Theo thông báo này, Bộ Y tế cho rằng xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vắc xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin đã họp và đưa ra khuyến cáo.
Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2, có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2.
Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vắc xin được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (AstraZeneca, Sputnik V), công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vắc xin do Sinopharm sản xuất).
"Do tình hình khan hiếm vắc xin nói chung, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vắc xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vắc xin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vắc xin vector virus với vắc xin mRNA, hoặc tiêm 2 loại vắc xin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau" - Bộ Y tế cho biết.
Tại Việt Nam, gần đây do hết vắc xin Moderna cho người đến lịch tiêm mũi 2, đã có nhiều cơ sở y tế "xé rào" trước khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm thay thế bằng vắc xin Pfizer.
Với những người đã tiêm trộn 2 loại vắc xin, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên giám sát chặt chẽ hơn để đề phòng biến chứng.
Ứng dụng hộ chiếu vắc xin ngày càng được các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đề cập như một trong những giải pháp cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế trong đại dịch COVID-19.