vĐồng tin tức tài chính 365

Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thay đổi chiến lược “Zero Covid” sang “mục tiêu kép trong điều kiện mới”

2021-09-09 08:53

Tổng Cục Hải quan vừa công bố những con số đáng giật mình: Trong tháng 8.2021, hàng hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu qua 19 Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phía Nam do ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 đã giảm 5,6 tỉ USD so với tháng 7 (tương đương mức giảm 27%). Để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian tới Việt Nam cần thay đổi chiến lược từ “zero COVID” sang thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới”.

Ách tắc xuất khẩu và lo ngại mất thị trường chiến lược

“Doanh nghiệp sản xuất đang lúng túng trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ không chỉ phải duy trì sản xuất, cái quan trọng nhất với họ là khách hàng. Một doanh nghiệp ở Bình Dương có khách hàng ở thế giới, tắc nghẽn xuất khẩu thì sẽ dẫn đến mất bạn hàng, khách hàng có thể tìm nơi cung cấp ở các quốc gia khác chứ không chờ đợi doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7.2021 đến nay, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất. Với những doanh nghiệp còn hoạt động, chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20-30%, do phải chi phí ăn, ở tại chỗ, test nhanh COVID-19, xét nghiệm PCR cho người lao động (tăng thêm bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/tháng/lao động.  

Các doanh nghiệp lo ngại bị tiền phạt chậm giao hàng. Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỉ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách VN đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, doanh nghiệp đưa khoảng 30% công suất. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên từ 50-70% công suất sản xuất. Bà Xuân cho rằng, triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 là không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất; sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu đề ra. 

Dệt may, thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề

Đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của tập đoàn đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bên cạnh gánh nặng về trách nhiệm với người lao động, doanh nghiệp dệt may có thêm rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với các khách hàng. 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì và ổn định sản xuất và khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn cho ngành dệt may, da giày...

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cho biết, trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động "3 tại chỗ", kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản.

Kết quả khảo sát của Vasep cho thấy, trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. “Ở kịch bản xấu, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chỉ đạt 3,5-4%. Trong kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP sẽ là 4,8-5%. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động rất nặng và tiêu cực đến kinh tế. Tháng 8 gần như là tháng xấu nhất trong năm”.

“Kiểm soát tốt dịch bệnh và đẩy nhanh vaccine, Việt Nam cần có kế hoạch chung lâu dài chứ không phải kéo dài giãn cách, đó là cách làm không hiệu quả. Nhiều biến thể, tiêm vaccine rồi thì có thể sống chung với dịch bệnh. Đóng cửa ảnh hưởng kinh tế và xã hội. Tôi cho rằng nên thay đổi chiến lược từ “zero COVID” sang với “sống chung với dịch bệnh trong an toàn”.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới” là vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa sản xuất kinh doanh, nhưng phải sống chung với dịch bệnh. Theo đó, vaccine là chìa khoá quan trọng, đảm bảo 5K và thay đổi chiến lược cách ly, chữa bệnh điều trị, F0 cho cách ly tại nhà, hạn chế tử vong…

Vị thế một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu Châu Á của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Financial Times, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế Châu Á tăng trưởng trong năm ngoái và thu hút đầu tư nước ngoài mới. Thế nhưng sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 đã khiến nhiều nhà máy ở miền Nam phải đóng cửa. 

Các giải pháp 

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: “Hiện tại, giải pháp trung và dài hạn đã có nhưng các doanh nghiệp có sống sót được để tiếp cận các giải pháp đó hay không lại là vấn đề cần bàn đến. Đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

PGS-TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế COVID-19, tổ chức tiêm vaccine nhanh và hiệu quả.

Các chuyên gia phân tích đến từ CTCK Mirae Asset (MASVN) cho rằng, đà phục hồi kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch, cũng như tình hình triển khai vaccine ở Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam. Các động lực tăng trưởng có thể dần lấy lại đà hồi phục khi dịch được khống chế. Dòng vốn FDI kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu.

Xem thêm: odl.523159-iom-neik-ueid-gnort-pek-ueit-cum-gnas-divoc-orez-coul-neihc-iod-yaht-man-teiv-et-hnik-gnourt-gnat-ohc-nab-hcik/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Thay đổi chiến lược “Zero Covid” sang “mục tiêu kép trong điều kiện mới””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools