vĐồng tin tức tài chính 365

Học online: Làm gì khi con nói 'con không muốn học nữa'?

2021-09-10 07:23
Học online: Làm gì khi con nói con không muốn học nữa? - Ảnh 1.

Thế giới của học sinh những ngày học trực tuyến là màn hình máy tính và chôn chân trong nhà, dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý - Ảnh: N.HUY

Chưa bao giờ vấn đề sức khỏe tâm lý đối với học sinh lại được đặt ra một cách cấp thiết như hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và ngày đến trường của trẻ còn bất định...

"Không học nữa, được không?"

"Hôm trước con đã gục xuống bàn ngủ ngay sau giờ học. Rồi khi bị giáo viên chủ nhiệm nhắc chưa chụp vở ghi báo cáo cô, con đã cáu kỉnh, buột miệng nói: chán lắm rồi, không học nữa có được không? Biểu hiện của con khiến tôi thấy lo lắng vô cùng"- anh Nam Anh, một phụ huynh ở Hà Nội có con vừa bước vào lớp 9, chia sẻ.

Không xen kẽ giữa học trực tuyến và trực tiếp như năm 2020, học sinh các cấp tại Hà Nội ở nhà từ tháng 5-2020, vắt từ năm học cũ sang năm học mới và dự đoán việc này còn kéo dài lâu nữa.

Cô Nguyễn Thị Hằng, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Olympia (Hà Nội), cho biết khi trao đổi, khảo sát ý kiến phụ huynh, có nhiều người đã cho biết họ nghe thấy con than vãn về việc ở trong nhà suốt ngày nên quá chán rồi. 

"Những biểu hiện đáng lo hơn là việc gia tăng hành vi chống đối khi học sinh học trực tuyến như đối phó, né tránh học tập hoặc phổ biến hơn là tình trạng bị phân tán, không tập trung học tập. Rồi những biểu hiện lo lắng, căng thẳng khi trẻ cảm thấy mình tụt hậu, không hiểu bài. Có trẻ xuất hiện hành vi mất kiểm soát, nóng nảy, cáu kỉnh" - cô Hằng nói.

Cũng từ chia sẻ của một số phụ huynh về thời gian con học trực tuyến kéo dài thì từ biểu hiện tâm lý, một số trẻ xuất hiện các vấn đề bất ổn như: ăn không cảm thấy ngon, thay đổi cân nặng (tăng hoặc giảm cân), thay đổi thói quen ngủ (ngủ rất nhiều hoặc mất ngủ)...

Theo cô Hằng, đã có những phụ huynh tìm đến sự tư vấn của chuyên viên tâm lý học đường vì phát hiện những hành vi không mong đợi hoặc chống đối của con gia tăng trong thời gian học trực tuyến ở nhà.

Tương tự, cô Nguyễn Minh Hằng, chuyên viên tâm lý Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết trong thời gian học sinh không đến trường và học trực tuyến tại nhà đã có những trường hợp học sinh hoặc phụ huynh phải tìm đến cán bộ tư vấn tâm lý của trường. 

Có nhiều vấn đề bất ổn dẫn tới việc học sinh bị căng thẳng tâm lý như: gặp khó khăn khi thay đổi hình thức học tập, căng thẳng khi học qua máy tính lâu nhưng lại không được vận động và đi ra ngoài, nhiều mong muốn không thực hiện được do dịch bệnh và có cả trường hợp mâu thuẫn, va chạm giữa cha mẹ và con cái. 

Một số vấn đề đã tồn tại từ trước, nhưng ở thời gian học trực tuyến có biểu hiện gia tăng hơn.

Theo cô Đinh Thị Trinh - phó phòng tâm lý học đường, trưởng ban quản lý và hỗ trợ học sinh Trường THCS Olympia (Hà Nội), có một khảo sát đầu năm 2020 ở Mỹ trên nhóm học sinh từ 13 - 18 tuổi cho thấy dịch COVID-19 kéo dài khiến sức khỏe tinh thần của trẻ trở nên xấu đi. 

Ở Việt Nam, việc này chưa có nghiên cứu khảo sát trên diện rộng, nhưng theo cô Trinh, vẫn có những khảo sát, đánh giá ở cấp trường cho thấy điều này rất rõ.

Học sinh bậc THCS đang ở tuổi dậy thì, nhiều thay đổi về cơ thể, suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc. Đây là giai đoạn hoạt động xã hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống của học sinh. Bệnh dịch ngăn hầu hết các hoạt động, giao tiếp với bên ngoài là một cản trở rất lớn trong việc giữ cân bằng cho học sinh. Những biểu hiện stress tâm lý đối với lứa tuổi teen sẽ phức tạp và khó đoán hơn.

Cô ĐINH THỊ TRINH

Người lớn còn sốc, huống gì trẻ con

Tại TP.HCM, nhiều phụ huynh có con học THCS, THPT cho biết con em họ có những dấu hiệu bất bình thường trong mùa dịch này. 

