Trước những nghi vấn về sự không minh bạch trong quản lý tiền từ thiện, nhiều nghệ sĩ nói rằng họ gặp khó khăn do COVID-19 không thể ra ngân hàng làm thủ tục. Tuy nhiên, việc sao kê hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà một cách đơn giản.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI, hiện nay có 2 hình thức sao kê là sao kê trực tuyến trên Internet Banking, cây ATM và sao kê trực tiếp in ra giấy có chứng thực của ngân hàng.
Riêng hình thức sao kê trực tuyến có thể bị giới hạn về số giao dịch gần nhất. Các ngân hàng không quy định về việc khách hàng chỉ được yêu cầu in sao kê bao nhiêu bản và bao nhiêu lần.
Đa dạng cách thức sao kê
Sao kê trực tiếp
- Khách hàng đến ngân hàng mà mình đã đăng kí mở tài khoản để thực hiện sao kê tại bất cứ chi nhánh hoặc phòng giao dịch nào thuộc ngân hàng đó.
- Mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, thẻ ATM để nhân viên ngân hàng thực hiện in sao kê tài khoản cá nhân theo thời gian khách hàng mong muốn.
- Khách hàng cần kiểm tra kĩ xem bản sao kê có dấu mộc tròn của ngân hàng chưa thì bảng sao kê đó mới có giá trị pháp lý.
Sao kê trực tuyến
Loại hình này thường các ngân hàng giới hạn là chỉ sao kê trong 1, 2 năm gần nhất.
Cách 1: Chính chủ sử dụng số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng, gọi lên và sẽ được hỏi những câu nhằm xác định chính chủ. Xác nhận thành công, ngân hàng sẽ hỗ trợ gửi sao kê qua hai hình thức: email hoặc chuyển phát nhanh bản cứng về địa chỉ khách hàng đã đăng ký với ngân hàng.
Cách 2: Sau khi đăng nhập ứng dụng của ngân hàng, người dùng lần lượt thực hiện các bước: lựa chọn tài khoản cần sao kê; chọn khoảng thời gian cần xem chi tiết sao kê; xem sao kê để biết thông tin chi tiết về các giao dịch đó; kết nối máy in và in sao kê.
Sao kê qua cây ATM
Sau khi đăng nhập tại cây ATM, khách hàng chọn chức năng “In sao kê/Truy vấn tài khoản”. Sao kê theo hình thức này sẽ bị hạn chế, không thể xem được tất cả các giao dịch trong tháng.
"Chi phí sao kê tùy thuộc vào mỗi ngân hàng"
Chi phí sao kê tài khoản ngân hàng không được pháp luật quy định cụ thể mà tùy thuộc vào chính sách khác nhau của từng ngân hàng.
Đối với việc ngân hàng sao kê cho khách hàng thì ngân hàng có thể miễn phí hay cũng thể thu từ vài nghìn cho đến chục nghìn đồng một lần sao kê hoặc tính trên số trang tài liệu tùy theo nhiều hay ít phụ thuộc vào quy định, chính sách và sự thỏa thuận của ngân hàng đối với khách hàng. Còn với trường hợp khách hàng tự sao kê tài khoản của mình từ tài khoản điện tử thì đương nhiên sẽ không mất phí dịch vụ của khách hàng."
Với Vietcombank, ngân hàng miễn phí với in sao kê định kỳ một lần một tháng, khi in sao kê định kỳ nhiều hơn mức này sẽ thu phí 5.000 đồng/trang hoặc theo thoả thuận, tối thiểu 20.000 đồng/lần.
Nếu in sao kê đột xuất theo yêu cầu của khách hàng, Vietcombank thu 5.000 đồng/trang. Tuy nhiên, khi in sao kê các giao dịch phát sinh trong 12 tháng kể từ ngày yêu cầu, phí in tối thiểu là 30.000 đồng/lần; sao kê giao dịch phát sinh trên 12 tháng tối thiểu 50.000 đồng/lần.
Chi phí in sao kê theo yêu cầu tại VietinBank và VPBank là 2.000 đồng/trang, tối thiểu 10.000 đồng/lần. Riêng khách hàng VIP của VPBank sẽ được miễn phí toàn bộ.
ACB miễn phí sao kê tài khoản tới 24 tháng, 2 lần đầu được miễn phí, đến lần thứ 3 sẽ thu phí 5.000 đồng/tháng hoặc 50.000 đồng/năm.
BIDV miễn phí sao kê định kỳ hàng tháng, còn sao kê đột xuất với các giao dịch trên dưới 1 năm kể từ ngày yêu cầu, phí là 5.000 đồng/ trang hoặc theo thỏa thuận. Yêu cầu sao kê đặc biệt được tính phí tối thiểu 5.000 đồng/ trang, tối thiểu 100.000 đồng.
Xem thêm: odl.715159-enilno-ek-oas-ut-eht-oc-nav-ahn-iogn-oek-na-uhn-ed-hcab-hnim-ek-oas/et-hnik/nv.gnodoal