Ngày 9-9, nhiều hàng quán ăn, uống ở TP.HCM vẫn đang đóng cửa. Trong ảnh là một quán bán đồ uống ở Q.1 - Ảnh: BÔNG MAI
Từ hôm qua 8-9, TP.HCM đã cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về, theo phương thức “3 tại chỗ”, đặt hàng trực tuyến.
Dù vậy, ghi nhận vào sáng 9-9, hầu hết hàng quán ăn uống ở nhiều quận tại TP.HCM đều đang đóng cửa im lìm.
Đứng trước quán phở bò, chị Lê Hiếu Ngọc (Q.Bình Thạnh) chia sẻ chưa biết thông tin được bán thức ăn mang về.
"Bây giờ có muốn bán cũng không được vì không có bánh phở để nấu. Quán ở Bình Thạnh, lò làm bánh phở lại ở Thủ Đức, họ không giao cho mình được. Mình nấu tốn công, tốn điện, một ngày ít nhất phải bán được 200 tô mới có lời. Nhưng giờ phí giao đồ ăn cao, có bán khách cũng ngại mua", chị Ngọc chia sẻ.
Dù được chủ nhà giảm giá, nhưng hiện tại mỗi tháng chị Ngọc cũng phải trả 15 triệu tiền thuê mặt bằng. Để trang trải, trong thời gian này chị Ngọc tranh thủ bán thịt bò qua các ứng dụng giao hàng.
Chị Lê Hiếu Ngọc (Q.Bình Thạnh) chia sẻ hiện không thể bán phở bò vì có thịt bò nhưng không mua được bánh phở để nấu - Ảnh: BÔNG MAI
Muốn mở bán lại, nhưng nhiều cửa hàng khác lại thiếu nhân viên.
"Bên mình bán bún bò Huế, các bạn nhân viên đều làm bán thời gian, bây giờ phải làm "3 tại chỗ" nên các bạn không muốn. Nhiều nhân viên nói chưa tiêm vắc xin nên không tới làm", một chủ quán bún bò Huế (phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) chia sẻ.
Đã nắm được thông tin được bán mang về, nhưng chị Nguyễn Minh Hoàng (chủ quán cơm trưa, cơm tấm) vẫn không kịp xoay xở, "chắc cả tuần nữa mới bán nổi".
Hơn 2 tháng nay quán đóng cửa, nên nếu muốn mở lại, chị Hoàng phải mất thời gian dọn dẹp, sắp xếp. Tuy nhiên, điều khó khăn nữa là quán bình thường có 9 nhân viên, hầu hết là sinh viên làm thêm, giờ không biết cách nào xin giấy đi đường cho những nhân viên này từ chỗ trọ đi tới quán.
Bản thân chị Hoàng cũng không có giấy đi đường để tới chợ Bình Điền mua sỉ rau, thịt, cá…mang về nấu ăn. Nếu mua chỗ khác thì giá cao, không đủ lời.
"Quán mình chủ yếu bán cho công nhân, giờ đa số về quê hết, không có khách mua nữa. Bình thường mấy người ở gần thì mình sẽ chạy tới giao miễn phí hoặc lấy phí 10.000 đồng thôi, giờ gần xịt mà phải mất phí thì khách không muốn mua. Chẳng lẽ bán một hộp cơm 20.000 mà tiền giao tới 30.000 thì ai mua?", chị Hoàng trăn trở.
Hơn 2 tháng phải tạm ngưng hoạt động, mỗi tháng chị Hoàng chi hơn 30 triệu tiền mặt bằng, không được chủ nhà bớt một đồng do đã đóng trước một cục cả năm ngay từ đầu năm.
"Mấy bạn nhân viên không thể về quê, ở lại thành phố thì không làm ăn được gì, cứ nhắn tin hỏi mình khi nào bán lại nhưng mình vẫn chưa biết. Nếu có bán lại khách cũng không đông nên không thể thuê hết 9 bạn như bình thường được", chị Hoàng tâm sự.
Chú Ngô Minh Vương (tài xế) đang treo rau củ lên xe để giao cho khách, chia sẻ chưa nhận được đơn hàng nào giao đồ ăn mang về - Ảnh: BÔNG MAI
Hiện tại đa phần tài xế trên các ứng dụng giao hàng đều giao các mặt hàng như thịt cá, rau củ tươi sống chứ chưa nhận đơn giao các đồ ăn được chế biến sẵn.
"Sáng giờ tôi chưa nhận đơn bún bò, hủ tiếu, cà phê... nào. Đến giờ vẫn chỉ nhận giao mấy đơn rau củ, thịt cá thôi. Bây giờ nhiều chốt chặn, tài xế phải chạy vòng vòng, đoạn đường xa hơn mọi khi", chú Ngô Minh Vương (tài xế giao hàng) chia sẻ lý do vì sao phí giao hàng cao.
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM có các chốt chặn không thể qua, nên các tài xế giao hàng phải đi đường vòng xa hơn mọi khi - Ảnh: BÔNG MAI
Để phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát người qua lại nên TP.HCM đã lắp đặt nhiều chốt chặn. Để di chuyển đến một địa điểm, nhiều người dân phải đi đường vòng, dẫn đến tuyến đường của các tài xế giao hàng có thể xa hơn bình thường.
Một số hình ảnh ghi nhận vào sáng 9-9:
Một quán cà phê đã lâu không mở cửa, lá rơi phủ khắp thềm - Ảnh: BÔNG MAI
Một quán cơm tấm đang đóng cửa cài then - Ảnh: BÔNG MAI
Các quán ăn trên "con đường ẩm thực" Phan Xích Long (Q.Bình Thạnh) đang phải tạm đóng cửa, chưa bán mang về - Ảnh: BÔNG MAI
Sáng 9-9, một quán bán cơm gà vẫn chưa bán lại cơm gà mà chuyển sang bán rau củ - Ảnh: BÔNG MAI
Một quán phở bò tạm thời chưa thể bán mang về vì không mua được bánh phở để nấu - Ảnh: BÔNG MAI
TTO - UBND TP cho phép dịch vụ ăn uống; cơ sở bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi...