Kinh doanh tự phát, bán hàng qua online “chợ cư dân” nổi lên khi dịch COVID-19 bùng phát phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này nếu kinh doanh tự phát online “chợ cư dân” không được kiểm soát chặt sẽ thất thu thuế và là nguồn lây nhiễm dịch bệnh rất lớn.
Nở rộ bán hàng online trên "chợ cư dân"
Theo tìm hiểu của PV, nhiều khu đô thị hay chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội đều có group cư dân trên mạng xã hội Facebook, Zalo... với số lượng thành viên lên tới hàng nghìn người, kéo theo đó nhu cầu chợ online cũng phát triển nhanh chóng. Đơn cử có một group riêng với gần 5.000 thành viên bán đủ thứ hàng tươi sống, hoa quả, thực phẩm, chế biến sẵn.
Thậm chí nhiều khu đô thị lớn còn có tới 2-3 chợ online, trong đó, nhiều chợ có ban quản lý điều hành và kiểm duyệt các thành viên. Ưu điểm nổi bật của việc mua loại hàng này là miễn ship trong khu; hàng ngon tươi vận chuyển nhanh. Việc giao nhận cũng cơ bản không cần người mua kẻ bán gặp nhau mà chỉ để hàng, ghi tên số phòng ngay dưới sảnh sau đó người mua xuống lấy, chuyển khoản tiền.
Gần hai tháng nay, chị Hoàng Thị Huyền Trang (ở Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) chưa phải đi ra chợ truyền thống mua đồ ăn cho gia đình. Bởi lẽ, chị đã quen với hình thức đặt hàng online trên “chợ cư dân”. Chị Trang nói, dù dịch bệnh phức tạp nhưng chung cư nơi chị đang sinh sống có một chợ cư dân vẫn luôn đáp ứng đầy đủ thức ăn như thịt cá, rau, củ quả…
Cũng giống chị Trang, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị Ly - nhân viên một công ty truyền thông được làm việc ở nhà. Giải pháp chị chọn để hạn chế ra ngoài là đặt mua hàng online trên chợ cư dân. "Giờ tôi chẳng phải đi đâu, lên chợ chung cư đặt rồi mọi người ship tới tận nhà. Hàng sẽ được treo ở cửa kèm thông tin chuyển khoản", chị Ly cho biết.
Bán trên “chợ cư dân” hơn nửa năm nay, bà Tình - một cán bộ về hưu gọi gian hàng trên chợ của mình là "cửa hàng tạp hoá mini" với các mặt hàng đặc sản vùng cao như gạo Điện Biên, miến, trái cây vùng cao theo mùa. Trước dịch, mỗi ngày bà Tình nhận túc tắc khoảng chục đơn, nhưng khi thành phố giãn cách xã hội, lượng đơn mua hàng tăng gấp ba. Bận hơn, vất vả hơn nhưng bà thấy vui vì hàng về tới đâu bán hết tới đó.
Trong khi đó, chị Trần Thị Ngọc (ở An Khánh, Hoài Đức) lại chọn kinh doanh đồ ăn chế biến sẵn. Đợt dịch này làm việc tại nhà, chị có thêm nhiều thời gian chế biến các món "tủ", bán trên chợ cư dân. Giò lụa, giò tai, chả nem, dưa muối... là những món ăn "hút" khách, lần nào đăng bài bán cũng nhận ngót vài chục đơn trong "một nốt nhạc".
Hầu hết người bán hàng online coi đây chỉ là nghề làm thêm, ít khi có giấy phép kinh doanh. Thậm chí trong thời buổi giãn cách, không phải đến công sở, nhiều người ở nhà nên cũng kiếm thêm nghề bán hàng online để tăng thu nhập.
Quản chặt kinh doanh tự phát
Mới đây, một số phường của UBND quận Hà Đông đã có thông báo về việc yêu cầu các gia đình/cá nhân kinh doanh thực phẩm tự phát (không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế) tạm dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trong Công văn số 224, UBND phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay các điểm cung cấp thực phẩm trên địa bàn phường vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ và đa dạng các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại Trung tâm nông sản thực phẩm Mộ Lao, siêu thị, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm có đăng ký và quản lý thuế.
"Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn phường có một số hộ gia đình/cá nhân kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm tự phát như thịt, rau, củ, quả... được bày bán trong nhà, không có đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế theo quy định của Luật Thuế, không thể kiểm soát được việc tuân thủ "5K" và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19", UBND phường Mộ Lao cho biết.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, UBND phường này đã yêu cầu các hộ gia đình hoặc cá nhân kinh doanh thực phẩm tự phát (không đăng ký kinh doanh, không kê khai thuế) ngừng hoạt động trước ngày 8.9 để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn phường. Sau thời gian trên, Tổ công tác kiểm tra, rà soát xử lý vi phạm sẽ tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các hộ gia đình/cá nhân kinh doanh không chấp hành thực hiện theo quy định.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch UBND phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết, hiện nay phường đã giao cho các tổ dân phố tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh và cơ bản người dân chấp hành để đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch COVID-19.
Theo ông Long, trước đây trên địa bàn phường thì kinh doanh tự phát rất nhiều nhưng hiện nay thì ít hơn. Trước mắt, phường cũng yêu cầu tổ dân phố kiểm tra đôn đốc và nhắc nhở nếu các hộ không chấp hành chứ chưa xử phạt. “Về lâu dài, trong trường hợp các hộ muốn kinh doanh thì phải có ý thức đăng ký với cơ quan nhà nước. Phải có mã số thuế để kiểm soát. Mặc dù những hộ kinh doanh này nhỏ lẻ, doanh thu chưa đến mức phải nộp thuế nhưng cũng là điều kiện để phường nắm rõ hơn”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Tổng cục Thuế đã có công văn nhắc nhở các cục thuế tỉnh, thành chủ động làm việc với các hộ kinh doanh, bán hàng qua mạng. Cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện những trường hợp chưa kê khai đầy đủ doanh thu, trốn thuế.
Xem thêm: odl.723159-nad-uc-ohc-enilno-hnaod-hnik-ut-uht-taht-gnohc/et-hnik/nv.gnodoal