Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh chuẩn bị mở cửa trở lại
Tại TP Hồ Chí Minh, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, sau 3 tháng tạm dừng hoạt động, một số cơ sở kinh doanh đã chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại.
"Một vài ngày nữa mới có thể sắp xếp được từ nhân lực, phục vụ, hay vấn đề giao hàng qua shipper. Đó cũng là một vấn đề, bởi chúng tôi là cơ sở nhỏ khi đăng ký shipper, chi phí cao, nhiều khi họ cũng không nhận", chị Trần Thị kim Phượng (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Các cơ sở kinh doanh chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ shipper phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Hiện nay phường cũng đã đi tuyên truyền cho người dân, thứ hai là triển khai công tác thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trên đại bàn phường theo quy định đề ra. Những cơ sở không đảm bảo theo quy định sẽ bị xử lý", bà Cù Thoại Vy, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, cho biết.
Doanh nghiệp tại Hà Nội dần khôi phục sản xuất sau quy định phân vùng
Còn tại Hà Nội, việc phân vùng để kiểm soát dịch bệnh của thành phố đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại "vùng xanh" được sớm hoạt động trở lại.
Ghi nhận tại một cơ sở sản xuất ở huyện Thạch Thất, tiếng máy móc đã rộn ràng hơn, đa phần lao động đã bắt kịp tiến độ công việc sau khoảng thời gian vắng bóng.
Hoạt động sản xuất tại Hà Nội đã dần trở lại (Ảnh minh họa: NLĐ)
"Doanh nghiệp của chúng tôi có đến gần 100% lao động là người ở địa phương nên việc cấp giấy đi đường không gặp khó khăn gì. Tôi cũng nghĩ rằng trong một thời gian ngắn, chúng tôi sẽ phục hồi được sản xuất", anh Chu Kiến Đảo, Giám đốc Công ty TNHH Kiến Hưng, cho hay.
"Các hoạt động trên địa bàn đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các công trình xây dựng, các hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại từ 6h sáng hôm qua đến nay đạt khoảng 60%", Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết.
PV: Có thể thấy, ngay khi các địa phương cho phép, doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay đưa hoạt động sản xuất kinh doanh bắt nhịp trở lại. Việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa như thế nào với các doanh nghiệp vào thời điểm này?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Trong 8 tháng đầu năm, trên 85.000 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Đây là mức doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động lớn nhất trong lịch sử. Mức này tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đang hoạt động đều đang trong tình trạng suy kiệt và khó có khả năng trụ vững trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp trên thực tế đã "chết lâm sàng". Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tài khóa, an sinh xã hội, việc mở cửa thị trường chính là gói giải pháp kích thích kinh tế lớn nhất. Có thể coi nó là chiếc máy trợ thở hồi sức cấp cứu lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là việc chúng ta phải làm ngay trước khi quá muộn".
PV: Theo chia sẻ của ông, việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế lúc này được ví như máy trợ thở hồi sức cấp cứu lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng liệu các điều kiện đã thực sự chín muồi để chúng ta làm được việc này?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Tôi cho rằng việc mở cửa toàn bộ chắc chắn chưa phải là thời điểm thích hợp vì nó còn phụ thuộc vào mức độ bao phủ của việc tiêm chủng vaccine và diễn biến của dịch bệnh. Nhưng nếu mở cửa từng bước, phải bắt đầu khẩn trương ngay từ lúc này. Quan điểm của tôi là giờ không phải lúc chúng ta nói về các kế hoạch chuẩn bị cho việc mở cửa, đây là lúc chúng ta hành động. Các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh thì phải mở cửa trên diện rộng, phải thúc đẩy ngay các hoạt động của doanh nghiệp. Các địa phương còn khó khăn thì phân vùng, phân tích các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để mở cửa cục bộ. Chúng ta cần cho phép người lao động và người dân sau khi đã tiêm vaccine được đi lại".
PV: Quý 4 được đánh là cơ hội để doanh nghiệp có thể phục hồi khi nhu cầu hàng hóa trên thị trường tăng cao. Tuy nhiên để kịp thời nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn như thế nào?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Các biện pháp hạn chế không cho phép doanh nghiệp mở cửa là trở ngại lớn nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp đã bị đứt gãy khả năng thanh khoản. Vì vậy cần các biện pháp mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho việc kinh doanh và các giải pháp trợ giúp về khả năng tài chính cho doanh nghiệp".
Đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2, doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất hồi phục
Điều kiện quan trọng sẵn sàng cho một quy trình an toàn khi vận hành lại nền kinh tế là thế chủ động trong "trạng thái bình thường mới" của các doanh nghiệp. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Mimh cho thấy, hiện nay khoảng 84% số doanh nghiệp đã hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 1.
