Quần thể vui chơi giải trí quy mô lớn nhất đảo Phú Quốc mang tên Phú Quốc United Center luôn chào đón du khách (ảnh chụp tháng 4-2021) - Ảnh: T.T.D.
Ông Tống Phước Trường, bí thư thành ủy Phú Quốc, khẳng định mở cửa trở lại hoạt động du lịch là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch đóng băng vì dịch bệnh. Tuy nhiên, để tránh việc mở cửa rồi lại đóng băng, các bước chuẩn bị phải thận trọng, việc đón du khách phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và bền vững.
Đón khách theo lộ trình khép kín
Ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết ngay sau khi Thủ tướng kết luận tại phiên họp thường kỳ, Tổng cục Du lịch đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tỉnh Kiên Giang chuẩn bị nội dung làm việc để xúc tiến các bước chuẩn bị cho du lịch Phú Quốc hồi phục trở lại.
Với những yêu cầu của tổng cục, ngành du lịch Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn từ vài tháng trước. Bởi ngay khi tình hình dịch bệnh được khống chế, ngành du lịch phải bắt tay vào việc sớm nhất để khởi động trở lại.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã tổ chức đoàn đi khảo sát, nghe báo cáo nắm lại tình hình các doanh nghiệp ở Phú Quốc để triển khai kế hoạch hồi phục kinh tế sau dịch.
"Có một điểm rất đáng mừng là từ khi khởi phát dịch COVID-19 tới nay, đảo Phú Quốc chưa có ca cộng đồng nào, chỉ có các trường hợp nhập cảnh và tài xế chở hàng mắc bệnh được phát hiện đưa đi cách ly điều trị ngay khi lên đảo. Có thể nói, đến nay Phú Quốc vẫn là vùng xanh, rất thuận lợi để tái khởi động các ngành kinh tế mà đặc biệt là du lịch" - ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, Phú Quốc đã có 2 quần thể du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp đăng ký tham gia thí điểm đón khách quốc tế của Vingroup ở phía bắc đảo và Sungroup ở phía nam đảo. Dự kiến đón khách quốc tế trở lại, Phú Quốc sẽ ưu tiên nhắm vào các thị trường: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Khách quốc tế tới Phú Quốc sẽ được tổ chức đón ngay từ sân bay và đưa bằng xe riêng về nơi lưu trú theo lộ trình khép kín. Khách phải tiêm đủ 2 liều vắc xin, xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay và phải đăng ký lưu trú tối thiểu 5 ngày trên đảo.
Trong thời gian lưu trú, du khách quốc tế sẽ được xét nghiệm ít nhất 2 lần vào ngày đầu và trước khi khách rời đảo 1 ngày... Với khách nội địa, tùy theo tính toán của Bộ Y tế, các ngành chức năng và tình hình dịch bệnh trong nước sẽ quy định cụ thể.
"Nhưng dù tình huống nào vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K, hạn chế tụ tập đông người khi không thật sự cần thiết và phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 theo quy định", một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khẳng định.
Cần có bước chuẩn bị sẵn sàng
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đón khách trở lại Phú Quốc không thể nói là làm được ngay mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch. Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động kinh tế trên đảo đều tạm ngưng, trừ những ngành thiết yếu như cung cấp lương thực, thực phẩm, dược phẩm, vận tải...
Trong đó, lĩnh vực du lịch có gần 800 khách sạn, resort với hơn 26.000 phòng lưu trú phải ngưng hoạt động, hàng chục ngàn lao động mất việc làm hoặc chỉ còn giữ việc làm 1/3 thời gian.
Theo thống kê để chuẩn bị tiêm vắc xin, lúc cao điểm có trên 52.000 lao động nhập cư từ đất liền ra Phú Quốc. Từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 tới nay, số liệu thống kê mới nhất chỉ ghi nhận còn 29.000 người.
Ông Phạm Xuân Hải, phó tổng giám đốc resort 4 sao Sài Gòn - Phú Quốc, cho hay bình thường nơi đây có khoảng 150 nhân viên làm việc. Từ cuối tháng 6 tới nay chỉ còn duy trì khoảng 100 nhân viên làm 14 ngày/tháng để bảo dưỡng cơ sở vật chất.
Trong khi những resort cao cấp phải duy trì đội ngũ nhân viên nhất định để chăm sóc phòng ốc, sân vườn..., những khách sạn 3 sao trở xuống phải đóng cửa hoàn toàn vì không chịu nổi chi phí.
Chưa kể, các resort cao cấp buộc phải duy trì trả lương nuôi nhân viên vì đây đều là nhân sự qua đào tạo nhất định. Nếu không giữ chân duy trì thu nhập đủ sống cho những nhân sự này thì sau dịch sẽ rất khó khởi động trở lại.
"Thông tin Phú Quốc chuẩn bị đón du khách quốc tế trở lại là tin rất vui với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, trong đó có chúng tôi. Tuy nhiên, để mở cửa trở lại còn cần có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có bước chuẩn bị tốt" - ông Hải nói.
Ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn (chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc và phố ẩm thực ở quần thể Phú Quốc United Center), cho rằng sau một thời gian dài tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp nghỉ dưỡng, lữ hành, ăn uống... đều phải có thời gian chuẩn bị nhất định về nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu... mới khôi phục hoạt động trở lại được.
"Việc tái khởi động cả một ngành kinh tế du lịch của đảo Phú Quốc phải có quá trình chuẩn bị bài bản, không phải như bật công tắc là đèn sáng lên ngay" - ông Sơn nói thêm.
Bến du thuyền vắng khách tại trung tâm phường Dương Đông - Ảnh: K.NAM
Hoàn tất tiêm vắc xin vào cuối tháng 10-2021
Theo ông Tống Phước Trường - bí thư TP Phú Quốc, đến nay Phú Quốc đã tiêm vắc xin mũi 1 cho khoảng 35.000 người, mũi 2 khoảng 5.000 người. Nếu tính độ tuổi từ 18 - 65 tuổi, tỉ lệ tiêm tương ứng là 35% mũi 1 và 5% mũi 2.
Dự kiến ngày 21-9 sẽ tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm vắc xin Moderna mũi 1 (đã nhận đủ 9.000 liều này). Nếu có AstraZeneca sẽ tiếp tục tiêm mũi 2.
Từ đầu tháng 10-2021 sẽ tiêm mũi 1 cho 109.000 người còn lại, đến cuối tháng 10 hoàn tất tiêm 2 mũi cho người dân trên đảo (trừ trẻ em dưới 18 tuổi và người trên 65 tuổi).
"Như vậy, nếu mọi thứ diễn ra đúng dự kiến, cuối tháng 10 Phú Quốc hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn dân. Khi đó, du khách nội địa tiêm đủ 2 liều vắc xin và có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực cũng được đến Phú Quốc" - ông Trường nói, đồng thời cho biết đến nay cơ bản mọi thứ đã sẵn sàng, các kế hoạch khôi phục nhiều lĩnh vực cũng đã được các sở, ngành xây dựng xong.
Các nước đón khách quốc tế trở lại ra sao?
Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế mà không yêu cầu cách ly từ tháng 1-2022. Thời gian qua, quốc gia này cũng đã dần mở lại theo 4 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, Thái Lan đã bắt đầu 3 dự án tại 4 tỉnh bao gồm: "Hộp cát Phuket" (từ ngày 1-7), "Samui+" (15-7), 2 tỉnh Phangnga và Krabi (theo mô hình mở rộng 7+7, vào giữa tháng 8).
Sau 2 tháng kể từ lúc mở lại theo mô hình trên, có hơn 26.000 du khách quốc tế đã tới đảo Phuket, mang lại doanh thu 1,63 tỉ baht (1.134 tỉ đồng), theo Tổng cục Du lịch Thái Lan.
Giai đoạn thứ hai dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 10 (mùa cao điểm du lịch của Thái Lan) với thủ đô Bangkok và các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan, riêng Chiang Mai dự kiến mở cửa đón khách từ ngày 1-10. Giai đoạn ba (từ ngày 15-10) có thêm 21 tỉnh nữa mở lại. Giai đoạn 4 dự kiến bắt đầu vào tháng 1-2022, với 13 tỉnh biên giới.
Tuần báo Nikkei Asia đánh giá việc Thái Lan dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế không phải vì đã kiểm soát được đại dịch mà do có sự thay đổi trong các chính sách liên quan đến COVID-19. Thay vì xóa bỏ COVID-19 hoàn toàn, Chính phủ Thái Lan nhắm tới sống chung với dịch.
Trong khi đó, Israel dự kiến sẽ khởi động lại chương trình thử nghiệm du lịch (có từ tháng 5 nhưng đã dừng vào ngày 11-8) từ ngày 19-9, đón các nhóm nhỏ từ 5 - 30 du khách từ các nước mà Israel chọn. Liên minh châu Âu (EU) không có chính sách du lịch thống nhất chung, nhưng nhiều nước đã mở cửa đón du khách trở lại. Chẳng hạn, chỉ trong tháng 7 và 8-2021, Hy Lạp đã đón tới hơn 2 triệu lượt khách.
BÌNH AN
TTO - Ngày 10-9, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10.
Xem thêm: mth.58565612211901202-et-couq-hcahk-nod-pas-couq-uhp-hnax-gnuv/nv.ertiout