Chị Srim và con thơ đang sống dè sẻn từ lòng hảo tâm
Suốt mấy tháng dịch trầm trọng, gia đình chị Yên vẫn may mắn còn chút đồng lương mà đã phải tính toán như thế. Những người nghèo, người lao động mất việc làm, mất thu nhập còn kham khổ miếng ăn hơn nhiều.
Vợ chồng tôi không dám đòi hỏi gì không đúng phần mình, vì biết còn nhiều người khó khăn đang cần được giúp đỡ.
Anh Nguyễn Văn Hiển
Người vốn bình thường cũng bóp miệng
Mừng rỡ chụp cho chúng tôi xem gói thực phẩm đặt mua ở siêu thị sau ba ngày mới được giao, chị Yên nở nụ cười qua video call: "Hôm nay tôi quyết định nấu nới tay một chút cho bà nội và em trai có bữa tươi. Phải ăn dè sẻn lâu quá rồi". Mặc dù phải phập phồng ngóng lực lượng phường đi chợ hộ, nhưng chị Yên vẫn cảm ơn rối rít.
"Đến sáng ngày thứ ba vẫn chưa thấy đâu, tôi đã nghĩ có lẽ lại tiếp tục "đo lọ nước mắm" rồi. Ai ngờ đầu giờ chiều, mấy anh thanh niên đi chợ hộ cầm bọc đồ đến giao. Thấy có thịt và rau, củ tươi, mừng quá trời luôn" - chị Yên cười kể.
Cũng như nhiều dân ở TP.HCM, gia đình chị Yên đang hết sức dè sẻn miếng ăn trong giai đoạn dịch căng thẳng kéo dài này. Bình thường nhà chị cũng không đến mức kham khổ miếng ăn vì có việc làm. Tuy nhiên, từ đầu dịch, tình hình bắt đầu căng thẳng dần khi em trai chị làm ở quán ăn phải thất nghiệp mà không có trợ cấp. Một mình chị cáng đáng cả nhà, khó khăn ngày càng lộ diện, nhất là từ tháng 7 khi giá cả thức ăn cứ vèo vèo "leo thang".
Chị Yên kể: "Trước khi bùng dịch, tôi chỉ đi chợ ngót nghét 200.000 đồng một ngày cho nhà ba miệng ăn. Nhưng từ tháng 7 tôi phải chi tiền nhiều hơn mà thức ăn lại ít đi, chất lượng cũng tệ hơn hẳn. Tình hình càng căng hơn từ khi chúng tôi không còn được tự đi chợ, tự tính toán mua sắm hợp lý với túi tiền mà chỉ có thể ngồi đợi được đi chợ hộ những gói đồ combo thiếu cái này thừa cái kia".
Mất hoàn toàn một suất lương người em trai, ngay đồng lương chị Yên cũng bị giảm vì chỉ có thể làm việc từ xa, nên chị không có cách nào khác là phải tính toán dè sẻn, chắt bóp lại hết mọi thứ chi phí. Đầu tiên, chị tính toán tiết kiệm điện nước, sau đó là miếng ăn. Mà thật ra thời dịch này, nhà chị Yên cũng như bao người khác chỉ tốn tiền cho bấy nhiêu thứ thiết yếu của cuộc sống đó cũng đã đủ quá khó khăn rồi.
So với chị Yên, trường hợp anh Nguyễn Văn Hiển (ở hẻm 572 Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình) còn khó khăn hơn vì phải thuê nhà. Trước khi bùng đợt dịch thứ 4, anh bị yếu một mắt nên thuê nhà bán cà phê để phụ vợ đi làm nuôi hai con đang tuổi ăn học. Thế rồi dịch bùng phát, anh phải nghỉ bán hẳn cà phê trong khi vẫn phải giữ nhà thuê để vợ con có chỗ ở.
"Ban đầu chủ nhà giảm được 20%, tháng này chúng tôi năn nỉ thì được giảm tiếp 50%. Mừng lắm. Nhưng khoản 5 triệu đồng còn phải trả cũng là gánh nặng lớn với chúng tôi khi mất hẳn khoản thu nhập từ quán cà phê, mà đồng lương duy nhất còn lại của vợ tôi cũng đã phải giảm một nửa. Giờ tất cả chỉ còn biết trông vào đấy, từ tiền nhà đến điện, nước, ăn uống".
Anh Hiển đã 4 lần làm đơn xin trợ cấp theo gói chính sách nhưng vẫn chưa được nhận. Mới đây, công an khu vực lại đến ghi nhận nhân khẩu và vợ chồng anh lại đang phập phồng chờ đợi.
"Giải pháp à? Cách duy nhất của chúng tôi chỉ có thể là chắt bóp, dè sẻn đến mức tối thiểu thôi, kể cả miếng ăn của con nhỏ, chứ biết làm sao bây giờ? - anh Hiển cho biết đang trông đợi nhận được khoản trợ cấp. Anh tâm sự bao nhiêu người đang khổ cần được giúp đỡ nên anh không dám đòi hỏi thêm gì, chỉ cần chính sách an sinh đến đúng người cần một cách công bằng.
