Bé Anh Khôi lúc chào đời được đặt lồng kính, kế giường sinh của mẹ vì mẹ bé bệnh - Ảnh: NVCC
Vừa ăn sáng xong và hoàn thành bài tập vật lý trị liệu, chị Trinh mở điện thoại ngắm hình cậu con trai một tháng tuổi vừa được người thân gửi cho xem. Sau bao nhiêu giọt nước mắt, giờ đây nụ cười tươi đã nở trên khuôn mặt người phụ nữ vừa trở về từ cửa tử.
Cuộc chiến với COVID của sản phụ
Chị Nguyễn Thị Thu Trinh (sinh năm 1992, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) vừa xuất viện ngày 3-9, sau 40 ngày nằm viện và nhiều lúc tưởng chừng không qua khỏi. Hôm 3-9 trước khi về nhà, chiếc xe cứu thương đưa chị tới nhà chú thím ba.
Đứng từ xa, chị Trinh quẹt nước mắt nhìn bé Khôi - đứa con mà từ khi sinh ra tới giờ chị chưa một lần được ẵm bồng, cho bú mớm. Đó là đứa con thơ mà chị đã trăng trối với chồng "nếu em có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con" trước lúc hôn mê sâu.
Chị Trinh có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 23-7 sau khi ho và sốt, lúc đang ở tháng cuối thai kỳ, còn chồng chị - anh Huỳnh Minh Tâm - khi đó âm tính. Anh chị sau đó tiếp tục test PCR và phải đợi vài ngày mới có kết quả.
Thời gian đó, anh chị được dặn ở nhà theo dõi, khi nào bệnh chuyển biến xấu thì báo trạm y tế đưa đi. Hai ngày sau, chị Trinh sốt cao, khó thở nên được đưa đi cách ly tại Bệnh viện (BV) dã chiến số 4. Còn anh Tâm khi có kết quả test PCR dương tính thì cách ly tại nhà do không triệu chứng, song anh giấu vợ vì không muốn vợ lo.
Khi vào BV dã chiến, chị Trinh vẫn còn khỏe. Nhưng hai ngày sau, chị khó thở nên được cho thở oxy, song SpO2 (nồng độ oxy trong máu) vẫn không lên, cứ ở mức dưới 80%. Khi ấy chị lại có dấu hiệu sắp sinh nên được chuyển qua BV Hùng Vương.
Ngày 29-7, chị Trinh sinh thường bé trai nặng 2,8kg, đặt tên Huỳnh Anh Khôi. May mắn là em bé sinh ra âm tính và mạnh khỏe dù chào đời sớm hai, ba tuần. Không thể da kề da với mẹ vì chị Trinh đang mắc COVID-19, bé Khôi nằm trong lồng kính, đặt kế giường sinh để người mẹ 29 tuổi được ngắm thiên thần bé bỏng của mình.
"Bác sĩ cho nhìn con, cho mượn điện thoại để tôi chụp hình con gửi về để gia đình yên tâm". Cuộc gặp mẹ phút chào đời chỉ vỏn vẹn 5 phút, bé Khôi sau đó được chuyển sang khoa nhi chăm sóc. Và sau 10 ngày, anh Tâm nhờ em vợ cùng chú thím ba tới đón cháu do anh đang cách ly tại nhà.
Sau khi sinh xong, chị Trinh được chuyển lên lầu 2. Nằm trong phòng điều trị, nhìn thấy một sản phụ khác đặt ống thở máy nhưng đã không qua khỏi, lại được biết tình trạng của mình cũng nặng không kém, chị Trinh sợ lắm.
Chị gọi về cho chồng, nói như trăng trối: "Nếu em có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con". Nghe vợ nói, anh Tâm hoang mang nhưng cố trấn an vợ: "Đừng nói gở vậy. Em có chuyện gì, một mình anh sao nuôi được con. Em nhất định không sao đâu".