Chị Nhung, phụ huynh có con học lớp 11 ở quận Tân Phú, kể: "Từ giữa tháng 8 đến nay, con tôi hầu như không nói chuyện với ai trong gia đình. Cháu né tránh giao tiếp với mọi người, chỉ thích ở trong phòng riêng một mình. Ai hỏi gì cháu cũng không trả lời hoặc miễn cưỡng lắm mới trả lời theo kiểu nhát gừng. 

Đặc biệt, cháu ăn rất nhiều, ăn suốt ngày và tăng cân rất nhanh. Cứ mỗi lần leo lên cân, con gái tôi lại thở dài thườn thượt và lo lắng khi đi học lại sẽ không mặc vừa áo dài. Tôi có gọi điện nhờ tư vấn tâm lý thì chuyên gia cho biết con tôi đang bị trầm cảm...".

Cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, thừa nhận: "Tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay, học sinh phải ở trong nhà nhiều ngày nên rất dễ bị ức chế. 

Khi các em không được đến trường, ít có sự giao tiếp với bạn bè nên một số em bị lôi kéo vào những group chat có nhiều nội dung tiêu cực. Những group này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh".

Tương tự, cô Đinh Thị Quỳnh Liên, giáo viên tư vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho hay: "Số học sinh yêu cầu được tư vấn tâm lý đầu năm học này nhiều hơn hẳn những năm trước. 

Ngoài những băn khoăn về việc học tập trong mùa dịch, nhiều em còn tâm sự rất khó để nói chuyện với mọi người trong gia đình. Có em cho biết mình bị sốc vì mất người thân do nhiễm COVID-19; vì ba mẹ mất việc làm, kinh tế gia đình sa sút, mọi sinh hoạt đều giảm tiện... 

Có em tâm sự do ba mẹ thất nghiệp, buồn chán nên thường nói ra những lời cay đắng làm tổn thương các con"...

"Một HS lớp 12 vừa nhắn tin cho tôi là em cảm thấy rất mệt mỏi, chán nản, không thích nói chuyện với ba mẹ. Trong khi đó, năm nay là năm lớp 12, bài vở nhiều, học sinh lại phải học trực tuyến nên em phải thường xuyên phải sử dụng máy tính. 

Vậy mà ba mẹ cứ la mắng em, cho rằng em chỉ chơi game suốt ngày mà không lo học. Em tâm sự cảm thấy rất bức bối" - thầy Trần Tuấn Anh, GV Trường THCS Colette, quận 3, kể.

Cô Liên đưa ra lời khuyên: "Các phụ huynh nên lắng nghe con mình, đặt mình vào vị trí, tâm thế của con để chia sẻ những mối quan tâm, băn khoăn của con. Nhiều phụ huynh khi thấy con bày tỏ sự lo lắng lại cho rằng đó là việc nhỏ, không đáng để quan tâm. 

Nhưng trên thực tế, học sinh trung học rất dễ bị xáo trộn tâm lý. Từ đó giờ các em sống trong đủ đầy, giờ dịch bệnh ào đến, mọi thứ thay đổi và khó khăn hơn, người lớn còn sốc, nói chi đến trẻ em. 

Thế nên, dẫu biết rằng người lớn chúng ta đang còn nhiều vấn đề to tát hơn cơm, áo, gạo, tiền, nhưng thời điểm này các học sinh cũng cần được giải tỏa, cần được chia sẻ và giáo dục để thích nghi với thời cuộc".

Học online: Làm gì khi con nói con không muốn học nữa? - Ảnh 3.

Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, Q.6 (TP.HCM) học trực tuyến - Ảnh: TRẦN MINH

Hỗ trợ tăng hứng thú học tập

Điều chỉnh thời gian dạy học linh hoạt khi có những bất cập trong tâm lý học sinh là một cách mà các trường áp dụng. Nhưng nhiều trường công chưa lường trước được tác động tâm lý đến học sinh đã cho biết phải vừa làm, vừa điều chỉnh.

"Rất khó vì thời gian bình thường đã eo hẹp để đảm bảo yêu cầu của chương trình, nhưng chúng tôi vẫn phải chỉ đạo tổ chuyên môn sắp xếp nội dung dạy học hợp lý hơn, xây dựng các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian, tăng cường giao nhiệm vụ, các hoạt động cho học sinh trước và sau giờ học để co bớt thời gian online, cho học sinh các quãng nghỉ hoặc thay đổi trạng thái chứ không chỉ ngồi nghe giảng qua cái máy tính" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.

Một số trường tư như Olympia (Hà Nội), Edison (Hưng Yên) đã xây dựng kho tư liệu số dùng chung cho giáo viên và học sinh truy cập; xây dựng xen kẽ các phương pháp dạy học khác nhau để học sinh bớt nhàm chán, trong đó có kế hoạch hỗ trợ học sinh có dấu hiệu bị tụt hậu.

Cụ thể, theo cô Nguyễn Thị Tâm Huyền - phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Olympia (Hà Nội), khi điều chỉnh khung thời gian biểu hợp lý sẽ tăng thời gian nghỉ trưa cho học sinh, tăng các khoảng nghỉ ngắn giữa các khoảng thời gian tập trung học.

