Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL, qua soát xét và đánh giá tình hình thực tế của địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15, cho phép hàng loạt ngành nghề kinh doanh mở cửa trở lại để kinh doanh kèm theo những điều kiện phòng dịch cụ thể. Đồng thời, vùng xanh ở các tỉnh dần được mở rộng thêm.
Sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm thủ công từ xơ dừa tại Trà Vinh.
Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Bến Tre: Nới lỏng trong vùng xanh, giữ chặt ở vùng ngoài
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 10-9, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho hay tính đến ngày 8-9, đánh giá nguy cơ theo Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia thì trên địa bàn tỉnh, số xã nguy cơ cao chỉ có hai, bảy xã thuộc nhóm rất nguy cơ và chín xã thuộc nhóm nguy cơ. Riêng số xã vùng xanh là 139.
Từ cơ sở này, từ ngày 10-9, tỉnh Bến Tre quyết định nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 ở sáu huyện, TP vùng xanh gồm: TP Bến Tre, các huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc.
Người dân vùng xanh được đi lại trong phạm vi các xã vùng xanh, kể cả các xã vùng xanh liên huyện, TP. Nếu trường hợp thật cần thiết đi đến vùng vàng, vùng cam thì khi trở về phải có giấy xác nhận test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ và tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày.
Theo ông Trần Ngọc Tam, để đạt được mục tiêu đến ngày 15-9, tỉnh sẽ trở về trạng thái bình thường mới, hiện tỉnh đang nới lỏng giãn cách bên trong nhưng quản lý chặt chẽ từ bên ngoài bằng các biện pháp tăng cường kiểm soát, chốt chặn không cho người bên ngoài vào tỉnh làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, ở các chốt cửa ngõ quản lý chặt chẽ hơn người từ nơi khác vào địa bàn tỉnh.
Nhiều tỉnh nới lỏng giãn cách Tại Hậu Giang, đến nay có 43/75 xã, phường, thị trấn được công nhận là vùng xanh, trong đó huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh có 100% đơn vị cấp xã được công nhận. UBND tỉnh này cũng đã ra quyết định nới lỏng giãn cách TP Ngã Bảy và TP Vị Thanh. UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho phép tám địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, đó là TP Phú Quốc và các huyện U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải. Tám địa phương này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 7-9. Tại Tiền Giang, bốn huyện gồm: Cai Lậy, Gò Công Tây, Tân Phước và Tân Phú Đông áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 31-8 đến hết 15-9. |
Trà Vinh: Doanh nghiệp trở lại hoạt động
Trong khi đó, trao đổi với PV cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết từ đầu tháng 9, Trà Vinh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các DN trước khi quay trở lại hoạt động phải được kiểm tra, đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch trong sản xuất. Khi tổ chức sản xuất trở lại, DN phải tuân thủ nghiêm các quy định, điều kiện, phương án tổ chức sản xuất do các cơ quan chức năng ban hành, tuân thủ quy mô sản xuất được phê duyệt.
Cụ thể, giai đoạn 1, thời gian dự kiến bắt đầu hôm nay (11-9), các DN sản xuất theo phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến” trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Giai đoạn này, DN có số lượng trên 500 lao động được sử dụng tối đa 50% số lao động hiện có; còn DN có dưới 500 lao động được sử dụng số lượng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất nhưng tối đa không quá 250 lao động. Các tháng tiếp theo, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện của DN, chủ tịch UBND tỉnh xem xét, có quyết định cụ thể đối với từng DN.
Giai đoạn 2, DN sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát, trở về trạng thái bình thường mới. Thời điểm này, Trà Vinh yêu cầu DN chỉ sử dụng người lao động đã được tiêm vaccine. Ngoài ra, người lao động phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu làm việc. Cùng với đó là hai lần kết quả xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau từ năm ngày, trong đó lần gần nhất trước khi làm việc tại DN không quá hai ngày.