Những ngày giành giật sự sống và chờ đợi
Sau cuộc gọi ấy không lâu, đêm 1-8, chị Trinh mệt và được trợ oxy lập tức. Đưa xuống phòng hồi sức tích cực, tình hình chị vẫn không khả quan hơn. Đêm đó, anh Tâm lòng như lửa đốt khi nhận được cuộc gọi từ BV Hùng Vương, bác sĩ cho biết vợ anh bị suy hô hấp nặng, chuẩn bị chuyển viện.
Sáng hôm sau, anh Tâm càng suy sụp, hoảng loạn khi BV Quân y 175 gọi báo tình hình vợ anh đang rất nặng, phải can thiệp ECMO, tiên lượng tử vong cao, dặn anh và gia đình "chuẩn bị sẵn tâm lý".
"BV nói chỉ báo cho gia đình biết trước vậy thôi, còn tình trạng chính xác sức khỏe của vợ tôi thế nào chưa thể nói được, bác sĩ nói sẽ cố gắng hết sức cứu cô ấy" - người chồng kể anh đã khóc vì nghĩ mình không thể gặp vợ được nữa. Hôm đó anh cũng test lại, kết quả âm tính, cách ly tại nhà thêm 21 ngày.
Giây phút đoàn tụ mừng phát khóc của vợ chồng chị Trinh - Ảnh: CHÍNH TRẦN
Những ngày sau đó, ngày nào anh Tâm cũng sống trong lo lắng, não nề. Viễn cảnh vợ chồng sắp chia lìa, đứa con mới chào đời phải xa mẹ mãi mãi hiện ra trong đầu anh. Ở nhà lúc nào anh cũng kè điện thoại bên mình, chờ tin tức từ BV, nhưng anh hy vọng nhất là nhận được cuộc gọi của vợ. "Mình ở nhà không giúp gì được, chỉ biết cầu nguyện, mong có phép mầu xảy ra với vợ" - anh nói.
Và kỳ tích đã xảy ra với gia đình. Sau 9 ngày hôn mê, bên làn ranh sinh - tử, chị Trinh đã tỉnh dậy. Đưa mắt nhìn xung quanh toàn máy móc, dây nhợ gắn khắp người, chị mới hiểu tình trạng mình nặng thế nào. Khi ấy, việc đầu tiên chị làm là mượn điện thoại của điều dưỡng để gọi nhìn mặt chồng. Qua màn hình, nhìn vợ tiều tụy đang phải gắn dây, ống chằng chịt, người chồng sau bao lâu kìm nén đợi tin đã bật khóc. Đầu dây bên kia, anh Tâm thấy vợ mình nước mắt chảy dài.
Do sức khỏe còn yếu, vẫn đang đặt nội khí quản, chị Trinh không nói chuyện được, chỉ có thể ra hiệu. Trước những câu hỏi "em khỏe chưa, thấy trong người thế nào, có thở được chưa?" từ chồng, chị trả lời bằng cách gật và lắc đầu.
Trong đó, nghe đến câu "em muốn gặp con không, anh gọi chú thím ba cho em gặp", chị Trinh lắc đầu. "Vợ ra hiệu vẫn còn mệt, sợ gặp con lại xúc động không kiềm chế được" - anh Tâm cho hay dù chỉ nhìn mặt vợ chứ không giao tiếp được, nhưng có thể giúp anh yên tâm phần nào.
Cơ thể vào thuốc nhiều, ban ngày chị Trinh mới cảm thấy tỉnh táo, còn đêm về thì mê sảng. Việc ăn uống của chị phải dùng ống truyền thức ăn vào dạ dày. "Bức bối, khó chịu lắm, nhìn đâu cũng thấy máy móc, dây nhợ cắm vào người, tới giờ vẫn ám ảnh" - chị Trinh nói.
