Tính từ khi đưa vào sử dụng đến nay, sân Mỹ Đình đã 18 năm tuổi và phục vụ nhiều sự kiện thể thao lớn. Sắp tới, SEA Games 31 tại Việt Nam, Mỹ Đình cũng sẽ là sân chính tổ chức và là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc.
Thế nhưng ngay trong lần tổ chức sự kiện đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại vòng loại cuối World Cup 2022 và cũng là lần đầu sử dụng hệ thống VAR thì Mỹ Đình lại bị đội bạn chê trách, tạo dịp cho báo chí Úc ví là “bãi cỏ cho bò ăn” và “cầu thủ Úc tập chung với cóc”.
Chuyện cầu thủ đến sân khách hay chê cái sân và hay đổ tội vẫn thường xảy ra, như hồi ông Weigang dẫn đội tuyển Việt Nam đến Singapore đá Tiger Cup, ông đã thẳng thắn chê sân Jurong là bãi sình lầy khi cầu thủ đá dưới mưa.
Nhưng có điều không thể phủ nhận ở sân Mỹ Đình là mặt cỏ đã 10 năm không cải tạo và việc cầu thủ đặt chân trụ khi sút bóng nhiều khi bị trượt là có thật. Hay cái cảnh thời công nghệ các sân kẻ vôi bằng máy thì Mỹ Đình vẫn thủ công với cái xe kéo và thợ sơn đi từng mét nhúng vôi kẻ tay. Hình ảnh đấy cho thấy Mỹ Đình đi ngược, vì chúng tôi nhớ khi đăng cai AFF Cup hay SEA Games, Mỹ Đình đâu có kẻ sân theo kiểu thời bao cấp.
Kế đến là phòng VAR lần đầu được trang bị, khi so với các phòng VAR khác thì được ví như khoảng cách kiểu nhà trọ với khách sạn cao cấp. Thông cảm với lần đầu nhiều thiếu sót nhưng chính từ đấy mà có cựu trọng tài đặt ra tình huống VAR mà đội Việt Nam bị thiệt không được hưởng 11 m có phải vì VAR ở ta không đủ góc máy nên không cung cấp hết cho trọng tài được?
Hy vọng lần hai mọi cái sẽ khác, sẽ đầy đủ hơn và cái sân quốc gia của ta sẽ không tạo cớ để phía bạn bôi bác, đổ lỗi dù họ thắng trong cuộc đấu 90 phút.