Tại hội thảo trực tuyến "Oxy cho doanh nghiệp mùa Covid" do FPT Telecom International tổ chức, ông Đặng Việt Dũng- đồng sáng lập và TGĐ Nano Technologies, cựu TGĐ Uber Vietnam, TGĐ ZaloPay, Cố vấn quản trị của McKinsey, Th.s MBA Đại học Harvard, USA đã có chia sẻ góc nhìn của một công ty công nghệ về việc đứt gãy nguồn nhân lực trong thời Covid và cách để doanh nghiệp có thể phục hồi sau đợt dịch này.
Đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lực
Theo ông Đặng Việt Dũng, trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp gặp khó khăn, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ hàng hoá mà cả nguồn lực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ tháng 8/2020 đến nay, nếu tỷ lệ sử dụng lao động bình thường ở mức 100 điểm, thì miền Bắc tăng từ 101 lên 105 điểm, trong khi đó khu vực miền Nam tỷ lệ sử dụng lao động giảm "thê thảm". Ông Dũng lấy dẫn chứng, tỷ lệ sử dụng lao động tại TP.HCM tháng 8 năm nay chỉ bằng 44% năm ngoái, các tỉnh như Đồng Tháp chỉ đạt 34%, Hậu Giang 58%... Đã có sự phân bố không đồng đều giữa các ngành, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng và chuỗi nguồn lực lao động. Nhiều nhà máy đóng cửa vì không duy trì được 3 tại chỗ, nhiều lao động về quê trước dịch…
Câu chuyện ở đây đặt vấn đề rất lớn là sau dịch các doanh nghiệp sẽ phục hồi như thế nào?
Theo ông Dũng, tại các nước phát triển đã trải qua đợt dịch từ 6-18 tháng thì câu chuyện nguồn lực lao động sau dịch rất khó khăn.
Đúng là có sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng nguồn lực khi có sự tái phân bố - chuyển dịch lao động trong các ngành khác nhau. Các ngành liên quan đến du lịch khách sạn bị ảnh hưởng quá nặng, nhiều nhà đầu tư tham gia trong ngành đó dùng đòn bẩy tài chính không chịu được phải đóng cửa, ông chủ phá sản thì người lao động cũng phải nghỉ việc. Trong khi đó, vẫn có những ngành có cơ hội như ngành công nghệ vẫn tuyển kỹ sư, thậm chí tuyển dụng được nhiều kỹ sư giỏi và nhân sự cao cấp từ các ngành khác chuyển dịch sang. Do đó doanh nghiệp nào có nền tảng tài chính tốt thì đây là cơ hội có thể tuyển dụng được nhiều nhân sự tốt. Ông Dũng khuyên các doanh nghiệp giai đoạn này cần phải đảm bảo tài chính, chăm lo cho sức khoẻ người lao động, lên kịch bản khác nhau để phục hồi sau dịch.
Không phải cứ có tiền là tuyển được lao động như ý muốn
Ban tổ chức công bố số liệu của Tổng cục thống kê về tình trạng việc làm của người lao động do ảnh hưởng của dịch trong quý II/202 với 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, 4,3 triệu lao động bị giảm giờ làm, 557.000 lao động bị mất việc.
Theo CEO Nano Technologies, ông bị "choáng" vì con số này, tính tổng có khoảng 17 triệu lao động bị ảnh hưởng, trong khi theo thống kê chính thức Việt Nam có 27 triệu người làm công ăn lương, như vậy có hơn 60% người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chưa kể lao động tự do. Như vậy là mức độ ảnh hưởng rất nặng.
Để trả lời câu hỏi doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực dài hạn như thế nào, ông Dũng đưa ra khái niệm về "Succession planning" (kế hoạch kế nhiệm). Hầu hết các công ty đều lập kế hoạch để chuyển đổi các vị trí lãnh đạo trong công ty, nhưng đây chỉ là góc độ quản lý cấp cao, còn nguồn nhân lực ở dưới thì sao.