“Việc tổ chức hoạt động trở lại của các DN, qua đó từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động, khôi phục môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh tại các DN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài” - chủ tịch tỉnh Trà Vinh cho biết thêm.
Một số tỉnh dần nới lỏng giãn cách, có kế hoạch Sau một thời gian áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách để phòng chống lây nhiễm COVID-19, nhiều tỉnh/thành đã đạt được những kết quả tích cực như số ca nhiễm giảm dần, tỉ lệ phủ vaccine được nâng lên… Từ đó các địa phương đã lên kế hoạch mở cửa dần lại những hoạt động kinh tế - xã hội cho người dân, doanh nghiệp. Tại Bình Dương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Dầu Một hôm qua (10-9) đã chính thức công bố TP là vùng xanh. Chợ, siêu thị và các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép bán mang về.
Sau khi công bố vùng xanh, người dân trên địa bàn sẽ được lưu thông trong phạm vi phường. Đáng chú ý, những người đã tiêm vaccine mũi 1 sau 14 ngày và những người đã tiêm hai mũi vaccine được phép lưu thông trên địa bàn TP nhưng phải có giấy tờ hợp lệ. Các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở kinh doanh ăn uống (bán mang về) được phép hoạt động trở lại… Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc cho biết tuy được nới lỏng nhưng TP vẫn áp dụng Chỉ thị 16, đồng thời tiếp tục khóa chặt và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực xanh đã được thiết lập. TP cũng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc các khu vực giáp ranh, khu vực có nguy cơ cao, nhà trọ, khu công nghiệp, vùng giáp ranh để bóc tách nhanh F0, không để phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây; thu hẹp và xóa các điểm đỏ, cam, vàng, mở rộng vùng xanh trên toàn địa bàn. Tại Đồng Nai, theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, sau khi thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về xét nghiệm diện rộng toàn tỉnh và kế hoạch xét nghiệm diện rộng bổ sung của các huyện, TP, toàn tỉnh cơ bản đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm cộng đồng. Hầu hết ổ dịch cũ đã thu hẹp quy mô ở cụm dân cư, một khu nhà trọ. CDC Đồng Nai cho rằng việc kéo dài phong tỏa diện rộng toàn bộ xã, phường đến thời điểm này không còn phù hợp bởi các hộ gia đình trong các khu phong tỏa đã cơ bản sạch nguồn lây nhiễm. Nếu vẫn bị phong tỏa chung với các ổ dịch sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Việc phong tỏa rộng cũng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho công tác xét nghiệm tầm soát không cần thiết... Do đó, CDC Đồng Nai đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các huyện, TP tổ chức rà soát các ổ dịch cũ còn ca nhiễm qua các vòng xét nghiệm, các ổ dịch mới phát hiện để đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại mỗi ổ dịch. Trên cơ sở đó đề xuất những khu vực cần tiếp tục phong tỏa. Còn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định khi cơ bản kiểm soát được dịch sẽ mở cửa dần dần đi kèm với đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tỉnh cũng đặt mục tiêu với các địa phương giãn cách theo Chỉ thị 16, cố gắng trong một tuần nữa kiểm soát được dịch bệnh, tuần tiếp theo cố gắng đưa trở lại vùng xanh (chỉ còn thị trấn Long Hải, xã Phước Hưng, huyện Long Điền là vùng cam, vùng vàng). Trong đó, thực hiện giãn cách triệt để, kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm, quản lý vận chuyển hàng hóa, tiêm vaccine… Về vấn đề mở cửa, phục hồi nền kinh tế - xã hội, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tiễn địa phương từ đây tới cuối năm 2021. Về phòng vaccine, đến nay tỉnh mới nhận được 249.880/1.563.924 liều dự kiến được phân bổ trong năm 2021. Do đó, lãnh đạo tỉnh mong muốn sớm được trung ương phân bổ thêm nguồn vaccine theo kế hoạch để tiêm cho tất cả nhóm đối tượng. NHÓM PV |