Vị trí và hướng di chuyển bão Conson - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Conson diễn ra sáng 8-9, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến COVID-19 phức tạp.
Lên phương án sơ tán dân
Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển; 114.091 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 70.770 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.
Đại tá Phạm Hải Châu, phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án ứng phó với bão Conson.
Thống kê đối với lực lượng quân đội đã sẵn sàng hơn 500.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng hơn 2.000 trang thiết bị để ứng phó.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết, từ chiều qua đến sáng nay, lãnh đạo tỉnh và sở đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo thu hoạch vụ mùa, thủy hải sản.
"Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương lên phương án sơ tán dân ở khu vực ven biển. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn về phương án sơ tán dân đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do phải ưu tiên phạm vi sơ tán, sàng lọc F1, F2, F3 và bố trí lực lượng phục vụ tại nơi sơ tán" - ông Nam thông tin.
Ông Mai Văn Minh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã có công văn, công điện chỉ đạo các phương án ứng phó với mưa bão.
Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn nếu như bão đổ bộ vào vì địa phương có nhiều nơi đang thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, tỉnh đã lên kịch bản sơ tán dân nhưng cần có hướng dẫn của Bộ Y tế nếu sơ tán thì thực hiện như thế nào khi đang giãn cách.
Nếu cần vẫn phải sơ tán, đồng thời đảm bảo phòng chống COVID-19
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế cho biết bộ đã ban hành công văn số 7439 về việc chủ động và ứng phó với thiên tai, bão lũ, mưa lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Bộ đề nghị các tỉnh rà soát lại các kế hoạch đã được xây dựng, theo điều kiện thực tế để ứng phó kịp thời, đáp ứng tình huống mưa lũ, bão lớn, đảm bảo công tác cấp cứu, thu dung, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân không bị gián đoạn...
Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đặt câu hỏi: Nếu bão đổ bộ khu vực "vùng đỏ", "ai ở đâu ở đó" thì lúc đó có hủy bỏ lệnh "ai ở đâu ở đó" để sơ tán dân và sơ tán đảm bảo những điều kiện gì?
Đại diện Bộ Y tế thông tin, trong tình huống bão lũ và thiên tai thì công tác bảo đảm an toàn cho người dân phải đặt trên hết, tức những khu vực nào không đảm bảo an toàn thì vẫn phải sơ tán đến nơi bảo đảm an toàn, tại nơi này vẫn phải đảm bảo những điều kiện phòng chống dịch.
"Ngoài công văn 7439 thì Bộ Y tế đang dự kiến tình huống, phương án hướng dẫn cho các địa phương triển khai" - đại diện Bộ Y tế nói.
Ông Trần Quang Hoài lưu ý, bão sắp đổ bộ, phương án cho việc sơ tán dân cần có sớm, không để bị động. Ông đề nghị đại diện Bộ Y tế khi có hướng dẫn thì gửi ngay sang Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để có chỉ đạo kịp thời.
Ông Hoài cũng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, các địa phương có thể đọc để tham khảo thêm.
TTO - Phần lớn các phương án nhận định bão Conson đạt cấp 11 (100-120km/h) khi đi qua quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) và hướng vào khu vực đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Xem thêm: mth.50084531180901202-nosnoc-oab-ohp-gnu-iougn-ueirt-aun-noh-gnas-nas-iod-nauq/nv.ertiout