Công nhân kiểm tra quá trình bơm oxy tại một trạm tiếp oxy miễn phí của dự án ATM oxy - Ảnh: Q.L.
Khác với đa số đội hình tình nguyện khác, những tình nguyện viên tham gia đội hình của dự án ATM oxy suốt cả tháng qua luôn phải trực 24/24 bởi nhu cầu oxy của bệnh nhân không có hẹn giờ, càng không thể "đóng máy" sau 18h như quy định giãn cách nghiêm ngặt những ngày qua.
Ra đường giữa đêm
2h30 sáng một ngày đầu tháng 9, đường dây nóng của Trung tâm y tế phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) reo vang. Đầu dây bên kia báo có bệnh nhân đang cần thở oxy. Hỏi địa chỉ, số điện thoại, Trần Thiện Khiêm và một bạn nữa ôm theo chiếc bình oxy lao ra đường trong đêm, thẳng hướng địa chỉ nhà bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân ngoài 50 tuổi, đang thở một cách khó nhọc. Kiểm tra chỉ số oxy trong máu SpO2 còn 92%. Nhanh chóng, các bạn gắn ống thở ngay cho bệnh nhân trong lúc chờ bác sĩ tới. Theo dõi thêm một lúc, các bạn đo lại huyết áp, chỉ số SpO2 lúc này đã tăng lên 98% xem như tạm ổn và bác sĩ cũng đã có mặt, bệnh nhân tỉnh táo hơn, không cần chuyển viện trong đêm.
Thiện Khiêm đã hoàn thành chương trình và đang chờ xét tốt nghiệp của Trường cao đẳng Công thương, là một trong 4 tình nguyện viên tham gia đội hình ATM oxy hỗ trợ tại phường Tăng Nhơn Phú B. Ba thành viên còn lại của đội đều đang là sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành gồm: Phạm Phúc Thịnh, Phạm Văn Đạt và Phan Nhật Huy. Cả 4 bạn đều là sinh viên đến từ các tỉnh, ở lại TP.HCM và chỉ biết nhau khi tình nguyện tham gia chống dịch cùng một đội.
Các bạn đều "3 tại chỗ", cùng nhau làm việc, tối sẽ thay phiên nhau ngủ và trực đường dây nóng. Khi có điện thoại, bất kể giờ nào trong đêm, các bạn đều chạy đi nhanh nhất có thể. "Thường bệnh nhân F0 hay khó thở vào ban đêm, chạy đi 2, 3h sáng là bình thường, tụi mình quen rồi. Vui là những cô chú tụi mình phải chuyển bình oxy giữa khuya như vậy sau khi sơ cứu ban đầu đều ổn, chưa ai phải chuyển đi bệnh viện" - Khiêm cười khoe.
Nguyễn Thanh Hoàng (Quận đoàn Tân Phú) vẫn nhớ cuộc điện thoại mà đầu dây bên kia chỉ nghe được tiếng thều thào của người già. Ngay ca trực, Hoàng cùng một bạn khác chạy đi ngay trong đêm. Đến nơi, nhà có 3 cụ già, trong đó một bệnh nhân đang thở gần như thoi thóp. Chỉ số SpO2 đo được chỉ còn 80%, các bạn gắn liền bình oxy mang theo cho cụ thở.
"Cũng có trường hợp chưa thật sự cần thở bình oxy nhưng tâm lý người nhà hay lo xa nên cứ gọi. Dù vậy, tụi mình vẫn cố gắng chạy đến nhanh nhất có thể và dù bệnh nhân chưa cần thở oxy khi tụi mình đến, nhưng sau khi phối hợp với y tế thăm khám thấy yên tâm hơn" - Hoàng bộc bạch.
Mong mỗi người khỏe hơn
Anh Thi Văn Ngọc Tuấn - phụ trách dự án ATM oxy tại Thành đoàn Thủ Đức - cho biết những ngày gần đây, số cuộc điện thoại gọi đến cần bình oxy có giảm hơn trước nhưng còn những "bệnh nhân thân thiết" mà các bạn vẫn đều đặn mỗi ngày chở đến một bình oxy loại 40 lít. Một trong các lý do vì các trạm y tế lưu động tại mỗi phường đều có trang bị bình oxy nên hỗ trợ trực tiếp tại phường. "Đó là tín hiệu đáng mừng khi càng ít bệnh nhân cần đến bình oxy, đồng nghĩa với việc nhiều người đã khỏe hơn" - anh Tuấn nói.
Bạn Thiện Khiêm nói vui: "Khi nào đội hình này càng "ế" là càng thành công vì lúc đó bệnh nhân tự thở, không cần hỗ trợ bình oxy, hoặc đã khỏi bệnh lại càng vui hơn". Khiêm mong mau hết dịch để quay trở lại công việc đúng chuyên ngành mà bạn đã đi làm tại một công ty ngay từ khi mới bước vào năm cuối cho đến lúc phải tạm nghỉ vì dịch.
Đi miết, hỗ trợ nhiều ca bệnh nên các tình nguyện viên có kinh nghiệm hơn ngay từ những quan sát bệnh nhân ban đầu. Anh Trương Thế Cường (Quận đoàn 6) nhắc ca F0 tại chung cư anh ở khi mang bình oxy đến hình ảnh đập ngay vào mắt là nằm sai tư thế, không biết cách thở lại còn quấn khăn kín mít. Sau khi được hướng dẫn cách thở, gắn bình oxy, đổi tư thế nằm đúng cách, bệnh nhân đã dần tỉnh táo hơn.
"Tổ COVID cộng đồng tại chung cư chuẩn bị sẵn cả phương án xe cấp cứu cho anh này nhưng rất may đã không cần dùng đến dù cả đêm tôi ngủ chập chờn cạnh chiếc điện thoại để phòng tình huống khẩn cấp" - anh Cường kể.
Viết lại khái niệm ATM
Ý tưởng về ATM oxy được anh Hoàng Tuấn Anh (người sáng lập ATM gạo) nghĩ ra và chính thức thành dự án khi Tuấn Anh và đội nhóm PHG Smarthome phối hợp cùng Hội LHTN Việt Nam TP.HCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện.
Với thông điệp "Trao oxy - nối dài sự sống", từ 6 trạm phân phối ban đầu, đến nay sau hơn một tháng hoạt động, dự án đã có mặt tại TP Thủ Đức cùng 21 quận, huyện của TP.HCM, cung cấp bình oxy hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhiều bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM.
Mới đây khi dự khai trương trạm bơm oxy tại Công ty cổ phần thép Thủ Đức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ chân tình: "Chúng ta đang viết lại khái niệm ATM không chỉ là cái máy mà chính là những hành động đầy tình người qua các đợt dịch. Chúng ta đã có ATM gạo, ATM sách, rồi ATM oxy và mới nhất là ATM F0 với việc huy động các F0 đã khỏi bệnh giúp chăm sóc các F0 còn đang cần điều trị. Cảm ơn các bạn, các tình nguyện viên đã làm tất cả để bảo vệ sức khỏe nhân dân".
TTO - Trạm bơm oxy thứ tư đã chính thức hoạt động ngày 29-8, dùng nạp oxy cho dự án 'ATM oxy' hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân COVID đang được "chạy" tại TP.HCM.
Xem thêm: mth.26792102280901202-gnos-nougn-ohc-neyuhc-ert-nab-gnuhn/nv.ertiout