Nhớ lại năm 2001, Sean O'Keefe, người từng là chủ tịch của công ty hàng không và quốc phòng Airbus và những cộng sự của ông đã được thông báo tóm tắt về nhóm khủng bố Al-Qaeda. O'Keefe cho biết lúc đó, ông không thể tưởng tượng được một vụ việc khủng khiếp đến vậy có thể xảy ra.
Gần 20 năm trước, vào sáng ngày 11/9/2001, một đội gồm 19 tên không tặc đã đột nhập lên bốn chuyến bay nội địa khác nhau ở miền đông bắc nước Mỹ và phối hợp gây ra một loạt các cuộc tấn công khủng bố, cướp đi sinh mạng của 3.000 người. Từ đó, những chuyến bay ở Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ không bao giờ giống như vậy nữa.
Thảm họa tại New York
O'Keefe nhớ lại ông đã ở Cánh Tây của Nhà Trắng với Phó Tổng thống Dick Cheney khi tin tức về vụ khủng bố được đưa ra. "Điện thoại đổ chuông. Nhân viên lễ tân ở bên kia đường dây nóng yêu cầu ông vặn to âm thanh lên: Một sự việc vừa xảy ra ở thành phố New York”.
Khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới, O'Keefe cũng như hàng triệu người dân trên cả nước cứ ngỡ họ đang chứng kiến một vụ tai nạn khủng khiếp. Đây có thể là một vấn đề đối với Cục Hàng không Liên bang và Bộ Giao thông Vận tải.
Nhưng khi 17 phút sau đó, chiếc máy bay thứ hai lao vào Tháp Nam, O'Keefe cho biết: "Đó thực sự là bằng chứng cho thấy đây không phải là một vụ tai nạn, đây là một âm mưu được tính toán trước. Các nhân viên an ninh và Sở Mật vụ, tất cả đều được huy động”.
Chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa nhà gây ra vụ nổ kinh hoàng
Nhà sử học James Mann cho biết các sự kiện vào buổi sáng hôm đó đã khiến Mỹ thay đổi “tự động, ngay lập tức, theo nhiều cách, trở thành một quốc gia bị ám ảnh với việc bảo vệ an ninh. Cách mà 325 triệu người Mỹ đi qua các sân bay ngày nay đã bắt đầu từ ngày 12/9 và không bao giờ trở lại được như ngày 10/9. "
Sự thay đổi cần thiết
O'Keefe nói: “Quân khủng bố đã dàn dựng cuộc tấn công trên ba chuyến bay ở ba địa điểm khác nhau. Đó thực sự là một cái tát vào mặt, nhắc nhở chúng tôi đã từng ngây thơ như thế nào”.
Sau vụ khủng bố, vào ngày 111/9/2001, Chính phủ Mỹ đã thông qua Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải. Những thay đổi về an ninh rất nhanh chóng và nhất trí nhận được sự đồng ý từ Quốc hội.
Du khách xếp hàng dài chờ đợi trong nhà ga United Airlines tại Sân bay Quốc tế O'Hare của Chicago vào ngày 14/9/2001
Cùng với đó, tại các sân bay và trên các hãng hàng không, các biện pháp an ninh cứng rắn hơn đã được áp dụng ngay sau khi hoạt động bay dân dụng được mở lại vào ngày 14/9. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã cung cấp vũ trang cho quân nhân tại các sân bay, và du khách phải xếp hàng dài khi hệ thống mới bắt đầu hoạt động.
O'Keefe cho biết những hành khách mới nhất sau ngày 11/9, những người chưa hủy hoặc lên lịch lại chuyến đi, phần lớn đều chấp nhận chế độ an ninh cao mới, cùng với sự gián đoạn và chậm trễ này.
Kiểm tra nhận dạng
Một số kẻ không tặc trong vụ 11/9 đã lẻn lên chuyến bay khi không có giấy tờ tùy thân hợp pháp. Sau các vụ tấn công, Mỹ yêu cầu tất cả hành khách từ 18 tuổi trở lên cần có giấy tờ tùy thân hợp lệ do chính phủ cấp mới có thể bay, ngay cả trên các chuyến bay nội địa. Các sân bay có thể kiểm tra ID của hành khách hoặc nhân viên bất cứ lúc nào để đối chiếu với các chi tiết trên vé máy bay của họ.
