Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục mở rộng các đầu mối cung ứng nông sản, thực phẩm cho TPHCM, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Tìm mối tiêu thụ cho nông sản đang ùn ứ tại ĐBSCL
Sáng 11.9, báo cáo tại diễn đàn trực tuyến Kết nối nông sản 970 do Tổ điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Hợp tác xã bò sữa Everowth (Sóc Trăng) - cho biết: Để cung ứng sản phẩm sữa cho người dân TPHCM, hợp tác xã đã kết nối với tổ công tác 970 để cung ứng sữa theo các gói combo. Hiện tại, nhà máy sản xuất sữa tại Sóc Trăng đã cam kết thu mua sản phẩm sữa của bà con dân tộc Khơme, không để bà con phải đổ bỏ sữa do bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Qua các đơn hàng theo combo, thông tin cho thấy, sữa Ever Milk của đồng bào Khơme Sóc Trăng được người tiêu dùng tại TPHCM đón nhận khá lạc quan” - ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Theo ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua, Sóc Trăng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng việc tiêu thụ nông sản khá thuận lợi. Đến thời điểm hiện tại các mặt hàng nông sản trên địa phương như lúa, tôm cơ bản đã tiêu thụ hết. Các mặt hàng khác cũng tiêu thụ trôi chảy qua sự hỗ trợ của lực lượng quân đội và các kênh tiêu thụ khác thu mua để cung ứng cho TPHCM thông qua các gói hàng theo hình thức combo.
Tuy nhiên, ông Khiêm cũng cho hay, hiện nay, Sóc Trăng còn tồn khoảng hơn 50 tấn khoai môn và 20 tấn ớt sừng vàng. Đặc biệt là còn tồn tại ao nuôi gần 1.000 tấn cá chẻm, đầu ra đang bị tắc nghẽn, cần được hỗ trợ tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường TPHCM.
“Đề nghị Tổ công tác giới thiệu để Sở NNPTNT Sóc Trăng kết nối các hộ nuôi, các hợp tác xã tìm đầu ra cho cá chẻm. Tổ công tác hỗ trợ để bên tiêu thụ đưa ra các yêu cầu về mặt hàng nông sản. Ví dụ, cá chẻm thì yêu cầu như thế nào, có chế biến không, hay để tươi sống hoặc đông lạnh để phía đầu mối cung cấp đáp ứng yêu cầu. Phía các kênh tiêu thụ tại phía TPHCM cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về các mặt hàng nông sản để phía Sóc Trăng tìm cách đáp ứng, sản xuất theo đơn đặt hàng” - ông Trần Trọng Khiêm nêu ý kiến.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM cho Vĩnh Long được tham gia các chợ đầu mối của TPHCM để tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp khẳng định: Sau ngày 15.9.2021, mọi hoạt động cung cầu sẽ dần trở lại bình thường. Đề nghị các tỉnh chuẩn bị các công tác liên quan đến thẻ xanh, thẻ vàng để có thể tham gia vào hoạt động cung - cầu của TPHCM.
Không "bán phá giá" nông sản để cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT - nhấn mạnh: Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, các gói combo chỉ đủ lấy thu bù chi, lợi nhuận của nông dân thấp. Vì vậy, các tỉnh không nên cạnh tranh để giành thị phần.
“Đừng cạnh tranh với các tỉnh khác bằng hạ giá nông sản để “phá giá”. Đừng thấy khoai lang tỉnh khác bán 100.000 đồng mà mình hạ xuống 70.000-80.000 đồng. Nông sản phải tính theo giá thành, tính các chi phí và cố gắng nâng giá trị bằng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, đừng hạ giá làm mất giá trị sản phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM Đinh Minh Hiệp cũng khẳng định: Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho TPHCM trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống COVID-19 đã góp sức nhiều cho TPHCM trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, nông sản đang rất căng thẳng tại TPHCM.
Xem thêm: odl.413259-mchpt-nad-iougn-ohc-nas-gnon-gnu-gnuc-ion-tek-gnugn-gnohk/et-hnik/nv.gnodoal