Hướng dẫn làm giấy đi đường cho các doanh nghiệp dài 4 trang, nhiều chủ doanh nghiệp nói “đọc mãi không hiểu” - Ảnh: PHẠM TUẤN
Doanh nghiệp chạy theo bở hơi tai
Theo hướng dẫn của Sở Công thương Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu muốn làm giấy đi đường mẫu mới của Hà Nội phải trải qua 4 bước: gửi 3 file bản mềm thông tin về nhân viên, phương tiện hàng hóa…; sau đó, Sở Công thương Hà Nội tiếp nhận, xử lý hồ sơ; nếu đủ điều kiện sẽ tổng hợp và gửi Công an TP xem xét, cấp xác nhận, nếu không hợp lệ thì sẽ nêu rõ lý do và niêm yết trên mục phòng chống COVID-19 tại website của sở này.
Bước cuối cùng, sở sẽ gửi kết quả cho doanh nghiệp qua email sau khi nhận được kết quả xử lý hồ sơ từ Công an TP. Với những bước kể trên, nhiều doanh nghiệp than thủ tục quá phiền hà, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong chiều 6-9, tại trụ sở Sở Công thương (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều đại diện doanh nghiệp đã đến đây mong giải đáp những thắc mắc về việc cấp giấy đi đường.
Bà Trần Vân Anh - bộ phận hành chính nhân sự Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina - cho biết quy định trên khiến thủ tục ngày càng phức tạp.
"Lần trước đã chạy theo một đợt rồi, bây giờ chúng tôi lại phải chạy theo một đợt nữa, không biết như thế nào để làm. Khi đọc trên mạng nhiều thông tin quá, quá nhiều bước, thấy hướng dẫn doanh nghiệp ở nhóm 2 nên phải qua Sở Công thương", bà Vân Anh nói.
Bà Vân Anh nói thêm rằng công ty đã gửi thông tin vào email, nhưng chưa được phản hồi, sợ nhân viên công ty những ngày tới không có giấy sẽ bị xử phạt.
Theo bà Anh, trong gần 2 tháng giãn cách xã hội, việc Hà Nội thay đổi thủ tục liên tục đã khiến doanh nghiệp phải 'chạy đôn chạy đáo’ để hoàn thiện giấy tờ.
"Tôi mong muốn Hà Nội đồng bộ và nhất quán một loại giấy tờ, hạn chế tối đa các quy trình phức tạp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chứ nhiều thủ tục như thế này bọn tôi đi làm giấy tờ rất mệt mỏi", bà Vân Anh mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Huyên - nhân viên phòng hành chính nhân sự tại một công ty xuất nhập khẩu may mặc ở Hà Nội - cho biết, hướng dẫn của sở quá dài dòng khiến bản thân chị "đọc mãi không hiểu".
"Chỉ mong Hà Nội có những giải pháp làm online, tinh giản thủ tục vì bây giờ đa phần doanh nghiệp đều có chữ ký số hết rồi thì có thể ký ở trên đấy và gửi đi, xét duyệt nhanh gọn nhất, chứ như thế này rất dài dòng", chị Huyên nói.
'Không chỉ là phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...'
Trước đó, trong sáng 6-9, tại một số chốt kiểm soát ở Hà Nội, dù chưa áp dụng giấy đi đường mới, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, đông đúc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Công Giang - phó giám đốc Công ty luật Bách Tín - cho biết thời điểm hiện tại nên ưu tiên cho việc áp dụng 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính như Đà Nẵng cấp mã trực tuyến rất đơn giản, TP Hà Nội nên áp dụng, học hỏi.
“Việc TP Hà Nội ban hành quy định về siết chặt giấy đi đường như hiện nay rườm rà thủ tục, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đến các phường hỏi thủ tục về việc cấp giấy đi đường nhưng nhiều phường vẫn đang còn lúng túng, chưa có sự tham mưu chuẩn từ phía lãnh đạo cấp trên”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, quy chiếu vào thủ tục mà Hà Nội hướng dẫn, thì phải mất trên 2 ngày doanh nghiệp mới có thể hoàn thành. Ngoài ra, những quy định trên không đúng với tinh thần của pháp luật, cụ thể là Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bà Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho biết quy định mới về giấy đi đường của Hà Nội rất phức tạp, làm tăng khối lượng công việc cho nhiều bên, từ chính quyền, doanh nghiệp, cơ quan công an, người dân.
"Tôi rất băn khoăn, những quyết định như vậy có phù hợp trong tình hình hiện nay hay không, không chỉ là phiền hà cho người dân và doanh nghiệp mà còn khiến lực lượng công an quá tải", bà Hồng nói.
Công an các phường đang làm việc 24/24 để cấp giấy đi đường
Lực lượng Công an phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm) đang rà soát, cấp giấy đi đường cho người dân. Ảnh chụp tối 6-9 - Ảnh: DANH TRỌNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đêm 6-9, lực lượng công an các phường đang làm việc 24/24 để cấp giấy đi đường cho người dân và doanh nghiệp. Tại Công an phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm), đơn vị đã huy động tối đa lực lượng để rà soát hồ sơ cấp giấy đi đường.
"Chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp có giấy lưu thông", một đại diện Công an phường Cổ Nhuế 1 nói.
TTO - Trong 1 ngày, công an Hà Nội đã yêu cầu 1.500 lượt xe quay đầu, xử phạt hành chính nhiều người ra đường không có lý do chính đáng. Nam ca sĩ Tuấn Hưng cũng bị yêu cầu quay đầu xe khi định đi vào 'vùng đỏ' mà không có giấy đi đường.