Tập đoàn viễn thông Thụy Điển Ericsson sẽ dừng hoạt động một trong năm trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc và chuyển 630 nhân viên sang một đối tác, hai nguồn tin cho biết. Công ty này đang nhanh chóng mất thị phần trong thị trường 5G ở Trung Quốc vào tay những đối thủ trong nước như Huawei.
Một người cung cấp tin giấu tên cho biết nhân viên làm việc tại trung tâm ở Nam Kinh, thành lập năm 2001, đã nhận được đề nghị chuyển sang làm cho TietoEVRY, một công ty cung cấp phần mềm có văn phòng tại Trung Quốc.
TietoEVRY đã đồng ý trả lương tương đương cho các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quyết định này, theo nguồn tin. Các nhân viên từ chối đề nghị sẽ được hưởng một gói bồi thường nghỉ việc.
Nguồn tin thứ hai cho biết nhà máy 5G của Ericsson ở Nam Kinh - một công trình có ý nghĩa chứng minh năng lực 5G của hãng này - sẽ không bị ảnh hưởng.
Trong một email gửi đến báo South China Morning Post vào ngày 9/9, Ericsson xác nhận sẽ bán mảng nghiên cứu sản phẩm và hoạt động phát triển tại Nam Kinh cho TietoEVRY, có hiệu lực từ ngày 1/11/2021. Tất cả các nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được nhận đề nghị làm việc từ TietoEVRY, theo email trên.
Việc đóng cửa trung tâm nghiên cứu tại Nam Kinh có nghĩa là Ericsson còn 4 trung tâm nghiên cứu lớn khác tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thành Đô. Theo thông tin từ công ty, 5 trung tâm đã có hơn 5.000 nhân viên và chi tiêu nghiên cứu và phát triển lên tới 3 tỷ NDT (464 triệu USD).
Ericsson, từng có thời là một công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn tại Trung Quốc, cho biết trong tháng 7 vừa qua lợi nhuận QII/2021 ở Trung Quốc của công ty giảm 60% so với năm ngoái.
Trước đó, Ericsson đã cảnh báo rằng hoạt động kinh doanh của công ty này ở Trung Quốc có thể bị căng thẳng địa chính trị đe dọa nếu giới chức Thụy Điển quyết định cấm Huawei cung cấp thiết bị cho hạ tầng mạng 5G của Thuỵ Điển. Bản thân Ericsson đã vận động hành lang trong nhiều tháng để chống lại quyết định cấm này.
Vào tháng 7 vừa qua, Ericsson đã nói rằng công ty sẽ không còn trông chờ vào các lời mời thầu 5G tại Trung Quốc mà trước đó công ty này kỳ vọng sẽ thắng, theo Reuters.
Trong một diễn biến khác báo hiệu việc các công ty thiết bị viễn thông nước ngoài đang mất đi thị phần ở Trung Quốc vào tay các đối thủ trong nước, Ericsson và Nokia chỉ thắng được một số phần nhỏ trong số các hợp đồng xây dựng các trạm gốc mạng 5G 700 megahertz, được đặt hàng bởi China Mobile và China Broadcasting Network (CBN).
Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn đầu tháng này, Chủ tịch và CEO của Ericsson đã nói với Reuters rằng công ty sẽ không dễ dàng từ bỏ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, nơi Ericsson đã có mặt được 120 năm.
Trung Quốc là thị trường 5G lớn nhất trên thế giới, với gần 1 triệu trạm gốc 5G đang hoạt động trong nửa đầu năm nay.
Tùng Phong (Dịch từ SCMP)