Ông Ghulam Isaczai, đại sứ Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Sputnik dẫn lời đại sứ Ghulam Isaczai của Afghanistan phát biểu ngày 10-9 tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ nói rằng, có nhân chứng cáo buộc việc lực lượng Taliban tàn bạo và vi phạm nhân quyền.
"Họ đã tiến hành các vụ hành quyết có chủ đích, cắt đứt các đường dây liên lạc và áp đặt ngăn chặn hỗ trợ nhân đạo" - ông Isaczai nói trong lời kêu gọi Hội đồng Bảo an không công nhận bất cứ chính phủ nào ở Kabul, nếu đó không phải là một chính phủ toàn diện và "được thành lập trên cơ sở sự tự nguyện của người dân".
Lực lượng Taliban kiểm soát Afghanistan sau khi chiếm đóng thủ đô Kabul ngày 15-8, mới đây đã công bố một chính quyền lâm thời chỉ bao gồm các lãnh đạo của nhóm này và không có phụ nữ.
Đặc phái viên của LHQ về vấn đề Afghanistan, bà Deborah Lyons, cũng cho biết các nhân viên của cơ quan này tại Afghanistan bị quấy rầy, hăm dọa nhiều hơn dưới sự kiểm soát của Taliban.
"LHQ không thể không làm việc - công việc rất quan trọng đối với người dân Afghanistan - khi nhân viên bị đe dọa, lo sợ cho mạng sống của mình và không thể tự do đi lại" - bà Lyons nói.
LHQ cảnh báo Afghanistan đang đứng trước nguy cơ sụp đổ kinh tế khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Nói về vấn đề này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres dù không đề cập đến việc gỡ cấm vận và phong tỏa tài chính của Afghanistan ở nước ngoài, nhưng cho biết có thể có một số biện pháp giúp tháo gỡ cho nền kinh tế Afghanistan. Ông Guterres cũng kêu gọi quốc tế duy trì đối thoại với Taliban.
Dù đã nắm quyền, Taliban vẫn chưa thể tiếp cận được khối tài sản trị giá nhiều tỉ USD của Afghanistan đang bị đóng băng ở nước ngoài. Các nước đến nay vẫn chưa công nhận chính phủ lâm thời do lực lượng này lập ra.
Taliban cũng đối mặt với nhiều vấn đề an ninh khác. Ngày 9-9, phát biểu trong chuyến công du tại Kuwait, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo nhóm khủng bố al Qaeda có thể quay lại Afghanistan.
"Bản chất của al Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là tái sinh và phát triển dù ở đâu, dù đó là Somalia hay nơi nào vô chính phủ. Chúng sẽ luôn tìm chỗ để phát triển" - ông Austin nói.
Trong khi đó, tại thung lũng Panjshir, Taliban đang đối phó với sự kháng cự của các nhóm kháng chiến. Nhóm Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan tại khu vực này mới đây tố Taliban đuổi hàng ngàn người khỏi Panjshir và thanh trừng sắc tộc tại khu vực này.
TTO - 200 công dân nước ngoài, trong đó có người Mỹ, sẽ rời khỏi Kabul ngày 9-9 trên các chuyến bay thuê bao. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng lâm thời Mullah Mohammad Hasan Akhund phát đi các thông điệp ôn hòa.