Nằm trên giường bệnh, mỗi khi cơn đau trỗi dậy, nó khiến chị "muốn rút hết ống ra để giải thoát chứ như vậy quá đau khổ". Nhưng nghĩ tới chồng con đang đợi ở nhà và nghe lời an ủi, động viên từ các y bác sĩ, người mẹ 29 tuổi khi ấy rơi nước mắt dặn mình không được gục ngã lúc này.
Giọt nước mắt ngày trở về
Ba ngày sau khi tỉnh lại, chị Trinh được cai ECMO, chuyển qua phòng hồi sức mấy ngày rồi đến khu A. "Lúc này bớt truyền thuốc, chỉ thở oxy bình thường, tôi thấy sức khỏe đỡ hơn một chút", chị nói. Tỉnh táo được chừng 4 ngày, chị Trinh mệt lại, bất tỉnh nên được đặt nội khí quản. Tiếp tục mất liên lạc, 5 ngày sau anh Tâm mới lại thấy vợ mình.
Thời gian sau đó, sức khỏe chị Trinh khá hơn. Chị uống thuốc, tập cai oxy mỗi ngày một ít và sau hai, ba ngày thì bỏ hẳn oxy, bắt đầu tập vật lý trị liệu tại BV theo hướng dẫn của bác sĩ.
Niềm vui nối tiếp, chị Trinh được thông báo xuất viện ngày 3-9, sau khi chỉ số CT trên 30, sức khỏe bình thường và về nhà tiếp tục tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Chị kể mình đã mất ngủ cả đêm vì quá mừng, đếm từng phút được trở về. Buổi sáng ngồi trên chiếc xe cứu thương từ BV đưa về, chị nôn nao, hồi hộp, thêm phần lạ lẫm vì lâu rồi mới thấy cảnh đường phố Sài Gòn.
Chiếc xe dừng trước một căn nhà đường Nguyễn Thị Tú, Q.Bình Tân, người mẹ 29 tuổi chầm chậm bước vào. Đó là nhà chú thím ba, nơi cậu con trai bé bỏng của chị đang được gửi chăm sóc.
Đứng từ xa nhìn người thím đang bồng bé Khôi, qua lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn, nước mắt người mẹ chưa một lần ẵm con cứ thế chảy xuống. Rồi xe lại đưa chị về nhà với chồng. "Tôi hạnh phúc lắm. Cảm giác bước qua cửa tử về nhà không tả thành lời" - chị tâm sự. Dìu vợ đang nức nở vào nhà, anh Tâm cho biết khoảnh khắc này còn vui hơn ngày cưới.
COVID ở chung cư
Biết chị Trinh nhớ gia đình, thi thoảng điều dưỡng BV cho mượn điện thoại để chị gọi video về nhà. Anh Tâm tạo một nhóm trên Zalo để cả hai vợ chồng thấy đứa con trai đang được chú thím ba chăm sóc giúp. Khoảnh khắc nhìn thấy con khi mới tháo nội khí quản, chị Trinh khóc vì xúc động dù chưa nói được gì.
---------------------------
Những ngày sau, mỗi lần được "đoàn tụ online", hai vợ chồng mừng lắm, dù chủ yếu là để nhìn mặt và chị nghe anh nói, còn chị run run đáp lại vài câu ngắn gọn.
"Rất kỳ lạ, khi nhiễm bệnh tôi lại ngửi gì cũng ra mùi hôi, chứ không phải bị mất khứu giác. Vừa cố ăn, tôi vừa phải bịt mũi".
Kỳ tới: Đôi vợ chồng tự vượt qua
TTO - Thanh Trúc đã viết những dòng chữ xúc động trên nhóm 'Bác sĩ tư vấn F0 tại nhà', để gửi lời cảm ơn bác sĩ mà cô chưa một lần gặp mặt.
Xem thêm: mth.88522919140901202-noc-ioun-me-yaht-yah-hna-tehc-me-uen-5-yk-0f-cac-auc-neihc-couc/nv.ertiout