COVID-19 tới nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và các nước vẫn đang phải áp dụng nhiều loại thuốc đã có trước đó vào phác đồ điều trị của mình.
Có nhiều loại thuốc được hầu hết các nước thống nhất áp dụng, nhưng cũng có một số loại thuốc có trong phác đồ điều trị nước này nhưng lại không có trong phác đồ điều trị của nước khác. Thậm chí có loại thuốc không có trong phác đồ điều trị nhưng vì thông tin hỗn loạn người dân vẫn tìm mua về tích trữ với hy vọng có thể cứu sống họ nhỡ họ không may nhiễm bệnh.
Người dân Ấn Độ khóc thương trước thi thể đang được hỏa thiêu của người thân chết do nhiễm COVID-19. Ảnh: BBC
Một trong những loại thuốc đang gây nhiều đồn đoán và tranh cãi hiện nay là Ivermectin - một loại thuốc có hiệu quả chống lại nhiều loại ký sinh trùng (trị giun, trị ghẻ...).
Để hiểu rõ hơn về các đồn đoán và tranh cãi này trước hết cùng tìm hiểu phác đồ điều trị COVID-19 của Ấn Độ.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ
Trang web Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ công bố phác đồ điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 cập nhật từ ngày 27-6, theo đó bệnh nhân được chia ra làm ba mức độ, từ những ca nhẹ cho đến những ca có triệu chứng nặng, và rất nặng.
Những ca bệnh nhẹ, không xuất hiện triệu chứng, không bị thiếu oxy và có tỉ lệ SpO2 (nồng độ oxy) trên mức 94%, sẽ được thực hiện cách ly tại nhà. Bệnh nhân cần được theo dõi kỹ triệu chứng, không để mất nước, cần bổ sung vitamin.
Bệnh nhân cần liên hệ thường xuyên với bác sĩ điều trị cho mình. Theo dõi kỹ nhiệt độ và nồng độ oxy (SpO2), báo cáo ngay với cơ quan y tế khi gặp khó thở, bị tức ngực, mức SpO2 giảm xuống dưới 94% hoặc sốt cao liên tục hơn năm ngày.
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ có nói những bệnh nhân nhẹ ở nhà có thể tự điều trị bằng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ cơ thể đủ nước. Thuốc viên Hydroxychloroquine (trị sốt rét) có thể được cân nhắc sử dụng cho người có các yếu tố rủi ro tiến triển bệnh nặng (như lớn hơn 60 tuổi, huyết áp cao, tiểu đường, các bệnh về phổi, thận, gan, tim mạch, béo phì) nhưng phải có sự giám sát chặt của nhân viên y tế.
Hướng dẫn điều trị cập nhật ngày 27-6 này đã loại bỏ loại thuốc Ivermectin ra khỏi phác đồ điều trị với các bệnh nhân nhẹ tại nhà. Trong các hướng dẫn điều trị trước đó, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ hướng dẫn có thể dùng thuốc viên Ivermectin cho bệnh nhân nhẹ tại nhà, với liều lượng 200 microgram/kg một ngày, sử dụng trong 3-5 ngày, chống chỉ định sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên hướng dẫn của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ nói rõ chứng cứ hiệu quả của các liệu pháp điều trị này không cao.
Nhân viên hỏa táng Ấn Độ mặc đồ bảo hộ khiêng quan tài của một bệnh nhân qua đời vì COVID-19. Ảnh: AP
Đối với bệnh nhân có triệu chứng nặng trung bình có nồng độ SpO2 từ 93% trở xuống hoặc nhịp thở lớn hơn 24 lần/phút, những người này cần được đưa đến bệnh viện viện và cho thở oxy nhằm duy trì mức SpO2 từ 92%-96%.
Nhóm bệnh nhân nặng trung bình có thể được chữa trị bằng thuốc kháng viêm Methylprednisolone dưới dạng tiêm, với liều lượng từ 0,5mg đến 1mg/kg; hoặc thuốc trị thấp khớp, da liễu Dexamethasone 0,1mg đến 0,2mg/kg, trong vòng 3 ngày. Cũng có thể dùng thuốc chống đông máu enoxaparin với liều lượng 40mg mỗi ngày cho bệnh nhân.
Với những bệnh nhân rất nặng, nồng độ SpO2 ở dưới mức 90% hoặc nhịp thở lớn hơn 30 lần/phút, cần được chuyển ngay đến phòng chăm sóc đặc biệt ICU và tiến hành đặt nội khí quản.
Với các bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển khó thở và phản ứng viêm xấu đi nhanh, có thể sử dụng glucocorticoids (một loại hormone steroid) trong thời gian ngắn (3-5 ngày).