Trong tuần này và tuần sau, nhiều đơn vị đang triển khai tiêm mũi 2 cho công nhân. Với việc triển khai tiêm đầy đủ liều vaccine, nhiều hiệp hội doanh nghiệp kỳ vọng tỷ lệ doanh nghiệp có thể hoạt động sẽ tăng lên đáng kể.
Sản xuất "3 tại chỗ" khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, rơi vào khoảng hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có thể hoạt động hiện nay cũng chỉ ở mức 30%. Do vậy, một số hiệp hội tính toán nếu giải quyết vấn đề vaccine, số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất sẽ tăng lên rõ rệt.
"Tại một số doanh nghiệp, công nhân đã được tiêm mũi 1. Nếu doanh nghiệp tiêm vaccine ổn, đạt tiêu chuẩn như thành phố đưa ra, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có thể tăng lên 50%", bà Huỳnh Thị Mỹ (Hiệp hội Nhựa Việt Nam) cho biết.
Trong 8 tháng đầu năm, trên 85.000 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc giải thể (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đối với các doanh nghiệp trong nhóm sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, tỷ lệ công nhân đã tiêm xong mũi 1 đạt mức cao và đang xúc tiến chậm nhất là tuần sau công nhân có thể hoàn thành mũi 2.
Đáng chú ý hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang đóng góp bộ tiêu chí cho thành phố về điều kiện sản xuất mới. Nếu đáp ứng được bộ tiêu chí, các hiệp hội cũng dự báo kịch bản hồi phục từng bước.
"Với điều kiện mới nhanh chóng đưa được vào, nâng tỷ lệ sản xuất lên dần 30%, lên 60 - 70%, sau đó tiếp tục lên nữa. Đó là đối với nhóm doanh nghiệp đang sản xuất "3 tại chỗ". Còn đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" bắt đầu khởi động lại, áp dụng theo dự thảo tiêu chí, sẽ bắt đầu với tỷ lệ 30 - 40% năng suất", Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho hay.
Không chỉ tại Việt Nam bài toán mở cửa song hành với kiểm soát dịch bệnh cũng đang là chủ đề quan tâm tại nhiều quốc gia. Trước đây, các nước Đông Nam đi theo chiến lược loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh. Tuy nhiên trong tình hình mới, họ đang thực hiện từng bước việc mở cửa nền kinh tế.
Như tại Singapore, các chiến dịch tuyên truyền đang hướng đến một xã hội bình thường mới với COVID-19. Tự do đi lại không cần cách ly hay dần nới lỏng giãn cảnh xã hội là viễn cảnh tươi sáng chính quyền Singapore hứa hẹn mang đến cho người dân, trong nỗ lực khuyến khích tiêm chủng hướng tới chiến lược sống chung với COVID-19.
Kinh tế Singapore đối mặt với suy thoái sâu nhất lịch sử
Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Singapore cảm nhận rõ rệt hệ quả của biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm phòng chống dịch COVID-19. Bởi đây là trung tâm thương mại và kinh tế quan trọng nhất của Đông Nam Á. Sự giàu có và thịnh vương của Singapore phụ thuộc vào sự cởi mở của nền kinh tế này.
Theo dữ liệu từ Oxford Economics, kể từ khi biên giới đóng cửa, sân bay Changi, sân bay nổi tiếng bận rộn hàng đầu thế giới chỉ hoạt động với 3% công suất trước đại dịch. Singapore phải đối mặt với cuộc suy thoái sâu nhất trong lịch sử. Chính phủ nước này đã phải chi ra 100 tỷ USD, tương đương 20% GDP để hỗ trợ nền kinh tế.
Singapore chọn "sống chung với COVID-19"
Thấu hiểu những khó khăn nền kinh tế và người dân đang phải đối mặt, cộng với những nghiên cứu về dịch bệnh, Singapore đã thay đổi chiến lược. Đảo quốc sư tử trở thành quốc gia đầu tiên từ bỏ ước mơ loại trừ hoàn toàn COVID-19, thay vào đó chọn chiến lược "sống chung với COVID-19".
"Chúng ta không thể nào đưa số ca nhiễm COVID-19 giảm về 0, kể cả khi chúng ta có giãn cách xã hội lâu đến nhường nào đi nữa. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị đón nhận COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu tại địa phương, như cúm hoặc thủy đậu", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Trạng thái bệnh đặc hữu là có độ phủ vaccine cao và tỷ lệ ca bệnh nặng thấp, giống như các bệnh vẫn thường gặp khi giao mùa, chẳng hạn như bệnh sốt xuất huyết tồn tại tại Singapore trong nhiều thập kỷ qua. Hàng năm, Singapore vẫn phải chi hàng chục triệu USD để tiêu diệt muỗi và xử lý ngay các ổ dịch sốt xuất huyết. Cách tiếp cận tương tự có thể sẽ được áp dụng với COVID-19.
