Sau giai đoạn trầm lắng vì hoạt động kinh doanh đình trệ, các chỉ tiêu tài chính bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh, nhiều cổ phiếu ngành hàng không đang bứt tốc trở lại nhờ hàng loạt thông tin tích cực. Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa từ đầu tháng 11 năm nay, cộng thêm việc Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến cho hàng khách xét nghiệm âm tính với nCoV và tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được bay một số chặng nội địa giúp nhiều cổ phiếu đầu ngành này nối dài mạch tăng.
HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sáng nay tăng hết biên độ lên 23.950 đồng, đứng thứ tư trong danh sách những mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index. Đây là phiên thứ tư liên tiếp cổ phiếu này đi lên và duy trì khối lượng giao dịch trên một triệu đơn vị.
Cổ phiếu của hai hãng hàng không khác là VJC (Vietjet Air) và VTR (Vietravel Airlines) lần lượt tăng 2,5% và 4,4% trong phiên sáng nay. ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, đơn vị vận hành 22 sân bay trong nước, cũng tăng 6,1% lên 83.500 đồng để xác lập vùng giá cao nhất từ đầu năm.
Cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không như AST – Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco, SAS – Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, SGN – Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn... đều có trạng thái hưng phấn. Mức tăng phổ biến của nhóm này là 1,5-4%, riêng SAS đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM nên biên độ dao động giá sáng nay vọt lên 9,1%.
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, xu hướng của cổ phiếu ngành hàng không trong ngắn và trung hạn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh trong nước. Nếu các địa phương tiếp tục siết giãn cách xã hội, ngành hàng không buộc "đóng băng", giá trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi ngang hoặc lao dốc. Nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có nhu cầu tích luỹ để chờ tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính trong nửa cuối năm nay, hàng không là nhóm doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lỗ với khoảng 450 tỷ đồng và tăng trưởng âm 192% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, nhóm nay sẽ có doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng năm 2022, đứng đầu về mức tăng trưởng doanh thu trong tất cả nhóm ngành với 110% và có lãi khoảng 2.140 tỷ đồng.
"Chúng tôi kỳ vọng thị trường hàng không trong nước sẽ cần hai năm để phục hồi hoàn toàn từ mức thấp của năm nay, trong khi thị trường quốc tế có thể cần đến ba năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế sẽ nhanh hơn rất nhiều so với thị trường nội địa trong thời gian sau đó", nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Bên cạnh vận tải hành khách, hoạt động vận tải hàng hoá bằng đường hàng không cũng được kỳ vọng diễn biến khả quan hơn khi khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến tăng 8% (theo WTO) do các nền kinh tế sẽ mở cửa sau khi triển khai vaccine toàn cầu. Giá cước vận tải container bằng đường biển đã tăng mạnh nhưng nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng cũng là cơ hội cho vận tải bằng đường hàng không trong thời gian tới.
Phương Đông