VKSND Tối cao nhận định, qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án cho thấy còn một số bản án, quyết định , gồm cả bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị tòa án cấp trên hủy, sửa; có vụ án xét xử nhiều lần, qua nhiều cấp mà nguyên nhân chủ yếu do việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật chưa chính xác.
Từ thực hiện trên, VKSND Tối cao ban hành Văn bản số 32 để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tranh chấp quyền sổ hữu nhà (QSHN) hoặc QSHN gắn liền với QSDĐ.
Ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?
Về xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp QSDĐ, QSHN, VKSND Tối cao đưa ra lưu ý với năm trường hợp sau đây:
Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (GCNQSHN) hoặc GCNQSDĐ, QSHN và tài sản gắn liền với đất được cấp cho hộ gia đình thì phải căn cứ vào hộ khẩu tại thời điểm được cấp GCNQSD đất, GCNQSHN hoặc GCNQSDĐ, QSHN và tài sản khác gắn liền với đất để xác định các thành viên trong hộ có tên trong hộ khẩu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nhà, đất tranh chấp đang do người khác trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc đang cho thuê, thế chấp tại ngân hàng thì khi giải quyết vụ án, người đang quản lý, sử dụng, đang thuê, ngân hàng đang nhận thế chấp nhà, đất được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối với đất tranh chấp có một phần diện tích nằm trong GCNQSDĐ của bên thứ ba, ngoài GCNQSDĐ đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn thì phải xác định bên thứ ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Còn với đất tranh chấp mà GCNQSDĐ đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn nhưng theo hồ sơ địa chính trước đó do người khác kê khai, đăng ký trên sổ mục kê hoặc sổ địa chính...thì người kê khai, người đăng ký trên sổ mục kê, sổ địa chính được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp vụ án có đương sự yêu cầu Tòa án hủy GCNQSD đất đã cấp thì cơ quan đã cấp GCNQSD đất được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Điều kiện hoàn giải tại UBND cấp xã
Đối với các vụ án tranh chấp QSDĐ, VKSND Tối cao yêu cầu khi kiểm sát việc thụ lý vụ án, kiểm sát viên phải kiểm tra tài liệu, chứng cứ để đảm bảo tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã. Trường hợp, UBND cấp xã hòa giải nhưng không thành thì Tòa án mới được thụ lý vụ án.
Riêng, các tranh chấp QSHN thì việc hòa giải tại UBND cấp xã không phải là điều kiện bắt buộc để tòa án thụ lý vụ án.
VKSND Tối cao cũng nêu rõ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về QSDĐ của tòa án được xác định ở thời điểm thụ lý vụ án, những tình tiết phát sinh sau khi thụ lý như được cấp GCNQSDĐ hay hủy GCNQSDĐ đã cấp...không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã được xác định ở thời điểm thụ lý... Việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án căn cứ vào BLTTDS có hiệu lực ở thời điểm thụ lý vụ án.
Mặc khác, vụ án có nội dung tranh chấp ai là người có QSDĐ, ai là người có QSHN thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.