Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa quy định, từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022.
Chỉ áp trong 1 năm
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa 1,7 triệu đồng.
Hầu hết ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đều không đồng tình với đề xuất áp giá sàn vé máy bay .Ảnh: TẤN THẠNH
Với những đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850 đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng và tối đa 3,75 triệu đồng. Như vậy, nếu đề xuất này nếu được áp dụng, thị trường hàng không trong nước trong 1 năm tới sẽ không còn mức giá vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng/vé/chiều như thời gian qua.
Lý giải về đề xuất này, Cục HKVN cho biết giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí vẫn cao khiến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán, đe dọa đến sự tồn tại của các hãng. Do đó, việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).
Dù vậy, Cục HKVN thừa nhận giải pháp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và trấn an người tiêu dùng rằng đây chỉ là giải pháp mang tính chất tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn và cũng có nhiều hạn chế. Một số quốc gia đã từng áp dụng chính sách quy định mức giá tối thiểu giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá bán các hãng, sau đó đã bãi bỏ quy định này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, có 2 doanh nghiệp (DN) là Vietnam Airlines và Pacific Airlines đề xuất nhà nước quy định mức giá tối thiểu. Ngược lại, VietJet đề xuất không áp dụng giá sàn và Bamboo Airways đề xuất bỏ quy định nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên.
Khó kích cầu sau dịch
Nhận xét về đề xuất áp giá sàn vé máy bay để hỗ trợ các hãng hàng không, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam, tỏ ra không đồng tình và cho rằng giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. Đó là một công cụ cạnh tranh của DN khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.
Theo TS Bùi Doãn Nề, trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, tổn thất của ngành hàng không thế giới lên tới con số hàng trăm tỉ USD, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các DN hàng không Việt Nam với những giải pháp hỗ trợ của nhà nước đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, ổn định và trụ vững trước cạnh tranh trong nước và quốc tế.
"Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không. Nếu còn đua nhau giảm giá để cạnh tranh càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính. Thay vào đó, các hãng cần chú ý nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh và kích cầu sau khi đại dịch được kiểm soát" - TS Bùi Doãn Nề nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng nêu quan điểm về đề xuất áp giá sàn giá vé máy bay là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường và không có lợi cho người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng không nên áp giá trần hoặc giá sàn đối với dịch vụ hàng không, bao gồm cả vé máy bay. Bởi làm như vậy sẽ có 3 hệ lụy là gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn. Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế thị trường, phấn đấu được quốc tế công nhận là quốc gia theo cơ chế thị trường, nếu mỗi ngành lại dùng biện pháp hành chính (áp giá trần hoặc giá sàn) thì bao giờ mới đạt được tiêu chuẩn này?
"Việc áp giá trần hoặc giá sàn còn có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với những mức giá ưu đãi. Chưa kể, nếu cơ quan chức năng chưa đánh giá tác động của chính sách, lại càng chưa nên hay không nên ban hành" - TS Cấn Văn Lực nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN du lịch cũng bất ngờ với dự thảo thông tư quy định về giá sàn vé máy bay vừa được lấy ý kiến. Bởi du lịch là một trong những ngành thiệt hại nặng nề và trực tiếp trong đại dịch, các DN kỳ vọng khi dịch được kiểm soát tốt có thể sớm kích cầu du lịch trở lại và kích thích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không... Do đó, việc áp giá sàn vé máy bay có thể hạn chế nhu cầu "đi máy bay" của người dân.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho rằng giá vé máy bay là một trong những yếu tố cấu thành nên giá của chương trình du lịch. Giá vé máy bay nên để thị trường điều tiết. Khi nhu cầu tăng cao, đặc biệt là cao điểm lễ, Tết thì giá vé tăng; ngược lại, khi đến mùa thấp điểm cần khuyến khích khách đi du lịch nên hạ giá để kích thích nhu cầu.
"Không phải chỉ du lịch mà tất cả ngành khác nếu ngành nào cũng nói do dịch bệnh nên cần áp giá sàn để nhanh phục hồi sẽ đẩy giá cả leo thang, lạm phát tăng" - ông Yên nêu quan điểm.
Lo lắng với đề xuất áp giá sàn vé máy bay nếu được thông qua sẽ cản trở kích cầu du lịch nội địa và nỗ lực khôi phục của ngành du lịch, ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho rằng nếu áp giá sàn chắc chắn sẽ đẩy giá thành chương trình du lịch lên cao, ảnh hưởng đến nhu cầu mua tour, đi du lịch của du khách sau dịch.
"Giá vé máy bay nên để thị trường quyết định. Một số công ty du lịch đã đặt vé cả năm trước thời điểm dịch lần thứ 4 bùng phát với giá thấp hơn nhiều giá sàn để dự kiến kích cầu trở lại sau khi dịch được kiểm soát. Nay nếu áp giá sàn, chi phí vé máy bay sẽ đội lên, ảnh hưởng chi phí đầu vào, sẽ càng khó khăn cho công ty lữ hành và khách du lịch" - ông Phạm Quý Huy nói.
Về quy định dự kiến áp giá sàn vé máy bay, Bộ GTVT cho biết đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn nên quan điểm của bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của DN hàng không. Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.
Bộ GTVT khẳng định đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau, trong đó có đánh giá tác động cụ thể; sau đó mới xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân rồi mới xem xét, quyết định.
Đề xuất phương án mở lại bay nội địa
Ngoài đề xuất về áp giá sàn vé máy bay, Cục HKVN cũng đang lấy ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo đó, 22 sân bay trên cả nước sẽ được phân thành 3 nhóm "xanh, vàng, đỏ" để quyết định đường bay, đối tượng hành khách và quy định đi kèm. Cục đề xuất cho phép các hãng được phép tổ chức mở bán, khai thác các đường bay nội địa với yêu cầu, điều kiện nêu trên theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất khai thác trên cơ sở slot được xác nhận.
Xem thêm: mth.43313330270901202-iol-coud-gnohk-gnah-ihc-yab-yam-ev-nas-aig-pa/et-hnik/nv.moc.dln