Sáng 9-9, người thân của tôi nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là công an hình sự tỉnh An Giang thông báo có thể bị truy tố vì thiếu tiền điện quá hạn 85 triệu đồng.
Nhà tôi trả tiền điện đầy đủ hằng tháng, theo hình thức nhân viên đến tận nhà thu tiền (kể cả thời điểm giãn cách theo chỉ thị 15, 16). Biết đang nhận được cuộc gọi lừa đảo nên người thân tôi cúp máy liền.
Liền sau đó có ngay cuộc gọi đến từ một số lạ khác. Tôi thử bắt máy, thật bất ngờ khi bên kia là một giọng gắt gỏng: "Tại sao tôi gọi liên hệ làm việc quan trọng mà anh dám tắt máy?".
Người này nói đúng tên tuổi, năm sinh, địa chỉ của người trong nhà tôi. Người này nói: "Anh đang nợ tiền điện quá hạn nhưng không thấy liên hệ với công ty điện lực để thanh toán.
Chúng tôi sẽ phải gửi hồ sơ của anh sang cơ quan công an để giải quyết, đề nghị anh chuyển tiền gấp để thanh toán tiền điện trước khi công an thụ lý hồ sơ.
Hoặc nếu không tiền sẽ khấu trừ ngay vào tài khoản ngân hàng. Thời hạn là trong hôm nay phải có mặt tại công an tỉnh giải quyết...".
Để tạo lòng tin, người này tự xưng đang công tác tại phòng lưu trữ công an tỉnh, chỉ cần đến hỏi bảo vệ sẽ chỉ lên phòng làm việc với anh ta (!?)... Ngắt cuộc gọi, tôi liên hệ ngay với nhà mạng báo cáo hai số máy lạ có dấu hiệu lừa đảo.
Chiêu trò mạo danh cơ quan chức năng hù dọa kiểu này không lạ, từng xảy ra nhiều nơi, nhiều người mất tiền vào tài khoản kẻ gian.
Gần đây, An Giang quê tôi, nhiều người nhận được cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực, thanh tra ngành điện gọi điện hù dọa thuê bao. Nhưng việc mạo danh cơ quan công an hù dọa... đòi tiền điện thì tôi là người trong cuộc cho thấy sự liều lĩnh của những kẻ lừa đảo!
Nhiều vụ đã được phản ánh kẻ gian gọi đến số máy khắp các tỉnh thành, thông báo số nợ hàng chục triệu đồng từ khắp các tỉnh từ thủ đô về đến thôn quê, miền núi.
Kẻ gian thường chọn là các doanh nghiệp nhỏ, số tiền điện vài chục triệu/tháng, nhu cầu sử dụng điện 24/24 để sản xuất, phục vụ kinh doanh.
Nhưng nay thực tế cho thấy ai cũng có thể bị là "con mồi". Dù không mắc lừa, kẻ gian cũng gây phiền hà, hoang mang cho khách hàng sử dụng điện, điện thoại.
Theo cảnh báo từ EVN, nếu nhận được cuộc gọi mạo danh "điện lực" hoặc xưng danh là "công ty điện lực" cần thông báo ngay cho ngành điện để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khách hàng không nên cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mọi người cần bình tĩnh, thận trọng hơn với chiêu lừa mạo danh cơ quan công an hù dọa để chiếm đoạt tiền. Nhưng nhà mạng cùng cơ quan chức năng cũng cần chủ động có biện pháp hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn, hạn chế hoạt động của loại tội phạm này.
TTO - Giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát, người dân tại TP.HCM lại tiếp tục nhận được các cuộc gọi giả danh điện lực thông báo nợ tiền điện với số tiền lớn, đe dọa cắt điện... thậm chí còn yêu cầu bấm số để “gặp công an”.
Xem thêm: mth.54810801111901202-neid-neit-ueiht-iougn-ot-yurt-aod-na-gnoc-hnad-aig/nv.ertiout