vĐồng tin tức tài chính 365

GS-TS-luật sư Nguyễn Vân Nam giã biệt cõi tạm

2021-09-09 08:12

Tối 7-9, GS-TS-luật sư (LS) Nguyễn Vân Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại BV 175 (TP.HCM) sau hơn 10 ngày dương tính với SARS-CoV-2. Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và nhiều người. Bởi những ai từng có dịp trò chuyện với LS Nam, không nhiều thì ít cũng đều được học, hiểu những điều cơ bản làm người trong cuộc sống, chí ít là việc sử dụng luật pháp để bảo vệ bản thân.

Một chuyên gia luật thẳng thắn

Ông xuất hiện rất nhiều trên báo Pháp Luật TP.HCM với tư cách là chuyên gia từ 17, 18 năm trước, khi ông vừa từ Đức về Việt Nam mở công ty luật. Nhiều bài viết, ý kiến phản biện của ông trên báo Pháp Luật TP.HCM không chỉ chuẩn xác về pháp lý mà còn hấp dẫn và thực tế khi luôn có những đối chiếu, so sánh với hệ thống luật quốc tế như: Siêu khuyến mãi đang “giết” doanh nghiệp”; Vụ kiện 5,2 triệu euro của VNA: 90% thắng kiện nếu... chủ động từ đầu; Nhà nước phải kiện Vedan...

GS-TS-luật sư Nguyễn Vân Nam giã biệt cõi tạm - ảnh 1
Luật sư Nguyễn Vân Nam trong thời gian sinh sống tại tỉnh Đồng Nai.
Ảnh: LÊ QUANG NHẬT

Ông là người có mặt bào chữa trong những vụ kiện lớn: Vedan xả thải trên sông Thị Vải (Đồng Nai); Formosa (Hà Tĩnh) xả thải; tác quyền Thần đồng đất Việt... Những vụ kiện ông tham gia tốn nhiều giấy mực của truyền thông bởi hầu hết đều là những vụ dư luận rất quan tâm.

Trong những vụ kiện đó, ông thường chọn đứng ra trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, như cho nông dân Nguyễn Lam Sơn trong vụ Vedan xả thải. Việc ông chọn đứng về phía người dân không chỉ vì họ là bên yếu thế trong tố tụng mà nó còn là biểu tượng cho tinh thần pháp luật thượng tôn. “Từ vụ Vedan xả thải, dần dần người dân thấy rằng họ có thể phải tự sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình. Đó là điều chúng tôi rất muốn làm để người dân noi theo” - LS Nam từng chia sẻ.

Từ vụ Vedan, vụ án đất đai ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đến vụ xả thải của Formosa, ông luôn có những góc nhìn đúng pháp luật và chú trọng đến một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Những bài phân tích của ông luôn khẳng định trong một nhà nước pháp quyền, bất kỳ hành vi nào cũng phải được luật pháp quy định; mỗi hoạt động công vụ nào cũng phải căn cứ vào pháp luật.

LS Nam từng phân tích khi nói về vụ đất đai ở Tiên Lãng: “Cùng với đó, nhà nước pháp quyền hiện đại với trọng tâm là bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người không thể đặt việc răn đe công dân lên trên nghĩa vụ và trách nhiệm tự ràng buộc mình vào luật pháp”.

Luôn truy tầm, giới thiệu tri thức cho người trẻ

Người viết từng có những bài phỏng vấn LS Nam, mỗi buổi phỏng vấn không chỉ là hỏi - đáp mà là những hàn huyên, chia sẻ, cung cấp kiến thức, tri thức... cho người làm báo nói chung.

Ông luôn cặm cụi với những trang sách giới thiệu đến người trẻ, cũng như viết những đầu sách của riêng mình dành cho bạn đọc thêm góc nhìn. Đơn cử như cuốn Nhìn lại, thấy xa hơn (Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM, năm 2018) của ông là một khối lượng tri thức đồ sộ với những chủ đề lớn: Phát triển và nỗi lo bị bỏ lại; Toàn cầu hóa và cái neo bản sắc; Chủ quyền quốc gia và mối nguy ngàn năm; Phục vụ chứ không phải ban phát cho dân; Công cụ luật pháp của dân, giáo dục - kinh tế - môi trường...

Cuốn sách từng được vinh danh ở hạng mục Sách quản trị tại giải Sách hay năm 2018, Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng (NXB Trẻ, năm 2017) lại là một công trình nghiên cứu Luật Sở hữu trí tuệ lớn nhưng không khô khan về luật pháp; bởi làm luật, thi hành luật có bao giờ thiếu chuyện bi hài.

Ai từng theo dõi về cuộc đời và cống hiến của LS Nam có thể thấy ông luôn tâm huyết với việc quảng bá tri thức. Từ thuở blog phát triển, trang blog cá nhân của LS Nam là nơi cung cấp những vấn đề thời sự, pháp lý cho những ai quan tâm.

Rồi khi dự án Khuyến đọc Sách Hay ra đời, “Thư phòng trực tuyến” của GS-TS Nguyễn Vân Nam là phần giới thiệu đến bạn đọc những đầu sách từ triết học đến kinh tế, chính trị, quản trị... đặc sắc như: Lịch sử các tư tưởng chính trị (nhóm tác giả GS Hans Fenske, GS Dieter Mertens, GS Wolfgang Rei); Trật tự thế giới của thế kỷ 21 (Bill Emmott); Trung Quốc - Sự thách thức (Wolfgang Hirn)…

Có lẽ trong hành trình cuộc đời của mình, cho đến những ngày cuối cùng, bất cứ bài viết, công trình nào của LS Nam cũng đau đáu về một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật; ở đó, mỗi người dân luôn ý thức được phẩm giá, sự tự do của chính mình… Đó là con đường để trở thành một nước phát triển vậy.

Ra đi sau hơn 10 ngày dương tính với SARS-CoV-2

GS-TS-LS Nguyễn Vân Nam đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 30 ngày 7-9 tại BV 175 (TP.HCM) sau hơn 10 ngày dương tính với SARS-CoV-2. Ông được chuyển từ nhà riêng tại Đồng Nai lên TP.HCM sau khi phát hiện dương tính.

GS-TS-LS Nguyễn Vân Nam sinh năm 1956, tại TP Cần Thơ. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học năm 1981 tại ĐH Tổng hợp TP.HCM. Sống tại Đức từ năm 1986, ông tiếp tục tốt nghiệp đại học các chuyên ngành triết học, kinh tế; thạc sĩ lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh; tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế… tất cả đều tại Đức. Ông được phong giáo sư năm 2002 tại Đức.

Từ năm 2003, ông là giám đốc Công ty Tư vấn luật Nam Hùng tại TP.HCM. Một số cuốn sách của GS-TS Nguyễn Vân Nam đã xuất bản tại Đức: Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóaTác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triểnPhân lập quyền lực trong mô hình liên bang áp dụng cho Liên minh châu Âu (EU)

Ủy ban Liên minh châu Âu cũng đặt hàng ông viết tác phẩm Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước (xuất bản ở Đức năm 2002 và năm 2006 xuất bản tại Việt Nam).

Trong nước, ông còn xuất bản hai tác phẩm: Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng (NXB Trẻ, năm 2017); Nhìn lại, thấy xa hơn (NXB Tổng hợp TP.HCM, năm 2018)... 

Xem thêm: lmth.8014101-mat-ioc-teib-aig-man-nav-neyugn-us-taulstsg/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“GS-TS-luật sư Nguyễn Vân Nam giã biệt cõi tạm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools