vĐồng tin tức tài chính 365

Thế giới chuẩn bị trước sự xuất hiện của biến thể Mu

2021-09-09 05:50

Mới đây, tờ Newsweek đưa tin giới chức y tế Mỹ đã phát đi cảnh báo rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 - biến thể Mu đã bắt đầu lây lan rộng với 49/50 bang của nước này báo cáo có ca nhiễm. California là bang có số người nhiễm biến thể Mu cao nhất với ít nhất 384 ca được ghi nhận.

Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ - TS Anthony Fauci khẳng định đang phối hợp với các quan chức y tế Mỹ để theo dõi chặt chẽ biến thể Mu, dù ông vẫn tin rằng biến thể này chưa thể trở thành biến thể thống trị trong tương lai gần. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31-8 đã chính thức đưa Mu vào danh sách các biến thể cần đặc biệt quan tâm.

Thế giới chuẩn bị trước sự xuất hiện của biến thể Mu - ảnh 1
Các chuyên gia làm việc trong phòng thí nghiệm của hãng dược
Johnson & Johnson (Mỹ) đặt tại TP Beerse, Bỉ hồi tháng 5. Ảnh: AP

Biến thể Mu có nguy hiểm không?

Đến nay chưa có nhiều thông tin về biến thể Mu bởi so với các biến thể khác như Delta, Alpha thì Mu có thời gian xuất hiện lây nhiễm chưa lâu.

Theo tờ The Anchorage Daily News, biến thể này được phát hiện lần đầu tiên ở Columbia hồi tháng 1 năm nay và kết quả giải trình tự gen cho thấy Mu đã lây nhiễm cho khoảng 39% số bệnh nhân COVID-19 được ghi nhận trong tháng 8.

Các nước xung quanh Columbia như Ecuador và Chile cũng bị ảnh hưởng khi lần lượt 13% và 9% số bệnh nhân trong tháng 8 nhiễm biến thể Mu. Điều này cho thấy khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ trở thành tâm dịch nếu biến thể Mu lây lan mạnh hơn. Dù vậy, kịch bản này hiện vẫn chưa có khả năng xảy ra vì trên bình diện quốc tế, biến thể Mu chỉ mới chiếm khoảng 0,1% tổng số ca nhiễm toàn cầu.

Tạp chí khoa học Science Focus dẫn một nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng Anh về những triệu chứng của người bệnh khi nhiễm biến thể Mu chỉ ra người bệnh có thể sốt cao, cảm nhận thân nhiệt tăng ở vùng ngực và lưng mà không cần đo nhiệt độ. Triệu chứng khác là ho liên tục trong hơn 1 giờ hoặc ba đợt ho kéo dài trong khoảng 24 giờ. Thông thường, ho là dấu hiệu người bệnh đã chuyển sang giai đoạn nhiễm virus nặng hơn. Người nhiễm biến thể Mu cũng bị mất hoặc thay đổi khứu giác, vị giác giống như các biến thể khác và chủng gốc.

Về cấu tạo của biến thể mới, một số nghiên cứu khoa học sơ bộ cho thấy Mu mang một số đột biến cả mới lẫn từng xuất hiện trên các biến thể khác. Đầu tiên, Mu có đột biến P681H giống biến thể Alpha (phát hiện ở Anh), có khả năng làm tăng khả năng lây lan của virus. Tiếp theo, Mu có thêm hai đột biến khác là E484K và K417N giống biến thể Beta (ở Nam Phi) giúp tăng khả năng trốn tránh kháng thể.

Còn lại hai đột biến R346K và Y144T là các đột biến mới của Mu nên chưa rõ tác động của chúng. Cũng cần lưu ý thêm là toàn bộ các nghiên cứu về Mu vẫn còn đang dang dở và chưa được đại đa số giới khoa học bình duyệt, công nhận nên trước mắt chưa thể kết luận rõ ràng liệu biến thể Mu có lây lan mạnh hay có độc tính cao hơn các biến thể nguy hiểm khác như Delta hay không.

Trên thực tế, việc đột biến và ra đời của các biến thể SARS-CoV-2 là quá trình ngẫu nhiên dựa trên các điều kiện về môi trường bên ngoài nên vẫn tồn tại khả năng những đột biến này khi kết hợp lại ở biến thể Mu không hiệu quả bằng lúc hiện diện trên những biến thể khác. Thậm chí, một số đột biến có thể gây hại cho bản thân virus, đó là lý do tại sao thường chỉ nhắc tới 4-5 loại biến thể đáng lo ngại chứ không nhắc tới hàng chục biến thể khác xuất hiện liên tục nhưng vì đột biến của chúng không giúp cho virus phát tán nên đã chết yểu từ sớm.