Quyết định sống chung với COVID-19 được đưa ra trong bối cảnh Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
CNN nhận định, đây là một kế hoạch táo bạo có thể trở thành khuôn mẫu cho các quốc gia khác muốn trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục đi lại và du lịch, mang lại hy vọng cho những người dân mong muốn cuộc sống của họ trở lại như cũ, sau hơn 18 tháng hạn chế do đại dịch.
Điều kiện tiên quyết để Singapore tiến hành chiến lược sống chung với COVID-19 là đạt tỷ lệ dân số tiêm vaccine cao. Singapore tiến hành chiến lược này theo 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 hay giai đoạn chuẩn bị bắt đầu từ 10/8, Singapore nới lỏng giãn cách xã hội cho phép nhóm 5 người được tụ tập, cho phép nhập cảnh người lao động và người đi theo đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Hầu hết các bệnh nhân F0 thể nhẹ được chăm sóc tại các y tế cộng đồng hay ở nhà thay vì vào viện.
Giai đoạn 2 hay giai chuyển tiếp A dự kiến bắt đầu vào tháng 9. Khi đó, Singapore sẽ mở cửa kinh tế nhiều hơn, cho phép tăng quy mô các sự kiện và nới lỏng kiểm soát biên giới. Nước này cũng mở rộng xét nghiệm nước thải để phát hiện sớm các cụm dịch.
Giai đoạn 3 hay giai đoạn chuyển tiếp B, Singapore tiếp tục mở cửa hơn. Tiếp sau là giai đoạn 4, gia đoạn sống chung với COVID-19.
Singapore tiến hành mở cửa thận trọng, từng bước một, vừa làm vừa đánh giá xem tác động như thế nào để có sự điều chỉnh kịp thời.
Cho đến thời điểm này, Singapore đã qua giai đoạn 1 và đang chững lại, chưa bước sang giai đoạn 2 do số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh.
Số ca mắc COVID-19 tại Singapore tăng mạnh
Hiện Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới, khi chỉ trong hơn tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày đã tăng vọt.
Ngày 9/9, Singapore ghi nhận 450 ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên chỉ có 6 ca mắc trong tình trạng nguy kịch phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực. Nhiều ca trong số này là do chưa tiêm vaccine COVID-19.
Nhiều tờ báo địa phương đặt câu hỏi: "Liệu Singapore có phải đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại ở trong nước?". Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, kiêm người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19 cho biết nước này vẫn giữ nguyên mức độ mở cửa
"Không nhất thiết phải thắt chặt các biện pháp hạn chế. Việc đóng cửa nền kinh tế chỉ là phương sách cuối cùng. Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ động thái mở cửa mới nào vào thời điểm này, bởi có độ trễ về thời gian từ lúc bắt đầu các ca mắc tới khi bệnh trở nặng. Vì vậy, chúng tôi muốn dành thêm thời gian để đánh giá tình hình", Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong nhận định.
Cách tiếp cận mới của Singapore gặp phải không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt đối với những người lo lắng tình hình có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát khi nhanh chóng thúc đẩy mở cửa nền kinh tế trở lại.
Người dân đi bộ ở một công viên tại Singapore ngày 3/6/2021. (Ảnh: CNA)
Đại diện Chính phủ Singapore đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này không mở toang một lúc, mà mở cửa dần dần, từng bước, theo lộ trình, mở đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm điều chỉnh và luôn kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Lúc này, Singapore đang điều chỉnh lại chiến lược. Trước hết là phải kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần này, đánh giá xem mức độ bùng phát đến đâu thì hệ thống y tế nước này có thể chấp nhận được và từ đó quyết định bước đi mở cửa tiếp theo.
Có thể thấy, Singapore mở cửa trước hết nhằm phục hồi ngành du lịch và hàng không, sự đứt gãy chủ yếu ở 2 lĩnh vực này. Nếu mở cửa được, Singapore đón nhận thêm nhiều khách du lịch, tổ chức nhiều hội nghị hội thảo quốc tế quy mô lớn, hàng không dần được phục hồi và kèm theo đó là các dịch vụ đi kèm. Người dân cũng mong mở cửa để được đi du lịch.
Tuy nhiên, với biến thể Delta, không nước nào có giải pháp trọn vẹn. Singapore cũng vậy. Họ sẽ thận trọng từng bước để đi đến mục tiêu sống chung với COVID-19.
