Người dân hiểu nhầm được đi mua hàng
Tối 8/9, UBND TPHCM có văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại theo hình thức bán mang về. Yêu cầu cụ thể là các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ bán theo hình thức giao hàng cho các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) chuyển cho khách để đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Thế nhưng, nhiều cửa hàng, điểm bán tự phát lại đang hoạt động theo hình thức bán trực tiếp cho người mua một cách sai quy định. Khi thấy các điểm bán mở cửa, nhiều người dân nghĩ rằng được phép ra ngoài mua thực phẩm nên đổ ra đường. Không ít tuyến đường đã đông đúc trở lại, kể cả những đoạn qua “vùng đỏ”.
Nhộn nhịp nhất là đường An Dương Vương, Q.Bình Tân, với khoảng 30-40 điểm bán tự phát ở lề đường. Người bán thường đậu xe máy, đặt cái ghế hoặc cái thau trên vỉa hè rồi bán đủ loại thịt heo, thịt gà, cá, tép, đồ khô cho người đi đường. Một số người bày bán trong nhà, khách đậu xe trên vỉa hè rồi vào mua trực tiếp. Các điểm bán này thường tụ tập rất đông người, không tuân thủ quy định về giãn cách. Tại ngã ba đường An Dương Vương và đường số 156, có ba điểm bán rau, thịt heo trong nhà, lúc nào cũng có hơn chục người tụ tập mua hàng.
TPHCM chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… bán và giao hàng cho shipper chứ không được phép bán trực tiếp cho khách ảnh: Linh Linh |
Trên đường số 4, số 1, P.An Lạc và khu cư xá Phú Lâm, P.An Lạc A thuộc Q.Bình Tân, các điểm bán tạp hóa, trái cây, bánh, thực phẩm chế biến sẵn cũng hoạt động nhộn nhịp theo hình thức bán, mua trực tiếp chứ không thông qua shipper.
Tình trạng mua bán trực tiếp còn diễn ra ở một số cửa hàng gần các chợ truyền thống hoặc bên trong chợ. Xung quanh chợ Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, rất nhiều người bày rau củ, trái thịt, cá đông lạnh ra bán, giao qua shipper và cả bán trực tiếp cho người mua. Trước chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, nhiều tiểu thương vẫn bán trái cây cho khách. Trong chợ, nhiều cửa hàng bày bán rau xanh, gia vị. Theo quy định, tiểu thương chỉ được bán hàng cho lực lượng đi chợ hộ nhưng các tiểu thương chợ này vẫn bán trực tiếp cho tất cả khách mua và không cần kiểm tra phiếu.
Ở một số cửa hàng tiện lợi như Bách Hóa Xanh, VinMart, nhiều khách hàng cũng đến mua hàng trực tiếp theo hình thức khách đứng bên ngoài, đưa danh sách thực phẩm, nhân viên soạn hàng, tính tiền rồi mang hàng ra đưa cho khách.
Tiểu thương chợ truyền thống dè dặt
Đa phần tiểu thương các chợ còn lo ngại dịch bệnh nên chưa kinh doanh trở lại qua hình thức trực tuyến (online). Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ An Đông, Q.5 - cho biết nhiều tiểu thương chợ này mong muốn được buôn bán trở lại hoặc bán qua hình thức online, nhưng cũng có tiểu thương chưa có nhu cầu bán lại ngay.
Còn ông Nguyễn Thanh Phước - Trưởng BQL chợ Minh Phụng, Q.6 - thông tin UBND quận chỉ đạo nắm bắt ý kiến tiểu thương để thí điểm cho một số ngành hàng thiết yếu hoạt động lại. Nhưng tiểu thương còn khá hoang mang, cho rằng dịch bệnh còn phức tạp và chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin nên chưa sẵn sàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch UBND Q.10 - cho hay mới đây, UBND quận đã đề ra phương án đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, dự báo kéo dài đến ngày 23/9/2021. Ngoài sáu siêu thị, 69 cửa hàng tiện lợi, người dân trong quận có thể mua hàng ở 250 cửa hàng tạp hóa, bách hóa, điểm bán rau củ quả tại khu chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ thông qua hình thức đi chợ hộ. UBND quận cũng cho phép hai chợ Nguyễn Tri Phương và Hòa Hưng hoạt động theo hình thức kinh doanh online, giao hàng qua lực lượng đi chợ hộ, ban quản lý chợ, ứng dụng Utop (chợ Nguyễn Tri Phương).
Tại rất nhiều tuyến đường, người bán đã đem hàng hóa ra đường bán ngay từ sáng ngày 9/9 |
Theo bà Thu Hường, lượng cung ứng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, điểm bán rau quả tại khu chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ là khoảng 10.000 đơn hàng/ngày, còn hai chợ truyền thống là 150 đơn/ngày: “UBND quận đang vận động các tiểu thương ra kinh doanh online hết, cung cấp các combo (gói) thực phẩm cho lực lượng đi chợ hộ nhưng nhiều tiểu thương còn lo lắng”.