Thế giới nên làm gì tiếp theo?

Việc WHO xếp Mu vào nhóm phản ánh mối quan tâm sâu sắc đến nguy cơ xuất hiện biến thể virus mới nguy hiểm hơn. Theo quy tắc, khi một biến thể mới được thêm vào danh sách đặc biệt quan tâm, các chuyên gia của WHO sẽ bắt tay vào phân tích và so sánh đặc tính của chúng với các phiên bản virus và biến thể khác đang lưu hành. WHO cũng sẽ yêu cầu các nước thành viên thu thập thông tin về tỉ lệ lây nhiễm và tỉ lệ gây tử vong của biến thể đó để đánh giá chính xác ảnh hưởng, theo trang tin The Conversation.

Cho đến khi có kết luận cuối cùng từ quá trình này, Delta vẫn là biến thể nguy hiểm nhất và biện pháp duy nhất kết thúc đại dịch vẫn là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, trong đó tỉ lệ 70%-80% dân số thế giới tiêm chủng đầy đủ vẫn là mục tiêu cần phải đạt được. Đây cũng là lựa chọn duy nhất bởi hệ thống y tế các nước, nhất là các nước đang phát triển, sẽ khó có thể chống chịu khi cùng lúc phải đương đầu với hai biến thể nguy hiểm nếu quả thực biến thể Mu sau cùng được phát hiện có sức tàn phá ngang với biến thể Delta. Việc tăng tỉ lệ tiêm vaccine giúp giảm tỉ lệ tử vong và các ca nặng cần nhập viện, từ đó giải phóng nguồn lực cho hệ thống y tế phục hồi và chuẩn bị tốt hơn cho khả năng xảy ra đợt dịch mới trong tương lai.

Ngoài ra, một số chuyên gia như TS Awang Bulgiba Awang Mahmud thuộc ĐH Malaysia cũng kêu gọi là có lẽ nên tính tới việc tái kích hoạt các biện pháp hạn chế kiểm soát biên giới đối với những nước đã mở cửa và tiếp tục duy trì kiểm soát biên giới với những nước chưa mở, tờ The Straits Times cho biết. Ông còn khuyến nghị các chính quyền nên xây dựng một chiến lược quản lý đại dịch rõ ràng, minh bạch hơn nữa dữ liệu dịch tễ để tạo điều kiện cho giới khoa học nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp chống dịch tối ưu cả về hiệu quả lẫn sức khỏe của nền kinh tế.•

 

Thuyết tiến hóa dự đoán theo thời gian, virus sẽ xuất hiện biến thể dễ lây hơn nhưng khả năng gây hại sẽ ít hơn vì virus muốn lây lan càng nhiều càng tốt chứ không nhằm giết nhanh vật chủ. Do đó, nhiều khả năng tương lai của virus SARS-CoV-2 sẽ là dễ lây lan như cảm cúm thông thường nhưng không gây chết người.

Ông PAUL GRIFFIN, PGS bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Queensland (Úc)

 

Hiệu quả của vaccine với biến thể Mu vẫn là dấu hỏi

Vấn đề được quan tâm nhất đối với biến thể Mu là liệu các vaccine ngừa COVID-19 đang lưu hành có hiệu quả với nó không. Hiện vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này vì ngoài các thông tin hạn chế về biến thể này thì giới nghiên cứu vaccine vẫn đang dồn sức bào chế vaccine riêng cho biến thể Delta. Tuy nhiên, đài ABC Chicago cho hay một nghiên cứu sơ bộ mới đây của các nhà khoa học Ý cho thấy vaccine Pfizer-BioNTech tỏ ra kém hiệu quả hơn đối với biến thể Mu khi so sánh với các biến thể khác, mà lý do chính có thể là do hai đột biến E484K và K417N của Mu. Các vaccine của những hãng khác chưa có thông tin khi thử nghiệm với biến thể này.

 

Xem thêm: lmth.8804101-um-eht-neib-auc-neih-taux-us-court-ib-nauhc-ioig-eht/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thế giới chuẩn bị trước sự xuất hiện của biến thể Mu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools