Những thước phim trong chương trình VTV đặc biệt mang tên “ranh giới” thuật lại những cảnh tượng khó quên tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM. Những bước chân hối hả, những cuộc điện thoại 24/7, những thao tác điềm tĩnh với “cái đầu lạnh” dù rằng trái tim đang nôn nóng giành giật mạng sống cho từng người dân khỏi lưỡi hái tử thần… Bấy nhiêu cũng đủ làm nước mắt bao người phải rơi vì xót xa, hồi hộp, căng thẳng, bất lực, xúc động và cả vỡ òa. Nhưng đó chỉ là một mảnh ghép nhỏ của một bức tranh rất lớn đã và đang diễn ra ngày đêm ở TP này.
Thật khó có thể nói hết những vất vả và hi sinh của đội ngũ blouse trắng. Những lúc cao điểm, họ phải làm việc đến 12 giờ mỗi ngày, thậm chí phải làm thêm việc hành chính. Những bộ đồ bảo hộ nóng nực, bí bách hàng chục giờ/ngày. Những bữa cơm nuốt vội. Những giấc ngủ chập chờn. Những lúc ngất xỉu vì kiệt sức. Những tháng ngày xa con nhỏ, người thân. Những phút giây tất bật chuẩn bị thiết bị cứu người. Những thời khắc “nhanh! nhanh! nhanh! nguy cấp lắm rồi!”, “Cố lên! Đừng bỏ cuộc chị ơi, thở đi, cố gắng hít sâu, thở ra! Đừng ngủ! không được ngủ, phải thở đi chị ơi!”… “May quá! ổn rồi, tốt rồi, sống rồi!” Và cũng có những khi thẩn thờ vì để vụt mất bàn tay một ai đó về bên kia thế giới: “Chúng tôi xin lỗi, rất tiếc nhưng…”.
Đời sống tinh thần của các y bác sĩ có lẽ sẽ khó có thể vẽ nên một đồ thị nào đó rõ ràng, nếu không muốn nói là một bức tranh nguệch ngoạc, lộn xộn cảm xúc. Có bệnh nhân nghe lời, nhưng cũng nhiều người - trong cơn hoảng loạn hoặc hôn mê – đã không thể hợp tác. Có bệnh nhân đã mạnh mẽ vượt qua, nhưng cũng có người gục ngã, chấp nhận rời “cõi tạm”. Có người mừng rỡ đón người thân trở về từ ranh giới sinh-tử, nhưng cũng có người cắn chảy máu bờ môi vì thứ cảm giác đau đớn tột cùng khi người thân, chỉ qua một đêm, đã rời ranh giới của sự sống. Có gia đình mất đi một người thân đã đau như cắt da cắt thịt, nhưng cũng nhiều gia đình không còn nước mắt khi người thân lần lượt ra đi… Hàng ngàn người nằm xuống trong đợt dịch kỳ này là vô số nỗi đau, day dứt mà các y bác sĩ đã phải cảm nhận, chịu đựng.
Nhưng! Khác với tất cả mọi người còn lại – đều có thời gian vui mừng đoàn viên, hoặc “khóc cho đã” khi người thân lìa trần thế - các y bác sĩ không có thời gian cho bản thân mình, cho những cảm xúc “hỉ nộ ái ố”, những cung bậc cảm xúc mà mỗi một người đều sẽ phải trải qua trong những ngày dịch dã. Thiên chức của họ khiến blouse trắng không được phép để cảm xúc vượt quá mức kiềm chế, hoặc cũng không có đủ thời gian để lún sâu vào sự bi thương. Họ phải chiến đấu!
Chính phủ và chính quyền địa phương đã có những ưu tiên nhất định cho lực lượng y tế tuyến đầu. Từ vaccine đến bảo hộ cũng như một số chế độ an sinh. Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập. Làm quá nhiều thời gian, lượng công việc quá tải, ăn uống không đảm bảo, nhiều người phơi nhiễm, một số nhân viên y tế và lực lượng chống dịch đã tử vong sau khi mắc COVID-19… Đó là chưa kể đến những sang chấn tâm lý của đội ngũ này khi căng thẳng thời gian dài.
Trong bối cảnh đó, dù khó khăn đến mấy thì Nhà nước cũng phải cấp bách thực hiện các giải pháp giảm tải, đảm bảo điều kiện sống, làm việc và sinh hoạt an toàn và đầy đủ nhất cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Bảo vệ lực lượng tuyến đầu này cũng là bảo vệ cả hệ thống y tế của Việt Nam để có thể chống dịch lâu dài. Có đổ thêm tiền của, nhân lực vào vùng tâm dịch như TP.HCM lúc này thì cũng không sợ thừa.