vĐồng tin tức tài chính 365

Sự biến mất bí ẩn của 'Bà hoàng kẹo ngọt'

2021-09-06 17:39

Helen sinh năm 1911 tại thị trấn nhỏ ở Ohio và kết hôn với người yêu thời trung học vào năm 17 tuổi và ly hôn sau 4 năm. Rời Ohio, Helen tìm việc trong một câu lạc bộ đồng quê ở Palm Beach, Florida. Tại đây bà gặp và cưới Frank Brach, người thừa kế của Công ty bánh kẹo Brach Emil J. Brach, một trong những "ông lớn" ngành thực phẩm nước Mỹ thời đó.

Frank qua đời vào năm 1970, để lại cho vợ khoản thừa kế hơn 20 triệu USD. Điều này khiến Helen được truyền thông mệnh danh "Bà hoàng kẹo ngọt", không chỉ bởi khối tài sản kếch sù mà còn vì bà có nhan sắc nổi bật.

Bà hoàng kẹo ngọt Helen Brach. Ảnh: Chicago Suntimes

"Bà hoàng kẹo ngọt" Helen Brach. Ảnh: Chicago Suntimes

Ngày 17/2/1977, Helen đến Phòng khám ở Rochester, bang Minnesota. Các bác sĩ ở đó không phát hiện sức khoẻ có điều gì khác thường ngoài cảnh báo bà bị thừa cân nhẹ. Trên đường về, bà dừng lại ở một cửa hàng quà tặng và mua mỹ phẩm, giục nhân viên rằng đang vội ra sân bay.

Nhân viên bán hàng này cũng là người cuối cùng nhìn thấy Helen còn sống. Trên lý thuyết, bà sẽ phải bắt chuyến bay đến Chicago ngay sau đó nhưng phi hành đoàn chưa bao giờ thấy bà bước lên máy bay.

Tuy nhiên quản gia của bà, Jack Matlick lại nói rằng đã đón bà chủ từ sân bay trở về đưa về dinh thự tại Glenview, Illinois. Jack được bà Helen thuê để bảo trì định kỳ cho những ngôi nhà khi chồng bà qua đời và nhanh chóng trở thành một người quản gia tin cậy.

Cuối tuần đó, Jack gọi cho vợ và nói rằng sẽ ở lại Glenview vì anh có việc phải làm. Vợ anh ta khẳng định trước đó chồng chưa bao giờ qua đêm ở nhà Helen vì gia đình chỉ sống cách đó vài dặm. Trong những ngày bí ẩn đó, một số người bạn của bà Helen đã ghé thăm nhưng bị Jack từ chối, người nói rằng bà chủ không được khỏe. Bà cũng không gọi điện cho ai trong suốt những ngày sau đó.

Theo Jack, bà chủ vẫn ở trong suốt 4 ngày và sau đó nói có công việc cần tới Florida nên anh chở đến sân bay O'Hare lúc 7h sáng mà không có nhiều hành lý hoặc đặt trước chuyến bay.

Bạn bè Helen coi điều này thật nực cười vì bà góa này luôn đi du lịch với rất nhiều hành lý và một hành trình được lên kế hoạch cẩn thận. Bà cũng nổi tiếng là người ghét dậy sớm và không bao giờ đặt các chuyến bay trước 10h. Hơn nữa, không có tài liệu nào về việc bà bay khỏi sân bay O'Hare vào hôm đó.

Trong cùng khoảng thời gian đó, người quản gia cũng thuê nhân công sơn lại hai căn phòng, thay thảm và còn miệt mài lau chùi nội thất chiếc Cadillac màu hồng của bà chủ.

Bằng chứng đáng ngờ nhất là một tấm séc 15.000 USD ghi tên Jack là người thụ hưởng tìm thấy sau sự biến mất của bà goá triệu phú. Người quản gia giải thích đó là món quà bà chủ tặng vì đã chăm sóc cho căn nhà. Nhưng phân tích chữ viết tay, cảnh sát thấy đó không phải là chữ ký của Helen. Jack sau đó nói bà chủ bị viêm khớp tay và nhờ anh tự viết và ký séc thay.

Jack không báo cảnh sát về sự biến mất của bà Helen suốt 14 ngày sau đó.

Quản gia của bà, Jack Matlick trong phiên toà năm 1984. Ảnh: Chicago Suntimes

Quản gia của bà, Jack Matlick trong phiên toà năm 1984. Ảnh: Chicago Suntimes

Cảnh sát xác định tất cả những bằng chứng đều chỉ ra nghi phạm duy nhất là gã quản gia. Song tất cả chỉ là suy đoán, nhà chức trách không có bằng chứng liên kết anh ta với vụ mất tích hay giết người. Không có vũ khí, máu, thi thể, sợi tóc, thậm chí cả nhân chứng.

Jack cũng đã thực hiện một loạt các bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối nhưng kết quả đã đứng về phía anh ta.

Mũi công kích tiếp theo của cảnh sát nhằm vào người tình tin đồn của nạn nhân. Richard Bailey, là chủ sở hữu của trại buôn bán ngựa và một câu lạc bộ đua ngựa lớn trong thành phố. Richard nổi tiếng là kẻ "đào mỏ" ở Chicago khi tiếp cận những người phụ nữ giàu có trung niên mới ly hôn hoặc góa chồng, sau đó rút tiền của họ ra bằng cách dụ đầu tư xấu vào ngựa.

Richard giới thiệu Helen với công việc kinh doanh ngựa. Kế toán của Helen ước tính bà đã chi 250.000 USD cho những con ngựa. Richard và anh trai đã bán cho Helen một số con ngựa vô thưởng vô phạt nhưng tâng bốc chúng như những báu vật để moi tiền của nữ triệu phú.

10 năm sau vụ mất tích, bà Helen được tuyên bố là đã chết hợp pháp vào năm 1984. Việc điều tra không có tiến triển cho đến năm 1989, khi FBI đang điều tra một vòng lừa đảo liên quan những con ngựa thuần chủng và một trong hai bị can chính là Richard.

Theo đó, một phần trong chiêu trò các nghi can nhắm các góa phụ giàu là khuyến khích họ đầu tư vào ngựa "lởm" với giá cắt cổ. Nếu nạn nhân nghi ngờ sau khi mua ngựa, chúng sẽ giết chết những con ngựa này và trấn an người mua bằng một chút tiền bảo hiểm.

Richard bị cáo buộc cấu kết với Silas Jayne, kẻ cầm đầu một băng đảng xã hội đen trong những phi vụ lừa đảo này. Silas cũng là nghi phạm trong 3 vụ mất tích của những goá phụ giàu có mê ngựa khác, từ năm 1966.

Điều này càng khiến nhà chức trách khẳng định chúng đã tiếp cận bà Helen như một con mồi tiếp theo. Nhưng có vẻ bà đã hiểu ra âm mưu và đe dọa sẽ báo cáo vụ lừa đảo với chính quyền nên chúng buộc phải "bịt đầu mối".

Năm 1994, Richard bị buộc tội với nhiều tội danh Lừa đảo, Rửa tiềnGiết người. Ông ta đã nhận tất cả, trừ việc lừa đảo bà Helen hay có liên quan sự biến mất của bà. Richard bị kết án chung thân, sau đó giảm xuống 30 năm.

28 năm sau vụ mất tích, năm 2005, một tay sai của Silas Jayne thú nhận với cảnh sát rằng chúng đã bắt cóc bà Helen trên đường ra sân bay và sử dụng một phụ nữ cải trang thành Helen. Cô ta sau đó sử dụng vé máy bay của bà Helen để bay về O'Hare, nơi người quản gia đã đợi sẵn. Để đỡ bị nghi ngờ, cô này ở nhà Helen 4 ngày rồi mới bắt chuyến bay đi Florida và trốn biệt tích.

Richard Bailey trong phiên kháng cáo kêu oan năm 2017. Ảnh: Chicago Suntimes

Richard Bailey trong phiên kháng cáo kêu oan năm 2017. Ảnh: Chicago Suntimes

Có được "Bà hoàng kẹo ngọt" trong tay, 11 tay sai của Silas trong băng đảng đã hại bà theo lệnh của thủ lĩnh rồi thiêu xác tại một nhà máy thép gần bang Indiana. Đúng như suy luận của cảnh sát, kẻ đầu thú nói Helen bị sát hại để bịt đầu mối về các vụ lừa đảo về ngựa. Song hắn cũng khẳng định, Richard không liên quan.

Để tăng tính xác thực cho lời tự thú, hắn giao nộp cho cảnh sát một chiếc nhẫn hồng ngọc, nói rằng đã rơi ra khi hắn đang vứt xác. Người thân của nạn nhân xác định nó là của bà Helen nhưng các nhà chức trách không thể chứng minh điều này thông qua xét nghiệm ADN. Và thủ lĩnh của hắn, Silas, đã chết từ năm 1987.

Richard ra tù ngày 25/7/2019, ở tuổi 90. Thủ phạm đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Vụ án "Bà hoàng kẹo ngọt" tạo cảm hứng cho nhiều cuốn sách, trong đó có Hot Blood của Ken Englade và Who killed the Candy lady? của James Ylisela.

Ở quê nhà Ohio của Helen, những người thân vẫn chăm sóc cho ngôi mộ trống của bà. Sự ngọt ngào của "Bà hoàng kẹo ngọt" vẫn duy trì đến ngày nay khi phần lớn số tài sản của bà được dành cho Quỹ Helen V. Brach. Tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo di nguyện của bà, mỗi năm trao đi hơn 6 triệu USD để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi khắp nước Mỹ.

Hải Thư (Theo Chicago Tribune, Orangebean, George Pallas)

Xem thêm: lmth.6171534-togn-oek-gnaoh-ab-auc-na-ib-tam-neib-us/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sự biến mất bí ẩn của 'Bà hoàng kẹo ngọt'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools