hoạt áp dụng nhiều hình thức: dạy trực tiếp, trực tuyến, giao bài qua Zalo, động viên, hướng dẫn phụ huynh kèm học sinh tại nhà...
Chính vì thế tôi mong sao có những tuần an toàn để học sinh đến trường, tập trung tối đa thời gian có thể cho lớp 1, lớp 2 để giáo viên có thể tương tác trực tiếp, hướng dẫn kèm cặp học sinh.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm học cần có cách thích ứng, cần nhiều hơn nỗ lực của giáo viên, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh.
Bên cạnh đó, tôi mong các cấp giáo dục cũng theo tinh thần linh hoạt, thích ứng để đồng hành cùng các trường trong việc áp dụng các hình thức tập huấn bổ sung cho giáo viên ngay trong quá trình dạy học; kịp thời hướng dẫn khi các trường gặp những vướng mắc cần hỗ trợ.
Đó là điều giúp chúng tôi có thêm động lực để thực hiện năm học đặc biệt như năm học này.
Học sinh ở tỉnh Cà Mau trong năm học mới - Ảnh: NGUYỄN HÙNG
* Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Ước mơ của học sinh được chắp cánh
Trước buổi họp phụ huynh đầu năm học bằng hình thức trực tuyến, tôi đã đề nghị tất cả học sinh và các bậc phụ huynh cùng viết về ước mơ của mình.
Tôi có hai tập hợp là những mong muốn của phụ huynh và mong muốn của học sinh. Tôi đã đọc để hiểu nỗi niềm của các bậc cha mẹ và mong muốn của học sinh trong năm học đặc biệt này. Và tôi nhận thấy có những ước mơ của cha mẹ và con cái đã không gặp được nhau ở một điểm chung. Kỳ vọng của cha mẹ nếu chưa hợp lý sẽ trở thành áp lực cho con.
Nhưng ngược lại, cũng có những điều mong mỏi của cha mẹ mà đằng sau đó là yêu thương, bao dung mà con không nhận ra.
Học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm nay vào năm cuối bậc THPT nên nhiều ước mơ gắn với việc thi cử, chọn ngành nghề tương lai. Nhưng cả điều này có những phụ huynh và học sinh cũng hướng về hai nơi khác nhau. Bởi thế, tôi mong ước mơ của phụ huynh và học sinh gặp nhau ở điểm chung.
Khi ước mơ được chắp thêm cánh, học sinh của tôi sẽ có thêm sức mạnh để thầy, trò vượt qua khó khăn về dịch bệnh, những thách thức trong nhiệm vụ năm học và có được kết quả tốt.
* Bà PHAN KIM LOAN (phường Lê Bình, quận Cái Răng, Cần Thơ):
Mua bán trở lại để lo cho con đến trường
Hồi nhỏ tôi cũng rất thích cùng bạn bè đến trường đi học. Do cuộc sống khó khăn nên tôi nghỉ học sớm, lấy chồng rồi sống bằng nghề mua bán trái cây ở chợ nổi Cái Răng gần 20 năm qua. Gia đình tôi có 4 người con. Trong đó có hai đứa con nhỏ năm nay sẽ vào học lớp 4 ở Trường tiểu học Lê Bình.
Dịch bệnh COVID-19 bủa vây, gần 2 tháng qua đời sống gia đình tôi rất nhiều khó khăn. Ăn uống đã thiếu, giờ đến đầu năm học mới 2021 - 2022 chưa có đủ tiền để mua quần áo, tập sách cho con.
Hồi trước tui đi mua bán trái cây ở chợ kiếm lời 200.000 đồng/ngày lo cho con ăn học được. Giờ ghe nằm im ở bến, hổng mua bán gì được, tui cũng hết cách. Quần áo, tập sách cho con tui chưa mua được.
Tui chỉ mong ước sao dịch bệnh sớm đi qua để mua bán trở lại, có tiền mua tập sách cho con đến trường.
CHÍ CÔNG ghi
* Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm (hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh,quận Hải Châu, Đà Nẵng):
Bảo vệ học sinh trước dịch bệnh
Ngày 5-9, các cô và các con sẽ khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến như năm trước. Lễ khai giảng cô trò không được gặp nhau, nghe tiếng trống khai trường sao mà không tâm trạng được.
Mong sao cho dịch bệnh qua đi mau để cô được đến trường, các con được đến lớp, phụ huynh được đi làm. Và cũng thương lắm các cô phải chật vật, xoay xở cuộc sống thường ngày khi dịch bệnh ập tới.
Mong sẽ có những loại thuốc phù hợp cho các lứa tuổi học sinh để các em có thể được bảo vệ trước dịch bệnh và đến trường, ba mẹ cũng yên tâm hơn với con cái của mình.
Cũng hy vọng sẽ có những chính sách phù hợp đối với đội ngũ cấp dưỡng. Các cô thuộc diện hợp đồng với trường và hưởng lương từ nguồn học phí. Nhưng suốt thời gian qua, các cô đều thất nghiệp, khó khăn cứ bủa vây, rồi tới đây sẽ còn nhiều vất vả.
Các cô cấp dưỡng tận tâm đã gắn bó với trường lớp, với học trò nhiều năm qua giờ đang phải đắn đo trước tương lai của mình. Mong các cô sẽ luôn vững tâm.
* Nguyễn Thị Thùy Linh (lớp 12A1 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông):
Mong dịch giảm bớt
Năm nay tôi dự định sẽ xét tuyển vào hai trường đại học có điểm đầu vào khá cao ở TP.HCM. Do dịch bệnh, nên thay vì được học cả sáng lẫn chiều để tập trung kiến thức, năm nay tôi chỉ được học ba buổi/tuần.
Thời gian còn lại tôi tự học trực tuyến qua mạng. Từ đầu hè tôi đã đăng ký một lớp học online để làm quen dần cách học nên cũng học cách thích nghi dần.
Học qua mạng khó khăn nhưng lên lớp không còn được như trước. Dịch bệnh, trường tôi giãn cách học sinh với học sinh, số buổi học cũng giảm. Năm nay lên lớp sẽ kém vui hơn vì các bạn không tiếp xúc với nhau nhiều.
Tôi mong muốn dịch sẽ giảm bớt để có thể học tập tốt hơn và có thêm khoảng thời gian đẹp cùng bạn bè trong năm cuối của thời học sinh.
Đ.CƯỜNG - ĐÌNH CƯƠNG ghi
TTO - Các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nơi nào an toàn vẫn khai giảng bình thường và chuẩn bị cho việc tiêm chủng cho học sinh, giáo viên.
Xem thêm: mth.85515802240901202-iom-coh-man-ohc-cou-gnom-ueihn/nv.ertiout