Lúc đầu dịch, bà Liên còn đi nhặt ve chai được, nhưng giờ không ra đường được nên cuộc sống càng khó khăn
Người nghèo càng kham khổ miếng ăn
Dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, người có cuộc sống vốn bình thường trước đây cũng lâm cảnh khó khăn. Những người nghèo, mất hẳn thu nhập lại càng kiệt quệ nặng nề hơn nữa. Cuộc sống của họ vốn quanh năm phải kham khổ, nay lại càng phải dè sẻn chi li.
Trước khi có dịch, chị H Srim, sinh năm 1994, người Khmer, phụ bán quán trái cây nhỏ trên đường Tên Lửa ở quận Bình Tân. Dịch bùng lên, chị thất nghiệp trong khi vừa sinh con nhỏ và mắc kẹt ở nhà trọ, không thể về quê được.
Chính quyền địa phương và một số nhà hảo tâm cũng quan tâm hỗ trợ, nhưng chị Srim vẫn phải hết sức dè sẻn miếng ăn để duy trì cuộc sống suốt hàng tháng trời không có thu nhập. Chị kể mình thiếu đồ ăn tươi trong khi đang cần sức khỏe để nuôi con sơ sinh. Khoản tiền chính quyền trợ cấp, chị dành trả tiền nhà trọ.
Còn chuyện ăn uống, chị chủ yếu trông đợi các nhà hảo tâm. Có người cho gạo, cho mì. Thi thoảng có ai tặng chút đồ tươi, chị cố gắng ăn dè sẻn để có sữa cho con bú. "Hôm rồi có anh ghé cho bắp cải, cà chua và vỉ trứng gà, tôi mừng rớt nước mắt, tính toán để dành ăn dần. Không biết bao giờ mới hết dịch để đi làm lại?" - chị Srim tâm sự.
"Không biết bao giờ mới hết dịch để được đi làm lại?" là câu hỏi mà chúng tôi hay phải nghe trong những ngày này. Nhiều người nghèo muốn đi làm lại, muốn không mãi là gánh nặng an sinh, nhưng thực tế dịch vẫn chưa cho phép.
Bà Đỗ Thị Liên, 58 tuổi, từ Nghệ An vô TP.HCM đã mấy năm làm phụ quán ăn để nuôi con học đại học. Trọ ở hẻm đường Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân), bà trải lòng ngày ngày đều ngóng dịch thế nào để mong được đi làm lại. Ngày nghỉ việc vì dịch hồi tháng 6, bà chỉ còn đủ một tháng tiền trọ là 1,5 triệu đồng, thế mà vẫn ráng cầm cự được đến giờ. Ai cho gì ăn nấy; bà dè sẻn, tính toán chi li từng vốc gạo, từng gói mì, củ khoai.
Thỉnh thoảng có ai cho gì đó, bà Liên cũng không dám ăn nhiều vì để dành ngày mai chưa biết ra sao. "Có bữa tôi chỉ dám ăn nửa gói mì 3.000 đồng, để dành lại nửa gói cho bữa sau. Mình khổ cả đời rồi, đâu ngại khó khăn. Chỉ sợ không có việc làm. Cứ ngồi đợi của từ thiện thế này sao đành" - bà trải lòng và lại hỏi câu bao giờ hết dịch để được đi làm lại?
Nhiều người dân đang ăn uống kham khổ vì dịch giã - Ảnh: QUỐC MINH
Tiết kiệm hơn nữa để dành tiền mua máy cho con học
"Suốt mấy tháng nay, vợ chồng và hai đứa con tôi đã giảm tiền ăn chỉ còn một phần ba để duy trì cuộc sống trong cảnh thất nghiệp chưa biết bao giờ được đi làm lại. Từ tháng 8 vừa rồi, chúng tôi lại tiếp tục dè sẻn miếng ăn hơn nữa để dành tiền mua máy cho con phải học online từ xa" - chị Trần Thị Ánh, một công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, kể.
Được hỏi tiết kiệm cách nào khi công nhân bình thường vốn cũng đã rất kham khổ, chị nói trước đây hai vợ chồng và hai đứa con chiên 4 quả trứng ăn cơm thì giờ chỉ dám chiên 2 quả cho con ăn, còn vợ chồng chan nước mắm. Mua máy cho con học là chị tìm mua điện thoại cũ khoảng 1-2 triệu, dù biết rằng có thể hại mắt con nhưng vì không thể có tiền mua máy tính nên đành chịu.
TTO - “Chở hàng nặng mới được nhiều tiền em ơi. Tôi may mắn khi mình có việc làm trong mùa dịch, kiếm cơm kiếm gạo được nuôi gia đình. Sáng sớm 5 giờ tôi đã đi, đến giờ siết nghiêm mới về”, chị Võ Thị Ngọc Hòa, shipper ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, nói.
Xem thêm: mth.33043430190901202-hcid-ioht-nes-ed-na-aub/nv.ertiout