Chợ đầu mối vẫn ít thương nhân
Mặc dù UBND TPHCM cho phép các chợ đầu mối lập điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhưng việc lập các điểm này còn tùy thuộc vào số lượng thương nhân đăng ký hoạt động. Hiện số lượng thương nhân đăng ký khá hạn chế do việc lưu thông vẫn còn nhiều trắc trở.
Chẳng hạn, sau hai đêm hoạt động, điểm trung chuyển tại chợ đầu mối Bình Điền vẫn chưa có nhiều thương nhân cũng như lượng hàng hóa giao dịch. Cụ thể, đêm 7/9, có khoảng chín vựa đủ điều kiện cho xe ra, vào điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trong chợ với khoảng 28 tấn hàng (9 tấn thủy hải sản, 19 tấn rau củ quả), đạt khoảng 14% so với dự kiến. Đêm 8/9, có 17 vựa hoạt động với 40,8 tấn hàng gồm rau củ quả, thủy hải sản, thịt heo, đạt chưa đến 30% so với khối lượng hàng đã đăng ký trước đó (khoảng 150 tấn). “Thương nhân, tiểu thương đang thăm dò thị trường và xem xét việc vận chuyển hàng hóa có thuận lợi không. Hy vọng số ô vựa, hàng hóa sẽ tăng dần vào các đêm tiếp theo” - đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền dự báo.
Ông Nguyễn Bình Phương - Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức - cho biết với diện tích tổ chức khoảng 8.500m2, BQL chợ đã sẵn sàng mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trở lại, nhưng mọi thứ phụ thuộc vào thương nhân. Trước ngày 23/8, chỉ một vài thương nhân hoạt động ở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa với lượng hàng ít do xung quanh chợ bị phong tỏa, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và thương nhân, nhân viên của họ cũng bị kẹt trong khu phong tỏa, không ra ngoài làm việc được.
“Chúng tôi đã liên lạc với thương nhân và đang chờ họ đăng ký để mở lại điểm tập kết, trung chuyển hàng. Thời gian hoạt động trở lại tùy thuộc vào lượng thương nhân và hàng hóa. Hiện chưa có thương nhân nào đăng ký tham gia. Có thể qua tuần sau, thương nhân sẽ đăng ký khi đã có sự chuẩn bị, có các đầu mối, bạn hàng. Việc giao, nhận hàng được tổ chức theo quy trình là thương nhân đăng ký trước về xe vào, người lao động tham gia và tất cả người tham gia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng COVID-19, có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành y tế” - ông Nguyễn Bình Phương thông tin.
Điểm trung chuyển tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã ngưng hoạt động từ ngày 23/8. Ngày 8/9, công ty quản lý và kinh doanh chợ này đã gửi văn bản đề nghị UBND và các cơ quan chức năng H.Hóc Môn xem xét, hỗ trợ để sớm đưa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa của chợ đi vào hoạt động. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, công ty đề xuất các cơ quan chức năng cấp giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên được công ty phân công quản lý, điều hành hoạt động của điểm tập kết, trung chuyển hàng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn - cho biết công ty cũng kiến nghị UBND huyện bố trí một tổ y tế cố định hỗ trợ việc xét nghiệm nhanh, xử lý các trường hợp liên quan đến các ca bệnh, các ca nghi nhiễm và hỗ trợ công an, dân quân tự vệ đảm bảo an ninh trật tự cũng như phòng, chống dịch tại chợ. Diện tích để tổ chức điểm trung chuyển, tập kết hàng khoảng 4.000 - 5.000m2. Bộ phận kinh doanh của chợ đang gấp rút liên hệ thương nhân, mời đăng ký tham gia. Các điều kiện để thương nhân, người lao động tham gia điểm trung chuyển tại chợ Hóc Môn cũng giống chợ Bình Điền và chợ Thủ Đức.
Ông Nguyễn Tiến Dũng đề xuất: “Nếu đưa điểm trung chuyển, tập kết hàng vào hoạt động, để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như việc lưu thông xe vào chợ, chúng tôi kiến nghị UBND huyện và cơ quan chức năng đóng chốt kiểm dịch ở đường số 2, mở chốt tại giao lộ Quốc lộ 22 - đường Nguyễn Thị Sóc, đồng thời giải quyết dứt điểm các điểm kinh doanh không đúng quy định ở các đường bao quanh chợ nhằm giữ vệ sinh môi trường và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch trong và ngoài chợ”.
Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa - Quốc Thái
Xem thêm: lmth.9845441a-peit-curt-gnah-nab-ihk-mahp-iv-hnaod-hnik-meid-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www