Giống như các bệnh nhân nặng trung bình, nhóm bệnh nhân này cũng có thể được trị bằng Methylprednisolone, với liều lượng từ 1mg-2mg/kg/ngày, hoặc có thể dùng Dexamethasone 0,2mg - 0,4mg/kg/ngày. Cũng có thể dùng thuốc chống đông máu enoxaparin với liều lượng 40mg mỗi ngày cho bệnh nhân.
Người thân khóc thương trước thi thể đang được hỏa táng của nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ có khuyến cáo được phép sử dụng thuốc Remdersivir (kháng virus) và thuốc Tocilizumab (kháng thể đơn dòng, ức chế miễn dịch) cho từng trường hợp cụ thể. Hai loại thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân nặng phải nhập viện và bệnh nhân nguy kịch, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Ivermectin và những tranh cãi
So sánh hướng dẫn điều trị cập nhật ngày 27-6 với các hướng dẫn trước đó (28-4 hay 24-5) có thể thấy thuốc Ivermectin trị ký sinh trùng đã được Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ loại ra khỏi phác đồ điều trị.
Ivermectin được dùng để điều trị các bệnh nhiễm ký sinh trùng ở người và ở vật nuôi, gia súc cả hàng thập niên qua. Những người phát triển ra loại thuốc này đã được trao tặng giải Nobel. Từng có một số nghiên cứu cho rằng loại thuốc này hứa hẹn có thể điều trị được bệnh COVID-19, nhưng điều này không thành hiện thực.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện nghiêm ngặt sau đó đã nhiều lần phát hiện ra loại thuốc này không mang lại lợi ích gì trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, và một trong những tài liệu có thể coi là thuyết phục nhất ủng hộ việc sử dụng thuốc Ivermectin đã bị thu hồi do lo ngại về khả năng thao túng dữ liệu.
Thuốc Ivermectin.
Cả nhà sản xuất và các cơ quan quản lý dược phẩm hàng đầu đều không xác nhận việc sử dụng nó cho điều trị COVID-19. Ngày 4-2, hãng dược Merck – một trong những hãng sản xuất thuốc Ivermectin khẳng định không có chứng cứ thuyết phục nào về lâm sàng cho thấy thuốc này có hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Loại thuốc Ivermectin này từ tháng 3 đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), Cơ quan quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) khuyến cáo không sử dụng đề điều trị COVID-19 đại trà, mà chỉ dùng trong các trường hợp thử nghiệm số ít.
Bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức trách y tế toàn cầu và quốc gia, Ivermectin vẫn được lan truyền như một “phương pháp chữa bệnh thần kỳ”.
Chuyện tích trữ và sử dụng Ivermectin trong điều trị COVID-19 không chỉ diễn ra ở Ấn Độ, mà cả ở nhiều nước, như Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Brazil, Úc, Canada, thậm chí cả ở Mỹ. Nhu cầu về thuốc Ivermectin bắt đầu tăng từ tháng 12-2020.
Trong số những người ủng hộ đưa thuốc Ivermectin vào điều trị COVID-19 có nhiều người chủ trương chống vaccine.
Tại Mỹ thời điểm giữa tháng 8, lượng cầu thuốc Ivermectin tại Mỹ tăng tới 24 lần so với trước khi dịch COVID-19 xảy ra, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tại Ấn Độ, trong các hướng dẫn điều trị tháng 4, tháng 5, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình nước này vẫn khuyến nghị “có thể” dùng Ivermectin cho các trường hợp bệnh nhẹ tại nhà, dù kèm thêm câu chứng cứ về hiệu quả không cao. Liều khuyến nghị là 200mg/kg trọng lượng cơ thể, dùng trong 3-5 ngày.
Từ giữa tháng 5, sở y tế nhiều bang ở Ấn Độ (trong đó có Goa, Uttarakhand, Kerala...) đã cho sử dụng Ivermectin trong điều trị COVID-19.
Tuy nhiên khuyến nghị này không tồn tại lâu, chẳng hạn bang Kerala đã thu hồi khuyến nghị chỉ 3 ngày sau khi đưa ra.
Mới nhất, theo hãng tin South China Morning Post ngày 5-9, Cơ quan quản lý các mặt hàng chữa trị (TGA) của Úc đã phải đưa ra cảnh báo mạnh “không khuyến khích việc tự điều trị và tự kê liều thuốc Ivermectin cho bệnh COVID-19 vì thuốc có thể nguy hiểm với sức khỏe”. TGA ra cảnh báo sau khi ghi nhận nhu cầu nhập khẩu Ivermectin vào Úc tăng lên 10 lần.
Theo hãng tin CBC, tuần trước Bộ Y tế Canada khuyến cáo người dân không sử dụng thuốc Ivermectin trong điều trị COVID-19, vì không có hiệu quả. Thuốc Ivermectin bắt đầu khan hiếm ở Canada từ tháng 1 và có khả năng kéo dài đến hết năm nay, vì nhu cầu gia tăng ở nhiều nước.