Còn cô Nguyễn Thị Hằng cho hay nhà trường khai thác các phần mềm học trực tuyến tăng tính tương tác nhiều hơn giữa học sinh - giáo viên - gia đình để tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời dễ kiểm soát khi học sinh có vấn đề bất ổn trong học tập.

"Chúng tôi biên soạn Sổ tay học tập trực tuyến, hướng dẫn cả phụ huynh và học sinh cách thức tổ chức học tập online hiệu quả trong đó đặc biệt lưu ý cách giữ an toàn trên Internet cho học sinh. Ngoài ra có những chương trình hỗ trợ cá nhân có biểu hiện khó khăn về tâm lý như lo âu, căng thẳng liên quan tới học tập, giúp học sinh cải thiện kỹ năng học tập" - cô Hằng nói.

Cô Hằng cũng cho rằng trong thời gian học sinh học trực tuyến kéo dài, môi trường giao tiếp trực tiếp của học sinh chỉ có gia đình, vì thế để duy trì bầu không khí tích cực trong gia đình cũng là yếu tố mà nhà trường muốn phụ huynh đồng hành. 

"Trường đã cung cấp cho phụ huynh bộ tài liệu, cẩm nang hướng dẫn để gợi ý việc cha mẹ trò chuyện cùng con, chơi cùng con, hỗ trợ con học tập. Chúng tôi rất cần cha mẹ đồng hành trong thời gian này" - cô Hằng chia sẻ.

Còn theo cô Tâm Huyền, những cơ hội để tăng tính kết nối với học sinh được giao cho giáo viên chủ nhiệm và trở thành việc bắt buộc trong thời gian dạy học trực tuyến này. Nhiều hoạt động như trồng cây, nấu ăn, tập thể thao, nhảy theo nhạc... được giáo viên tổ chức cùng học sinh. Dù hiện tại phải tương tác trực tuyến nhưng đã giảm bớt nhiều tình trạng học sinh bị stress.

Vitamin hạnh phúc

96693579_3890674434339665_2931933933983498240_n 4(read-only)

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc trong thời gian giãn cách, học trực tuyến, dự cuộc thi sáng tạo "Vitamin hạnh phúc" - Ảnh: M.H.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), một trong số ít trường công lập thực hiện tốt việc dạy học trực tuyến từ năm học trước, cũng rất chú ý những hoạt động ngoài giờ học cho học sinh. Những cuộc thi vẽ tranh, thi ảnh ấn tượng, chia sẻ clip làm việc nhà, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ được trường tổ chức thường xuyên với các khối lớp.

"Vitamin hạnh phúc" là cụm từ quen thuộc với nhiều học sinh trường này trong thời gian học trực tuyến bắt đầu từ cuộc thi chia sẻ năng lượng tích cực - như một thứ vitamin hạnh phúc cho thầy cô, cha mẹ, bạn bè và cộng đồng.

Hiện nay, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành công bố số điện thoại của phòng tư vấn tâm lý cho phụ huynh và học sinh, sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào học sinh gặp khó khăn về tâm lý trong thời gian này. Học sinh hay phụ huynh cũng có thể đăng ký tư vấn qua phiếu, qua các kênh email, Facebook.

Cô Nguyễn Minh Hằng, chuyên viên tư vấn nhà trường, cho biết do những trường hợp cần tư vấn nhiều hơn ở giai đoạn học sinh học trực tuyến nên công việc phòng tư vấn tâm lý cũng không có thời gian cố định; bất kể ngày hay tối, cả trong ngày nghỉ, nếu học sinh và phụ huynh cần tư vấn, hỗ trợ thì vẫn kết nối.

Phụ huynh đừng áp đặt

Trong bối cảnh rất đặc biệt như hiện nay, các phụ huynh hãy tranh thủ thời gian làm việc ở nhà để gần gũi con nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ với con về những quan tâm, những khúc mắc mà các em đang gặp phải. Mùa dịch, người lớn có sự lo lắng thì học sinh cũng có nhiều lo lắng riêng.

Thế nên, phụ huynh đừng áp đặt các con theo suy nghĩ của mình, khiến nhiều em cảm thấy bị ức chế mà không biết giải tỏa cùng ai.

Thầy Trần Tuấn Anh (GV Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM)

Giáo viên chủ nhiệm thời onlineGiáo viên chủ nhiệm thời online

TTO - "Em Thi vào lớp chưa? Hoàng Anh mới thấy đó sao giờ lại out và tắt camera rồi, bật lên! Còn Khánh Lan sao hôm qua lại "cúp cua" môn sử? Các em nhanh chân lên, vào lớp mình sinh hoạt những ngày đầu năm học".

Xem thêm: mth.90965302290901202-aun-coh-noum-gnohk-noc-ion-noc-ihk-ig-mal-enilno-coh/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Học online: Làm gì khi con nói 'con không muốn học nữa'?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools