Anh Chiến trực chốt kiểm soát khu phong tỏa - Ảnh: MẠNH DŨNG
"Thật sự, tôi cũng không biết mình bị F0 do dính virus từ đâu? Có phải từ công việc thường xuyên hiện diện ở các khu phong tỏa, cách ly hay từ người đồng nghiệp bị nhiễm?" - anh Lê Phú Chiến, trưởng khu phố 2 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM), tâm sự về chuyện một ngày mình thành F0.
Tuy nhiên, anh cũng nói không băn khoăn việc "truy vết" ai đó làm gì. Bây giờ F0 ở khắp nơi, việc cần quan tâm nhất là phòng lây nhiễm, còn nếu lỡ lây nhiễm rồi thì tập trung vượt qua bệnh và phòng tránh lây lan cho người khác...
Khi tôi bị bệnh, bà con lối xóm ân cần hỏi thăm, gửi cho đủ thứ thuốc men, đồ ăn. Chính tình cảm này là liều thuốc quý giúp tôi mau lành bệnh.
Anh Lê Phú Chiến
Một ngày thành... F0
Quận Bình Tân, những ngày căng thẳng ở vùng đỏ dịch giã. Trời thành phố cuối hè cũng mưa nắng thất thường, mới khô ráo đó lại ướt đầm ngay đó khiến lực lượng phòng chống dịch càng thêm vất vả.
Làm việc ở cấp cơ sở gần nhất với dân, anh Lê Phú Chiến và các anh em bảo vệ khu phố bận bịu suốt ngày đêm với trăm việc có tên lẫn không tên.
Mọi chính sách, chỉ thị, quy định phòng chống dịch dù ở cấp cao nào thì cuối cùng đều phải xuống với dân để thực hiện ở cơ sở khu phố và các tổ trưởng.
Từ đầu mùa dịch, anh Chiến và các bạn đã lòng vòng... chở loa đi phát thanh những chương trình tuyên truyền phòng chống dịch khắp khu phố mình, rồi chuẩn bị cho tình huống có ca nhiễm ở địa bàn.
Không lâu sau, điều lo lắng nhất đã xảy ra. Quận Bình Tân có ca nhiễm, ổ nhiễm, rồi cả những chuỗi nhiễm mà nghiêm trọng nhất là từ một công ty may mặc rất gần nơi anh Chiến làm việc.
Công việc phòng dịch ở cấp cơ sở vốn đã quá tải lại càng căng thẳng hơn khi dịch bùng lan. Anh Chiến và tất cả anh em bảo vệ khu phố đều được huy động. Đủ thứ việc gần dân cần phải làm, nhưng chiếm nhiều thời gian là trực các chốt kiểm soát khu phong tỏa có ca nhiễm.
Thiếu người, họ phải thay nhau làm ca đêm, ca ngày cùng với công an, dân quân. Nhiều đêm, anh Chiến gần như thức trắng ở các chốt kiểm soát dù không có bóng người đi lại.
Ngoài trực chốt, anh Chiến và các bạn làm bảo vệ khu phố còn thường xuyên có mặt ở các gia đình có F0 để hỗ trợ phong tỏa, đưa đi cách ly, chữa trị, trao quà an sinh, phụ xét nghiệm tầm soát diện rộng.
Trong đó, việc xét nghiệm của các tình nguyện viên không thể thiếu mặt lực lượng bảo vệ khu phố như anh trong việc phát giấy mời dân, sắp xếp bàn ghế, giữ gìn trật tự, rồi dọn dẹp vệ sinh sau đó...
Trăm thứ việc cứ thế dồn dập cuốn họ cả ngày lẫn đêm. Anh Chiến đi giúp các trường hợp F0, rồi đến một ngày chính anh cũng thành F0 khi test nhanh ra kết quả dương tính.
Cùng lúc đó, anh Thông, một người bạn làm bảo vệ khu phố cùng với anh, cũng lắp bắp báo: "Tôi bị cộng rồi". May mắn là những thành viên còn lại đều âm tính.
"Nói hoàn toàn không lo lắng thì cũng không đúng. Nhưng sau khoảnh khắc sốc ban đầu, tôi đã bình tĩnh lại được và nghĩ ngay các biện pháp phòng tránh lây lan cho người khác, nhất là cha mẹ già, vợ con gần gũi với mình.
Lúc này, dịch đã bùng khắp thành phố, ngày nào cũng 5.000 - 6.000 ca nhiễm. Tôi không cố truy vấn ai lây cho mình, mà chỉ nghĩ mình phải cố gắng đừng lây cho ai nữa.
Tôi không làm được gì lớn lao thì chặn được nhánh lây nhiễm của chính mình là góp phần giảm gánh nặng cho ngành y tế, chính quyền" - anh Chiến tâm sự.
Dù mới là test nhanh dương tính, anh Chiến đã báo ngay với gia đình, địa phương và tự cách ly ở tiệm hớt tóc của người chị trên đường Tên Lửa (quận Bình Tân, đang đóng cửa vì dịch).
Anh kể cảm giác thật khó quên khi từng hỗ trợ đưa bao người đi cách ly, chữa trị, giờ lại tới mình tự cách ly.
Ở một mình trong tiệm hớt tóc nhỏ xíu, anh hồi hộp chờ đợi các lần xét nghiệm tiếp theo. "Phập phồng, hồi hộp. Cầu xin chút may mắn. Bởi phụ xét nghiệm tầm soát, tôi từng chứng kiến nhiều ca test nhanh dương tính, sau đó lại có kết quả âm tính" - anh Chiến kể.
Nhưng rồi kết quả xét nghiệm lần thứ 2 dương tính, lần thứ 3 cũng dương tính. Anh Chiến cẩn thận tự test nhanh tại nhà cũng dương tính.
