Quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Israel về phát triển hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp Arrow 4 đang bắt nhanh tiến độ. Tên lửa Arrow 4 do Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO) và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) cùng phát triển từ năm 2017.
Tên lửa đánh chặn Arrow 3 của Israel được phóng từ bãi thử ở bang Alaska (Mỹ). Ảnh: Breaking Defense
Mặc dù Arrow 4 được thiết kế để chống lại các loại tên lửa tầm xa mới, song các báo cáo gần đây cho rằng tên lửa này có thể có nhiều khả năng tiên tiến hơn. Điều này rất có ý nghĩa khi Mỹ và Israel đối mặt các đối đe dọa đáng kể từ những quốc gia như Iran, Nga và Trung Quốc.
Dòng tên lửa Arrow
Israel luôn đi đầu trong phát triển hệ thống phòng không mạnh nhất và hiệu quả nhất trong bối cảnh xuất hiện mối đe dọa thường xuyên từ các nước láng giềng Ả Rập và lãnh thổ Palestine.
Các công ty Israel đã phát triển một hệ thống phòng không hiệu quả, gọi là Vòm Sắt (Iron Dome) để bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket. Nhà nước Do Thái đã trang bị một lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo đa tầng, bao gồm Arrow 2, Arrow 3, Barak-8, Iron Dome và Iron Beam.
Các tên lửa Arrow 2 và Arrow 3, cả hai tạo thành lớp trên cùng của lá chắn phòng thủ Israel, do tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI) của Israel và tập đoàn Boeing của Mỹ hợp tác phát triển. Hai loại tên lửa này là một phần của Hệ thống Vũ khí Arrow (AWS) – hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo chiến thuật hoạt động độc lập ở cấp quốc gia đầu tiên trên thế giới.
Ý tưởng thiết kế tên lửa Arrow-4. Ảnh: Israeli MoD/The EurAsian Times
Arrow 2 và Arrow 3 được thiết kế để hoạt động trong khí quyển cũng như trong không gian vũ trụ. Sự phát triển tên lửa Arrow 2 xuất phát từ các mối đe dọa từ thời Chiến tranh Vùng Vịnh.
Việc sản xuất Arrow 2 bắt đầu năm 2000, trong khi mãi đến năm 2016 tên lửa Arrow 3 mới được sản xuất. Arrow 3 từng được sử dụng để đánh chặn tên lửa đất đối không phóng từ Syria hồi tháng 3-2017.
Theo lịch sử hợp tác phát triển AWS hàng thập niên, Mỹ và Israel hồi tháng 2 thông báo hai nước cùng nhau thiết kế và phát triển hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp Arrow 4.
Tháng 7, IAI và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ ký một biên bản ghi nhớ hợp tác phản triển tên lửa Arrow 4. Tên lửa này dự kiến sẽ thay thế tên lửa Arrow 2 trong việc đối phó các mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung bay tầm thấp hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz từng nói rằng hệ thống Arrow 4 sẽ được thiết kế để chuẩn bị cho chiến trường tương lai và các mối đe dọa đang gia tăng ở Trung Quốc và toàn thế giới. Hệ thống này được kỳ vọng chống lại các mối đe dọa trong và ngoài khí quyển.
Mối đe dọa siêu thanh từ Nga và Trung Quốc
Việc phát triển tên lửa Arrow 4 phần lớn nhằm đối phó mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran. Một đặc điểm thiết kế đáng chú ý ở Arrow 4 sẽ là những cánh lượn (winglet), giúp đánh chặn các mối đe dọa bên trong bầu khí quyển, đặc biệt là tên lửa siêu thanh.
Iran hiện không đặt ra mối đe dọa siêu thanh cho Israel. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga – hai đối thủ của Mỹ đang tiến khá nhanh trong lĩnh vực siêu thanh.
Tên lửa hành trình siêu thanh Zircon của Nga được phóng từ tàu Đô đốc Gorshkov. Ảnh: The EurAsian Times
Trung Quốc đã tiết lộ tên lửa siêu thanh DF-17 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và tên lửa siêu thanh diệt hạm DS-100. Có nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc thậm chí đang trên đà hoàn thiện các máy bay không người lái siêu thanh và cơ chế hạ cánh của chúng.
Trong khi đó, Nga đang triển khai tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal và thiết bị lượn siêu thanh Avangard. Cả hai loại tên lửa này đều có khả năng hạt nhân.
Israel muốn đi trước một bước và đã chuẩn bị trước khi công nghệ siêu thanh của Nga hay của Trung Quốc được xuất khẩu sang Trung Đông.
Tên lửa Arrow 4 mạnh thế nào?
Tên lửa đẩy hai tầng của Arrow cho phép nó đạt được tốc độ siêu thanh lên tới Mach 9 (11.000 km/giờ). Tuy nhiên, việc đối phó tên lửa siêu thanh sẽ đòi hỏi khả năng cơ động tốt hơn.
Phương tiện truyền thông cho hay tên lửa Arrow 4 sẽ được thiết kế để tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng cơ động và các vũ khí loại thiết bị lượn.
Mục tiêu là giảm thiểu mối đe dọa đặt ra từ tên lửa đạn đạo vốn phóng nhiều đầu đạn. Những tên lửa này được biết đến với cái tên đầu đạn đa định hướng (MIRV).
Vì MIRV phóng ra bom chùm cùng một lúc, do đó các mục tiêu sẽ tăng lên nhiều lần và gia tăng thiệt hại, vì thế việc đối phó chúng sẽ là một thành tựu lớn.
Theo The EurAsian Times, nếu có bất kỳ quốc gia nào đó liên tục chứng minh được khả năng đối phó mối đe dọa trên không tiên tiến thì đó là Israel và tên lửa Arrow 4 có thể chứng tỏ là một hệ thống phòng không thế hệ kế tiếp làm thay đổi cuộc chơi.