TSA kiểm tra ID hành khách
Đồng thời, trên khắp thế giới, các quốc gia đã trở nên nghiêm ngặt hơn trong việc kiểm tra danh tính, sàng lọc an ninh và lập ra Danh sách Cấm bay. Năm 2002, Liên minh Châu Âu đưa ra một quy định yêu cầu các hãng hàng không kiểm tra ID cả khi làm thủ tục hành lý và khi lên máy bay.
Sự ra đời của Cục An Ninh Vận tải Mỹ (TSA)
Là một phần của đạo luật an ninh mới, Cục An Ninh Vận tải Mỹ (TSA) được thành lập vào tháng 11/2001. Hiện nay, Cục thuộc cơ quan của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, được thành lập một năm sau đó, TSA tiếp quản tất cả các chức năng an ninh của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và các hãng hàng không, cũng như sân bay của Mỹ.
Đến cuối năm 2002, cơ quan này đã tuyển dụng gần 60.000 nhân viên. O'Keefe nhận xét việc huy động một lực lượng an ninh hoàn toàn mới, với hàng nghìn chuyên gia được đào tạo là “một thách thức to lớn”.
Kiểm tra an ninh
Một số kẻ không tặc trong vụ 11/9 được cho là đã qua mặt lực lượng an ninh, mang theo kéo và dao nhỏ.
Sau vụ khủng bố, với chính sách mới của TSA, các vũ khí tiềm ẩn như dao, kéo và đồ vật sắc nhọn không còn được phép mang lên máy bay. Đồng thời, các nhân viên sân bay được đào tạo kỹ lưỡng hơn để phát hiện vũ khí hoặc chất nổ.
Máy dò kim loại là tiêu chuẩn tại các sân bay từ trước vụ khủng bố ngày 11/9. Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, sau khi "kẻ đánh bom đồ lót" bị bắt trên chuyến bay vào Ngày Giáng sinh, máy quét toàn thân đã bắt đầu được lắp đặt tại các sân bay Mỹ.
Mỹ áp dụng máy quét toàn thân tại các sân bay
Đến tháng 7/2017, để đối phó với việc khủng bố giấu thiết bị gây nổ bên trong các đồ điện và các vật dụng mang theo khác, TSA bắt đầu yêu cầu khách du lịch đặt tất cả các thiết bị điện tử cá nhân lớn hơn điện thoại di động trong thùng để chụp X-quang. Đến tháng 2 năm sau, công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng được đưa vào thử nghiệm.
An toàn trên chuyến bay
O'Keefe nhớ lại: “Việc vào buồng lái của một chiếc máy bay Mỹ khi đang bay trong không phận nước này đã từng dễ như việc mở cửa nhà vệ sinh”.
Kể từ ngày 11/9, buồng lái có khóa và chống đạn đã trở thành tiêu chuẩn trên các máy bay chở khách thương mại.
Đạo luật Phi công Vũ trang Chống Khủng bố được ký vào tháng 11/2002, và đến tháng 4 năm sau, những phi công được trang bị vũ khí đầu tiên đã lên các chuyến bay thương mại của Mỹ.
Niềm tin của hành khách
Tác động của sự kiện 11/9 bao gồm sự sụt giảm lớn về nhu cầu đi lại. Nguyên nhân là không chỉ niềm tin của hành khách bị ảnh hưởng, mà các chính sách an ninh khiến việc trải nghiệm bay không còn nhanh chóng và đơn giản nữa.
Trong một nghiên cứu từ năm 2005, thảm họa 11/9 khiến khách du lịch chọn lái xe nhiều hơn đi máy bay. Hậu quả khôn lường của việc này là “số ca tử vong do lái xe tăng lên đáng kể”. Ước tính trong 5 năm, có thêm 1.200 trường hợp tử vong do lái xe do ảnh hưởng của sự kiện 11/9.
Buổi sáng tháng 9/2001 đó “đã ngay lập tức khiến chính sách an ninh gần như không tồn tại chuyển sang chế độ mọi lúc, mọi nơi đến nỗi gần như làm nhiều người khó chịu”.
Tuy nhiên, trong vòng hai thập kỷ sau, không xuất hiện vụ khủng bố hàng không nào có quy mô lớn như hôm 11/9. Theo O'Keefe: “Các biện pháp an ninh này đã phát huy tác dụng”.