Thái Lan mở cửa trở lại Bangkok và nhiều điểm du lịch nổi tiếng vào tháng 10
Bên cạnh Singapore, một quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đi theo chính sách "sống chung với COVID-19". Thái Lan đã từng bước xây dựng lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh nội địa, cũng như lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, nhằm hồi sinh ngành du lịch bị tàn phá nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 1/9 vừa qua, Thái Lan đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại 29 tỉnh, thành phố trong khu vực màu đỏ sậm, tức vùng kiểm soát khắt khe và tối đa, trong đó có thủ đô Bangkok.
Các trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc, tiệm làm đẹp, massage và các câu lạc bộ thể thao tại 29 tỉnh thành phố đã được phép hoạt động trở lại. Trong khi đó các nhà hàng ăn uống có thể lại mở cửa đón khách với 50% công suất nếu có điều hòa và 75% công suất nếu không có điều hòa. Các dịch vụ này sẽ phải đóng cửa lúc 20h hàng ngày.
Từ 1/10, du khách quốc tế đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 sẽ có thể tới Bangkok và 4 tỉnh khác. (Ảnh: EPA-EFE)
Khách hàng tới những cơ sở này sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng 2 mũi vaccine COVID-19 hoặc chứng nhận âm tính mới nhất.
"Khi tôi đi tới đây, tôi không thể tin rằng chúng tôi có thể trở lại bình thường. Tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra, vì chúng tôi đã sống với COVID quá lâu. Thật thư giãn khi trở lại đây", bà Pornthip Thiensanthiranon, người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan, chia sẻ.
Hiện Thái Lan chia thành 3 vùng kiểm soát dịch: đỏ đậm là vùng kiểm soát khắt khe và tối đa gồm 29 tỉnh, thành phố; đỏ là vùng kiểm soát khắt khe, gồm 37 tỉnh; cam là vùng kiểm soát, với 11 tỉnh.
Với những vùng đỏ và cam, các hoạt động kinh doanh như nhà hàng, phòng gym, cơ sở làm đẹp vẫn được hoạt động theo hướng dẫn. Khác nhau chỉ là số lượng người được tụ tập ngoài trời, tối đa từ 50 - 100 người.
Còn đối với việc mở cửa du lịch quốc tế, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan ngày 9/9 cho biết, nước này có kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại Bangkok và các điểm du lịch nổi tiếng khác từ tháng 10 tới.
4 địa điểm: Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sẽ được bổ sung vào danh sách triển khai chương trình kích cầu du lịch, trong đó khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine COVID-19 và tiến hành một loạt xét nghiệm có thể được đến thăm các địa điểm này. Chương trình trên vốn đang được áp dụng tại các đảo Samui và Phuket.
Từ ngày 15/1/2022, Thái Lan cũng sẽ thực hiện chính sách bong bóng du lịch với các nước làng giềng.
PV: Trước sự phức tạp của biến chủng Delta, Thái Lan hay Singapore đều các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng khi mở cửa họ vẫn khá thận trọng. Việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm này phải cần tính đến mọi tình huống có thể xảy ra như thế nào?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Mở cửa có nghĩa là sống chung với COVID-19. Mở cửa có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận rủi ro, nhưng rủi ro đó là rủi ro được quản lý, rủi ro được kiểm soát. Đối với Chính phủ cũng như doanh nghiệp phải có phương án quản trị rủi ro trong điều kiện mở cửa. Không thể khác được".
PV: Còn với Việt Nam, chúng ta kỳ vọng gì cho giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh tới?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Tôi cũng vừa chủ trì một cuộc xúc tiến đầu tư lớn với TP Hồ Chí Minh. Các nhà đầu tư vẫn thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng khống chế dịch bệnh trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi vì không chỉ dịch bệnh COVID-19, ngay cả khi COVID-19 qua đi, những rủi ro khác sẽ tiếp tục diễn ra nên cần khả năng ứng phó bền bỉ".
Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp phải xác định môi trường làm việc không còn như trước, cần giữ khoảng cách 5K, đeo khẩu trang khi làm việc, phân bổ lao động hợp lý để đảm bảo an toàn, cũng như có hệ thống theo dõi sức khỏe nhân viên... Đây là những việc doanh nghiệp cần chuẩn bị để sẵn sàng khi được hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ cần những chiến lược sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Những chính sách mới chưa có tiền lệ từ cơ quan chức năng cũng chính là yếu tố quan trọng cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh này của nền kinh tế.
VTV.vn - Sản xuất là sự sống còn của doanh nghiệp, mỗi ngày mỗi giờ chờ đợi là cơ hội có thể sẽ giảm đi rất nhiều. Doanh nghiệp cần một mô hình sản xuất tối ưu thời hậu COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!