Những con số biết nói
Không ngoa khi nói 5 năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo nên cuộc cách mạng mua sắm cho người dân Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á (ĐNA) nói chung. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những sàn TMĐT lớn càng cho thấy vai trò quan trọng của mình.
Tính riêng năm 2020, tại Đông Nam Á đã có thêm 40 triệu người dùng internet mới bắt đầu mua sắm online. Điều này đồng nghĩa với việc 70% dân số khu vực đang sử dụng internet.
Lazada ghi nhận lưu lượng truy cập liên tục tăng với hàng trăm triệu người dùng
mỗi tháng
Trong đó, theo số liệu của Lazada – sàn TMĐT có mặt tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nền tảng này đang sở hữu hơn 110 triệu người dùng "active" mỗi năm. Lưu lượng truy cập liên tục tăng với hàng trăm triệu người dùng mỗi tháng, lượng giao dịch trực tuyến cũng ghi nhận mức tăng trưởng lên đến hơn 100%/năm. Đây là những con số khổng lồ, mà theo nhận định của ông Chun Li – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada và Lazada Indonesia tại "Diễn đàn Tương lai Thương hiệu LazMall 2021", thì "thực sự là một cuộc dịch chuyển ấn tượng".
Ông Chun Li, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, phát biểu tại Diễn đàn Tương lai
Thương hiệu LazMall 2021
Tại ĐNA, Lazada cũng là đơn vị tiên phong xây dựng LazMall – hệ thống gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT. Dù mới triển khai được 3 năm nhưng LazMall đã ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn. Ông Chun Li tiết lộ, không chỉ có lượng khách hàng mới tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái mà giá trị đơn hàng tại LazMall cũng cao gấp 2 lần so với mức trung bình trên nền tảng.
Nếu để ý kỹ, những con số này không phải tự nhiên mà có, cũng không chỉ dựa vào chiến dịch khuyến mãi, siêu sales rầm rộ giống như các đối thủ cùng ngành. Hạ tầng logistic cùng với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và các công nghệ hiện đại vào hoạt động vận hành mới là vấn đề được Lazada chú trọng hơn cả. Từ hệ thống chia chọn tự động, giải pháp "Giao hàng không tiếp xúc" thông qua tủ khóa thông minh, mô hình Drop-off point (Điểm gửi hàng) hay Collection point (Điểm nhận hàng) đến xe điện chở hàng đều là các sáng kiến mà sàn TMĐT này tiên phong nghiên cứu và triển khai, mang lại sự thay đổi lớn trong dịch vụ giao hàng, giúp hạ thấp chi phí giao hàng xuống mức thấp bậc nhất thị trường. Với 2 trụ cột là công nghệ và logistics, Lazada đang cho thấy sự đầu tư lâu dài và nghiêm túc của mình, để mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và đối tác kinh doanh.
Giải pháp "Giao hàng không tiếp xúc" thông qua tủ khóa thông minh đã đảm bảo tối đa sự an toàn cho cộng đồng trong giai đoạn dịch Covid-19
Sự xuất hiện của LazMall không chỉ giúp người tiêu dùng giải quyết bài toán mua hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng, mà đối với các thương hiệu, đây là con đường giúp duy trì và phát triển kinh doanh trong bối cảnh mua sắm online đang lên ngôi và những tác động lớn của dịch bệnh.
Tại Singapore, nhiều cửa hàng bách hoá nổi tiếng như Marks & Spencer đã tham gia vào nền tảng Lazada. Những công ty khác như Siam Center ở Thái Lan thậm chí còn giúp đối tác, khách hàng của họ xây dựng gian hàng trên LazMall. Ngay tại Việt Nam, các thương hiệu vốn sở hữu chuỗi chi nhánh như nhà hàng Pizza 4P’s, Starbucks, nội thất Baya, siêu thị Vinmart, thời trang Elise, hay các thương hiệu mĩ phẩm nước ngoài như Estee Lauder, Shiseido, Shu Uemura, Narciso Rodriguez… đều đã sở hữu cho mình một gian hàng trên LazMall. Hiện, LazMall đang có sự tham gia của hơn 32.000 thương hiệu uy tín trên toàn cầu và trong khu vực Đông Nam Á.
Tương lai sau đại dịch
Sự bùng nổ của TMĐT trong đại dịch cũng gây nên lo ngại về tương lai của ngành sau khi đại dịch kết thúc, liệu người dân có trở lại với phương thức mua sắm truyền thống?
Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam gia tăng trong 2 năm qua
Trả lời câu hỏi này tại sự kiện, Giám đốc Chiến lược & Bán lẻ của Tập đoàn Lazada và Tổng Giám đốc Lazada Singapore – ông James Chang cho rằng "không có giải pháp nào dành cho tất cả". Tuy nhiên, vị lãnh đạo bày tỏ niềm tin tưởng với tương lai phía trước của TMĐT nói chung và Lazada nói riêng.
Thứ nhất, các thương hiệu hàng đầu và uy tín sẽ tiếp tục tăng trưởng. Khi các quốc gia phát triển, GDP bình quân đầu người tăng lên và người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về kỹ thuật số cũng như có ý thức về thương hiệu nhiều hơn, do đó thúc đẩy tăng trưởng cho các thương hiệu.
Thứ hai, doanh số bán lẻ trực tuyến tại ĐNA dù đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây nhưng thực tế mới chỉ chiếm 7% thị phần bán lẻ. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc là 27%. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều dư địa và cơ hội cho TMĐT. Mua sắm trực tuyến ở ĐNA được dự báo sẽ đạt 172 tỷ USD vào năm 2025, gấp 2,8 lần năm 2020. Thời điểm hiện tại vẫn đang là giai đoạn sơ khai của của ĐNA so với các khu vực khác.
Chưa kể, kết quả khảo sát cho thấy các thương hiệu vẫn bày tỏ lạc quan với kênh bán hàng này sau khi đại dịch kết thúc. Ông Chun Li cho biết, 70% nhà bán hàng trên Lazada ở Đông Nam Á tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và tốc độ tăng trưởng của họ trong 3 tháng tới. Các thương hiệu thời trang cũng đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng 10% trong quý tiếp theo.
Gần đây, sau khi phát triển thành công LazMall, Lazada tiếp tục giới thiệu một mô hình nâng cấp hơn – LazMall Prestige, bao gồm các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Bacha Coffee, Bang & Olufsen, Coach, Salvatore Ferragamo và La Mer,.. Hiện mô hình này đã được triển khai tại 1 số quốc gia trong khu vực và sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam.
"Là một thành viên của đại gia đình Alibaba, chúng tôi có thể đem những bí quyết và kiến thức học hỏi được, từ cơ sở hạ tầng TMĐT, AI, công nghệ và tiếp thị kỹ thuật số đến khu vực ĐNA. Đây mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước", ông Chun Li bày tỏ.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế