19h45’ ngày 29/12/1969, ông Alick McKays mở cửa nhà ở Wimbledon, tây nam London, nhận thấy điều gì đó không ổn. Chiếc điện thoại bị giật văng khỏi tường, đồ đạc trong túi xách của vợ ông, Muriel McKays, nằm rải rác khắp hành lang. Một dụng cụ làm vườn có lưỡi quắm và cuộn dây gai vứt ngổn ngang trên sàn nhà.
Ông lao từ phòng này sang phòng khác gọi vợ trong nỗi tuyệt vọng, nhưng không có tiếng đáp. Bỗng có tiếng chuông điện thoại, đầu dây bên kia nói: "Chúng tôi là Mafia M3. Chúng tôi đã chủ ý bắt cóc vợ của Rupert Murdoch nhưng bị nhầm. Vì vậy chúng tôi đã bắt cóc vợ ông để thay thế. Nộp một triệu bảng vào tối thứ tư, nếu không chúng tôi sẽ giết bà ấy".
Ông Alick McKays khi đó là giám đốc điều hành News Limited, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Australia. Vợ chồng họ chuyển từ Australia đến Anh năm 1958 để ông có thể theo đuổi sự nghiệp báo chí với tư cách là cánh tay phải của tài phiệt truyền thông, Rupert Murdoch.
Thời gian này, Rupert Murdoch đang đi nghỉ nên chiếc Roll Royce của tỷ phú được ông Alick McKays sử dụng và lái về nhà riêng. Cảnh sát suy đoán, nhóm bắt cóc không biết điều này nên có thể đã nhầm địa chỉ, và nhầm cả con tin.
Số tiền chuộc quá lớn, tương đương 27 triệu USD hiện nay, khiến sự việc nhanh chóng nổi tiếng khắp châu Âu, trở thành vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nổi tiếng đầu tiên của Vương quốc Anh.
Các sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường không thể hiểu rằng sự việc thế này lại xảy ra ở khu dân cư giàu có và "đáng kính" như Arthur Road, chỉ cách nơi tổ chức giải vô địch quần vợt Wimbledon vài trăm mét. "Đây là một tội ác mà bạn có thể thấy ở Mỹ hay Italy, chứ không phải ở Anh", họ nói.
Khoảng 18 cuộc gọi đến trong 6 tuần tiếp theo của bọn bắt cóc, đe dọa về việc "xử" vợ ông và hối thúc tiền chuộc. 5 bức thư nữa viết tay của bà được gửi đến với nội dung: "Em đang rất suy sụp về sức khỏe và tinh thần. Em bị bịt mắt và bỏ đói rét. Làm ơn hợp tác với bọn chúng". Thư kèm theo là những mảnh vụn vải được cắt từ quần áo của bà để làm bằng chứng.
Trong khi đó, gia đình ông Alick McKays đang được vô số nhà ngoại cảm khắp nơi liên lạc và đề nghị giúp đỡ. Trong số này, một người nói khẳng định sự việc có liên quan đến ai đó tên Elsa. "Bà Muriel bị nhốt trong một trang trại màu trắng ở phía bắc hoặc đông bắc của London, gần một sân bay bỏ hoang. Nếu không được tìm thấy trong vòng 14 ngày, cô ấy sẽ chết".
Câu cuối cùng của lời tiên tri được bác sĩ riêng của nạn nhân tán thành. Bà Muriel đang mắc bệnh, và luôn phải sống phụ thuộc vào thuốc.
Ngày 30/1/1970, hơn một tháng sau vụ mất tích, những kẻ bắt cóc yêu cầu con trai ông Alick McKays lái chiếc Rolls-Royce của tỷ phú Rupert Murdoch đến giao tiền chuộc và đổi lại con tin sẽ được thả.
Để tránh cho cậu thanh niên gặp nguy hiểm, cảnh sát cho một sĩ quan đóng giả, lái xe và mang theo valy tiền, chủ yếu chứa tiền giả, đến một hộp điện thoại được chỉ định sẵn và đợi điện thoại đổ chuông.
Trong cuộc gọi sau đó, anh ta được cung cấp vị trí của một hộp điện thoại khác. Những cuộc gọi liên tục gọi tới yêu cầu anh ta chuyển hết hộp điện thoại này đến hộp điện thoại khác, cho đến khi ra tận ngoại thành London. Anh ta được lệnh để lại chiếc vali đựng tiền giả trên một bờ cỏ, đánh dấu bởi một bó hoa giấy do chúng để lại.
Mặc dù bọn bắt cóc đã khăng khăng người đưa tiền phải đi một mình, một đoàn xe bí mật của cảnh sát đã đi theo chiếc Rolls-Royce. Các sĩ quan cố ăn mặc để có vẻ ngoài bình thường nhưng điều này đã không đánh lừa được thủ phạm. Chúng không đến điểm hẹn.
Một vụ trao đổi tiền chuộc khác được sắp xếp. Lần này, chúng yêu cầu chồng và con gái nạn nhân là người thực hiện, không quên cảnh báo về "hậu quả thảm khốc" nếu cảnh sát còn cố tình bám đuôi.
Một lần nữa, nhà chức trách quyết định cử cảnh sát đóng giả ông Alick và con gái. Nam sĩ quan được lựa chọn đóng thế cô gái là người duy nhất đi vừa đôi bốt dài đến đầu gối của cô. Nhưng khi lớp trang điểm không làm cho anh ấy trông nữ tính, dù chỉ là từ xa, một nữ cảnh sát đã được chọn thay thế.
Lần này điểm trả khách là tại một gara ôtô ở Hertfordshire. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Song bất ngờ, một người qua đường nhìn thấy 2 valy đựng tiền và tưởng là tài sản thất lạc nên gọi cảnh sát địa phương để họ đến tịch thu.
Tuy nhiên, sự việc cũng không đến nỗi tệ. Các thám tử bí mật đã chú ý đến một chiếc sedan Volvo màu xanh lam chở 2 người đàn ông, lảng vảng quanh khu vực để valy tiền 4 lần trong vòng 3 giờ. Nhiều nhân chứng cũng đã mô tả một chiếc ôtô tương tự quanh khu phố của gia đình nạn nhân trước vụ bắt cóc.
Biển số của nó đã dẫn họ đến trang trại cũ nát, thuộc sở hữu của anh em Nizamodeen, 22 truổi, Arthur Hosein, 34 tuổi, thợ may gốc Trinidad, cùng vợ Arthur là Elsa, cái tên được nhà ngoại cảm nhắc đến gần 2 tháng trước cùng các mô tả trùng khớp với trang trại.
Trong suốt 3 tuần, 120 sĩ quan cảnh sát được huy động để nạo vét các ao của trang trại rộng 45.000 m2 và khám xét các tòa nhà và đất đai xung quan, song không có dấu hiệu của nạn nhân.
Họ chỉ tìm thấy những sợi dây giống như loại dây bị bỏ lại trong nhà của nạn nhân. Bên cạnh là cuốn sổ ghi chép bị thiếu trang trùng khớp với những trang mà bà Muriel đã viết 5 bức thư cầu cứu chồng.
Vân tay của 2 anh em trai nhà này cũng khớp với dấu vân tay tại hiện trường, trong chiếc Volvo màu xanh và trong các bức thư đòi tiền chuộc. Tương tự, giọng nói của người em, Nizamodeen khớp với giọng trong các cuộc gọi đòi tiền.
Hai anh em nhà Hosein được xét xử tại Toà án Old Bailey vào ngày 14/9/1970. Arthur khai 2 năm trước, anh ta mua trang trại nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Cùng lúc này, họ tình cờ xem tivi và thấy tin ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và vợ vừa mua 2 tờ báo thuộc loại lớn nhất nước Anh. Arthur rủ em trai tham gia bắt cóc vợ tỷ phú, đòi tiền chuộc.
Đúng như suy đoán của cảnh sát, để tìm hiểu nơi ông sống, hai bị cáo đã theo đuôi chiếc Rolls-Royce của Rupert Murdoch từ văn phòng. Song thực ra, khi đó tỷ phú đang đi công tác và cấp dưới Alick McKays đã sử dụng chiếc xe. Sự nhầm lẫn trớ trêu khiến bà Muriel bị chúng bắt cóc nhầm.
Hai anh em chối tội, đổ lỗi cho nhau và nhất quyết không khai tung tích nạn nhân. Thẩm phán đã gọi tội ác của họ là "máu lạnh và đáng ghê tởm", tuyên tù chung thân cho ba tội Bắt cóc, Tống tiền và Giết người. Đây là một trong những vụ truy tố giết người đầu tiên của nước Anh mà không thấy xác nạn nhân.
Khi rời tòa án, ông Alick McKay nói: "Tôi chỉ muốn biết cô ấy ở đâu để tôi có thể đặt hoa ở mộ". Nhưng ông mất năm 198, chưa bao giờ thực hiện được ước nguyện.
Arthur Hosein chết tại Bệnh viện Tâm thần An ninh cấp cao tại Ashworth, năm 2009. Em hắn ngồi tù 20 năm, sau đó bị trục xuất về nước.
Ngày nay tội ác kinh hoàng hai anh em đã phai mờ trong trí nhớ công chúng hình bóng nạn nhân vẫn sống mãi trong trái tim các con bà. Họ vẫn xuất hiện trên truyền hình và các bộ phim tài liệu, hy vọng ai đó đang xem có thể có thông tin về những gì đã xảy ra với mẹ mình.
Hải Thư (Theo RadioTimes, DailymailUK, Crime and Investigation)
Xem thêm: lmth.6954534-hcodrum-trepur-uhp-yt-ov-mahn-coc-tab-uv-ut-na-maht/ten.sserpxenv