Bà Deborah Lyons, đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Afghanistan hôm 9-9 đã kêu gọi thế giới giữ dòng tiền chảy vào Afghanistan bất chấp những lo ngại về chính quyền Taliban, hãng tin AFP cho hay.
Bà Lyons kêu gọi thế giới ít nhất hãy trao cơ hội cho Taliban vì Afghanistan hiện đang phải đối mặt với sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo đất nước vốn đã nghèo này có thể phải chịu một sự đổ vỡ lịch sử.
"Phải nhanh chóng tìm ra một phương thức cho phép dòng tiền chảy đến Afghanistan để ngăn chặn sự suy thoái hoàn toàn của nền kinh tế và trật tự xã hội" - bà Lyons phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.
Theo bà, nếu không làm vậy, "một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh đói nghèo, tạo ra một làn sóng lớn người tị nạn từ Afghanistan và khiến nền văn minh tại quốc gia này lùi lại nhiều thế hệ".
Người dân ngồi dọc một con đường bên ngoài một ngân hàng ở Kabul để chờ rút tiền vào ngày 4-9. Ảnh: AFP
Bà Lyons cho biết chính phủ mới của Afghanistan không có khả năng trả lương cho dân và cảnh báo về một cơn bão khủng hoảng khi đồng tiền mất giá, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh cùng tình trạng thiếu tiền mặt tại các ngân hàng tư nhân.
Các nhà tài trợ nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp cho Afghanistan hơn 75% chi tiêu công trong suốt 20 năm được phương Tây hậu thuẫn. Tuy nhiên họ đã nhanh chóng dừng các khoản thanh toán này khi chính quyền Kabul sụp đổ một tháng trước.
Cũng tại cuộc họp, đại diện phía Mỹ nói rằng mọi quyết định về viện trợ nhân đạo, bao gồm việc giải phóng khoản tiền 9,5 tỉ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan, sẽ phụ thuộc vào những hành động của Taliban, bao gồm cả việc cho phép người dân được rời khỏi nước an toàn.
Phản hồi lại, Trung Quốc cáo buộc chính những hành động như thế này của Mỹ đã khiến hoàn cảnh của người dân Afghanistan trở nên tồi tệ hơn.
"Những tài sản này thuộc về Afghanistan và nên được sử dụng cho Afghanistan, không phải là đòn bẩy cho các mối đe dọa" - phó đại diện thường trực phái đoàn Trung Quốc tại LHQ, ông Cảnh Sảng nói.
Các chiến binh Taliban mua sắm tại chợ Bush ở thủ đô Kabul. Ảnh: AFP
Trong khi đó, bà Lyons cho rằng "các biện pháp bảo vệ phải được tạo ra để đảm bảo rằng số tiền này được chi tiêu đúng nơi và không bị chính quyền mới sử dụng sai mục đích".
"Nền kinh tế tại Afghanistan cần được hỗ trợ thêm vài tháng nữa, cho phép Taliban có cơ hội thể hiện sự linh hoạt và ý chí thật sự của mình để làm những điều khác biệt lần này, đặc biệt là từ góc độ nhân quyền, bình đẳng giới tính và chống khủng bố” - bà Lyons nhận định.
Theo Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với 72% người dân sống với đồng luong không quá một USD mỗi ngày.
Phó Tổng Giám đốc UNDP Kanni Wignaraja cho biết con số này còn có thể tăng lên đến 97% vào giữa năm 2022 do nguồn tiền nước ngoài cạn kiệt và tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông này.
Đại sứ Afghanistan tại LHQ Ghulam Isaczai. Ảnh: SPUTNIK
Taliban vẫn có những hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền ở Afghanistan
Cũng trong cuộc họp, Đại sứ Afghanistan tại LHQ Ghulam Isaczai tiết lộ có những nhân chứng kể lại việc Taliban vẫn tiếp tục có những hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền ở Afghanistan dù đã hứa sẽ thay đổi, AFP đưa tin.
“Chúng tôi có các nhân chứng đã chứng kiến những hành động tàn bạo của Taliban với sự hỗ trợ của các lực lượng khủng bố, tình báo nước ngoài cùng lực lượng quân đội. Họ đã tiến hành các vụ hành quyết có chủ đích, cắt đứt đường dây liên lạc và áp đặt lệnh phong tỏa" - ông Isaczai nói.
Vì vậy, Đại sứ Isaczai kêu gọi HĐBA LHQ không công nhận bất kỳ chính phủ nào ở Kabul, “trừ khi họ thực sự được hình thành trên cơ sở ý chí tự do của người dân".
Ông cũng cho rằng HĐBA nên đánh giá lại cách tiếp cận của mình trong việc cấp miễn trừ lệnh cấm đi lại cho các tướng lĩnh Taliban bị trừng phạt sau khi họ không giải quyết được cuộc xung đột bằng các biện pháp hòa bình.