Mới đây, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương đã có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông, thành viên tổ công tác, chủ trì các buổi làm việc.
5 vướng mắc đầu tư công tại Quảng Ninh
Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong các quy định hiện hành. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hồng Dương - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, địa phương đang có 5 nội dung vướng mắc đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ nhất, là những vướng mắc liên quan đến Khoản 2, Điều 52, Luật Đầu tư công năm 2019. Ông Dương cho biết, việc thực hiện quy định trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch.
Đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. “Do đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế”, ông Dương cho hay.
Khó khăn thứ 2 mà Giám đốc sở KHĐT Quảng Ninh nêu ra là sự thiếu đồng bộ về định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc UBND các cấp.
Theo ông Dương, vì định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc UBNDcác cấp như: ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực..., nên đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, ông đề nghị sửa đổi: Điểm a, Khoản 1, Điều 24; Điểm a, Khoản 1, Điều 27 Luật Đầu tư công.
Thứ 3, thực tế đang cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, do điều chỉnh một trong số các nội nội dung sau: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án...
“Từ thực tiễn triển khai, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư”, ông Dương chỉ rõ.
Do vậy, “việc bổ sung “Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” tại Điều 34 giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, của Luật”, ông đề xuất.
Thứ tư, về chi đầu tư phát triển đối với cấp xã. Đại diện tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, HĐND cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công vốn ngân sách cấp xã theo Khoản 3, Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đầu tư công tại cấp xã còn vướng mắc trong việc giao chủ đầu tư theo Điều 7, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020.
“Hiện nay cấp xã không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng”, ông Dương nêu và đề nghị bộ KH&ĐT trao đổi với bộ Xây dựng để có thông tư liên tịch hướng dẫn chi đầu tư phát triển đối với cấp xã.
Vướng mắc thứ 5 là về phân khai chi tiết, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công hàng năm ngân sách địa phương đều đã được HĐND các cấp thông qua trước 31/12 trước năm kế hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Dương, thì trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và cần phải thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu.
“Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, kính đề nghị bộ KH&ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế: đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất”, ông Dương đề nghị.
Nhiều rào cản dự án đầu tư công tại Hà Nội
Tại buổi làm việc, UBND TP.Hà Nội cũng đã báo cáo 12 vướng mắc liên quan tới các dự án đầu tư công, 11 vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc đối với các dự án PPP.
Một trong những vẫn đề nổi cộm của Hà Nội là thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin dự án Nhổn - Ga Hà Nội đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là chính sách bồi thường hỗ trợ người dân và tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công hầm. Hiện quy định Luật đất đai chưa có hướng dẫn cụ thể hỗ trợ quy trình xử lý với tòa nhà, hộ dân khi thi công tuyến hầm và ga ngầm.
Theo tính toán, trong khoảng 4 km đi ngầm thì có 7 tòa nhà phải phá dỡ, 43 tòa nhà phải tạm cư trước khi thi công khoan hầm. Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội kiến nghị bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể chính sách bồi thường, không thu hồi đất, cùng tồn tại với công trình và nằm trong hành lang an toàn.
Đồng thời, sắp tới sửa đổi Luật Đất đai nên có quy định quyền sở hữu và quy định của công trình ngầm, tránh khiếu kiện của người dân trong tổ chức triển khai thực hiện.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc sở KHĐT Hà Nội, các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã gặp các vướng mắc liên quan đến công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm quyền lập thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư, vướng mắc đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp quy mô nhỏ.
“Các vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A đang gây khó cho Hà Nội”, ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng cũng gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án.
Trước những vướng mắc của 2 địa phương, Thứ trưởng Trần Huy Đông khẳng định, hiện cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, dù vậy, thì cơ chế, chính sách chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và có nhiều cách hiểu khác nhau cũng nảy sinh.
“Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công, 12 nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Nếu nội dung nào đúng chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ có thể sửa đổi”.
Thứ trưởng Trần Huy Đông cũng nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.