Rồi, chắc chắn mình đã nhiễm bệnh. Kỳ lạ là lúc này tự nhiên anh không còn chút lo lắng nữa mà lại thật bình tâm. Anh gọi điện báo cho vợ con, cha mẹ biết 21 ngày nữa mình sẽ về, đừng lo lắng gì.
Chính thức bắt tay vào cuộc tự chữa trị cho mình, anh Chiến bình tĩnh lên kế hoạch từng chi tiết.
Đầu tiên là "an phận" ở yên trong nhà 3 tuần, không được làm gì có thể lây nhiễm cho người khác, kể cả nguy cơ từ rác thải của mình. Sau đó, anh chuẩn bị thức ăn và thuốc men - những thứ quan trọng nhất trong cuộc chiến với COVID-19.
Việc thứ ba cũng không kém phần quan trọng là anh ngồi nhớ lại các nội dung tuyên truyền vượt qua bệnh dịch này, đặc biệt là những trường hợp hết bệnh mà chính anh mắt thấy tai nghe. Đây là "liều thuốc" tinh thần rất quan trọng để những người F0 tự tin chiến đấu với bệnh tật...
Anh Chiến (giữa) trao thức ăn cho khu phong tỏa lúc chưa bị nhiễm - Ảnh: MẠNH DŨNG
Tấm lòng của bà con hàng xóm
"Đặc biệt, tôi còn có nguồn động viên mau hết bệnh khác là nghĩa tình của mọi người dành cho mình. Chính quyền phường quan tâm, hỏi han tình hình. Trung tâm y tế phường theo dõi sát diễn biến bệnh để giúp đỡ. Và cũng thật ấm áp với tình cảm của bà con hàng xóm..." - anh Chiến tâm sự thêm mình được cho rất nhiều thứ.
Người đem đến thuốc bổ, vitamin C. Người tìm mua giúp lá xông. Người cho chai mật ong, thậm chí tỉ mỉ đủ cả những củ tỏi, trái chanh... Điện thoại của anh mỗi ngày nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn thăm hỏi, chúc mau khỏe.
Bình tĩnh bước vào cuộc chiến với bệnh dịch nguy hiểm, anh Chiến có niềm tin mình sẽ chiến thắng.
Bởi thứ nhất, anh đã được chích ngừa một mũi trước đó một tháng và còn ở tuổi 35.
Thứ hai, anh không có bệnh nền khi mỗi năm đều hiến máu mấy lần và được kiểm tra sức khỏe rất kỹ.
Và thứ ba là anh vững tin rằng mình sẽ nằm trong số 80% người nhiễm COVID-19 có thể tự vượt qua như ngành y tế cho biết.
Thế rồi, nhanh chóng những ngày sau đó, các triệu chứng bệnh bắt đầu ập đến. Anh Chiến cũng cảm thấy mỏi mệt, ngứa cổ họng, hơi ho khàn, hơi nghẹt mũi, nhưng may mắn là tất cả đều nhẹ, không triệu chứng nào diễn biến trầm trọng.
Thậm chí, anh còn không bị sốt như đa số người khác. Ăn ngủ vẫn bình thường. Dù không phải uống thuốc hạ sốt, anh Chiến vẫn cẩn thận thực hiện đúng khuyến cáo của ngành y tế, uống đủ liều các viên vitamin C, D, kẽm.
Ngoài ra, anh Chiến còn thực hiện thêm các kinh nghiệm chữa trị của dân gian. Mỗi ngày anh đều uống mấy ly nước cam ấm pha mật ong, ăn thêm tỏi sống.
Đặc biệt là ngày nào anh cũng xông lá 3 lần, dù người thấy khỏe vẫn xông đều đặn suốt cả tuần, không bỏ cữ nào. Ăn cơm ngoài thịt cá, anh chú ý bổ sung thêm rau quả tươi để bảo đảm dinh dưỡng lành mạnh...
"Chỉ một tuần sau, tôi tự test nhanh đã có kết quả âm tính. Vui lắm, nhưng tôi vẫn tự nhủ cuộc chiến với bệnh của mình vẫn còn phía trước. Tôi vẫn cố ăn uống đầy đủ, vẫn xông lá, vẫn uống nước cam ấm pha mật ong..." - anh Chiến vui vẻ kể và cho biết liên tiếp các xét nghiệm sau đó đều cũng cho kết quả âm tính.
Thật mừng, tính ra cuộc chiến với dương tính của anh chỉ kéo dài trong một tuần. Một tin vui khác là anh Thông, người bạn làm cùng khu phố với anh, đã diễn biến bệnh nặng, phải vào bệnh viện nhưng cũng đã được xuất viện, khỏe mạnh trở về nhà.
Thực hiện đầy đủ thời gian cách ly theo quy định, anh Chiến lại tiếp tục tích cực tham gia phòng chống dịch ở cấp cơ sở khu phố, trao quà an sinh cho người nghèo.
Anh muốn chính mình là một trải nghiệm thực tế cho bà con thấy: phải thật cẩn thận phòng chống dịch bệnh, nhưng cũng đừng quá sợ hãi nó. Chẳng may bị nhiễm bệnh, hãy tự tin để vượt qua...
TTO - Mẹ và tôi được xếp một căn phòng trong căn hộ ở tầng 11 Bệnh viện dã chiến số 8. Cả khu tái định cư Bình Khánh, Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với rất nhiều tòa nhà đang trở thành khu bệnh viện dã chiến khổng lồ. Hàng vạn F0 đang ở đây.
Xem thêm: mth.19605240290901202-hnit-aihgn-couht-ueil-iouc-yk-0f-cac-auc-neihc-couc/nv.ertiout