Hai bên thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động qua email thì người lao động có được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ hay không?
Luật sư tư vấn
Theo khoản 4 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và điều 14 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục đến dưới một tháng (30 ngày) được Chính phủ hỗ trợ 1.855.000 đồng/người. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên sẽ nhận hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.
Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm một triệu đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm một triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
Theo điều 15 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ trong trường hợp này bao gồm:
- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền với đối tượng chăm sóc thay thế trẻ em.
Theo Công văn 2558/LĐTBXH-VP ngày 5/8/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,...). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột "Ghi chú" tại Mẫu số 05 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên người lao động và người sử dụng lao động không thể trực tiếp lập thành văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì hai bên có thể thỏa thuận qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử... Và người lao động vẫn được nhận hỗ trợ tiền từ Chính phủ theo quy định (không phân biệt thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động bằng văn bản hay qua các hình thức khác).
Ví dụ: Người lao động soạn nội dung đề nghị công ty cho tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động rồi gửi qua Email, Facebook, Skype, Zalo, Viber... đến công ty và công ty trả lời là đồng ý với đề nghị đó, thì đây được xem là hai bên đã thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thành công.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM
Xem thêm: lmth.7211534-ort-oh-neit-nahn-coud-oc-iot-liame-auq-gnod-poh-naoh-mat/ten.sserpxenv