Tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng nguy cơ cao
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, cả nước đã tiêm được 21.523.792 liều, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên; trong đó 15.112.140 người tiêm 1 liều và hơn 3.205.826 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Đến ngày 4/9/2021, số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin tại một số địa phương như sau: TP Hà Nội (3.026.125 liều, đạt 52,7%); TP. Hồ Chí Minh (6.130.000 liều, đạt 88%).
Trong ngày 5/9 Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19. Theo đó, các tỉnh thành trên sẽ phải hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 vào ngày 15/9.
Trước những thông tin tiêm vắc xin 2 mũi có thể tự do đi lại, trao đổi với TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc, BS Thái cho biết, hiện nay trên thế giới, một số nước cũng áp dụng chính sách đối với những người đã hoàn thành 2 mũi vắc xin, không cần đánh giá kháng thể được cho phép đi lại bình thường.
Tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên tại Khu công nghệ cao TP HCM - Ảnh Việt Hùng.
Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện, việc áp dụng chính sách đó cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Theo một thông tin thống kê thì số lượng người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khá cao, lên tới 20%-40% tùy thuộc vào từng loại vắc xin. Tại Việt Nam hiện mới triển khai tiêm chủng cũng không thể biết được có nguy cơ nhiễm cao hay thấp.
TS.BS Thái cho hay: "Trong trường hợp tiêm phòng vắc xin COVID-19 rồi, khi bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có số lượng ngày nhất định đào thải dữ dội, dù thời gian có thể ngắn hơn với người không được tiêm.
Người không được tiêm có thể đào thải virus trong 7 ngày, nhưng người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể chỉ đào thải ngắn trong 3 ngày, nhưng 3 ngày đó vẫn nguy cơ. Việc hoàn thành 2 mũi tiêm chỉ có giá trị bảo vệ người tiêm khi nhiễm bệnh sẽ có tình trạng lâm sàng nhẹ, tải lượng virus thấp nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Do đó, nếu đặt ra vấn đề lịch sử đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin COVID-19 để kết luận được đi lại thoải mái rất khó".
Theo TS.BS Thái, người dân có thể đi lại an toàn khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin khi tỷ lệ phủ của vắc xin cao, đã tiêm hết cho những đối tượng như: người cao tuổi, người bệnh nền thì có thể tính tới việc cho đi lại thoải mái trong vùng an toàn.
"Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tiêm cho người già, không có bệnh nền chỉ dưới 50% thì không thể an toàn và không thể thoải mái đi lại được.
Một người chỉ có thể thoải mái đi lại khi đã tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính, lịch sử đi lại an toàn. Vì thế, bên cạnh kiểm soát cá nhân về tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm âm tính của người dân, cơ quan chức năng phải kiểm tra tính an toàn của người đó qua lộ trình đã đi. Nếu họ đã từng đến điểm nguy cơ sẽ không an toàn", TS.BS Thái nói.
Vẫn cần tuân thủ 5K
Đồng quan điểm với TS.BS Thái, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, không có loại vắc xin nào có đảm bảo 100% không bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ 2 liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ), vẫn là nguồn lây cho người khác.
Người được tiêm vắc xin nếu nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch. Do vậy chuyên gia dịch tễ lưu ý dù tiêm đủ 2 liều vắc xin người dân vẫn cần phải tuân thủ đúng 5K và quy định của chính quyền sở tại về phòng chống dịch.
Ngọc Minh
Tổ Quốc