Quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45, luật Cạnh tranh 2018, hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xem là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính thuộc vào nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Pháp luật về cạnh tranh không quy định cụ thể về hành vi quảng cáo sai sự thật, nhưng có thể thấy nếu hành vi quảng cáo đó đưa ra thông tin gian dối (sai sự thật) nhằm thu hút khách hàng thì vẫn thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm mà luật Cạnh tranh điều chỉnh.
Hiện nay, lợi dụng dịch bệnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã rất tinh vi khi cố tình nghĩ ra nhiều cách thức lách luật để đưa ra những hình thức quảng cáo sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng rằng đó là thuốc trị Covid-19.
Một số hình thức phổ biến như: Quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép; quảng cáo các sản phẩm khác không phải là thuốc chữa bệnh, như thuốc chữa bệnh…
Trong mọi trường hợp nói trên thì việc lợi dụng dịch bệnh, cả người sản xuất, kinh doanh và người tiếp tay quảng cáo cho họ đều thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật.
Hiện có nhiều quy định để xử phạt các hành vi này. Cụ thể, với hành vi quảng cáo sai sự thật, sẽ bị xử phạt theo khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021 với mức phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm b, khoản 4, Điều 52, Nghị định 38/2021.
Với hành vi quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép thì xử phạt theo điểm đ, khoản 4, Điều 50, Nghị định 38/2021 với mức phạt 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Lưu ý, với tổ chức thì mức phạt gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc bị kết án về tội Quảng cáo gian dối, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự.
Xem thêm: lmth.609625a-91-divoc-irt-tad-nuig-koobecaf-gnad-od-ceiv-mal-iom-ib-ert-iag-oc/nv.nitaudiougn.www