Ông Dũng cho biết Nano Technologies có cơ hội phục vụ khách hàng ở vài lĩnh vực như may mặc, có nhiều công ty khó khăn không có cách nào khác phải cho lao động giảm giờ làm, thậm chí nghỉ vĩnh viễn. "Đó là điều không tránh khỏi, đắng thật nhưng chúng ta vẫn phải nuốt", ông Dũng nhận xét. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải lao động nào cũng như nhau.
"Lao động phổ thông sau đợt dịch tỷ lệ quay lại (rebound) là có nhưng những ngành đặc thù lao động có tay nghề, nếu họ chuyển dịch ngành nghề rồi tìm lại họ rất khó, rất tốn kém, không chỉ tốn kém ở góc độ tìm người mà đôi khi không tìm được họ là gây hại cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất và kinh doanh", ông Dũng nhận định.
Theo CEO Nano Technologies, những ngành liên quan kỹ năng mềm như ngành may mặc thì thợ lành nghề và thợ không lành nghề khác hẳn nhau, chi phí đào tạo rất là tốn kém và không phải là có tiền là đào tạo họ được.
Ông Dũng chia sẻ, một khách hàng của Nano Technologies trong ngành may mặc đợt dịch đầu tiên phải cho công nhân nghỉ khi đối tác ở nước ngoài bùng phát dịch, đơn hàng bị cắt. Tháng 5-6 năm ngoái, khi các nước đã kiểm soát được dịch bệnh, đơn hàng khôi phục thì doanh nghiệp phải tuyển lại lao động. Trước đây, phí tuyển dụng trung bình 1 công nhân mất 500.000 đồng/người giới thiệu vào, thì khi đơn hàng về, doanh nghiệp tuyển lao động không kịp và nhiều nhà máy tuyển cùng lúc tạo ra độ nghẽn trong cung cầu khiến có nhà máy phải chi tới 8 triệu cho 1 công nhân tuyển vào, tăng 1.600% so với trước.
Câu chuyện đứt chuỗi cung ứng trong hàng hoá cũng áp dụng trong nguồn lực, có những lúc doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động trong thời gian ngắn nhưng chi phí tuyển dụng sau dịch là nhiều nhà quản lý phải cân nhắc trước, "nếu đơn hàng về thì chúng ta không có cách nào khác cả", ông Dũng nhận định.
"Quản lý không bỏ việc nhưng người lao động có nhiều lựa chọn, đôi khi họ về quê không lên nữa, đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty trong ngành xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mất mấy chục năm trên thường để xây dựng thương hiệu, uy tín, có đối tác lớn. Nhưng khi đứt chuỗi cung ứng không có đơn hàng, không xuất khẩu được có thể do vướng mắc ở khâu logistics, nếu đơn hàng không hoàn thành đúng hạn được thì đối tác sẽ chuyển sang công ty khác. Khi đó chúng ta mất cả chì lẫn chài. Lao động là tư liệu sản xuất quan trọng, bên cạnh máy móc, nguyên vật liệu, nếu tài sản cố định vẫn ở đấy, đặc biệt doanh nghiệp nào dùng đòn bẩy thì sớm hay muộn cũng phải thu hẹp quy mô. Điều này còn tệ hơn là mình cố gắng trụ lại sau 1-2 tháng nuôi đủ nguồn lao động để sau đó phục hồi nhanh và không lãng phí tư liệu sản xuất khác", CEO Nano Technologies đưa ra lời khuyên.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đặt ra là dịch sẽ kéo dài khoảng bao lâu vì có sự khác biệt giữa sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp 2 tháng không có doanh thu là không chiu nổi, nhưng có doanh nghiệp có thể cầm cự được 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn mới gặp vấn đề.
Theo Châu Cao
Doanh nghiệp & Tiếp thị