Thiếu tá Nguyễn Thái Trị - bác sĩ CK1, trạm trưởng trạm y tế lưu động phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vấn đề này càng trở nên "nóng bỏng" khi TP.HCM đang xây dựng lộ trình tiến tới việc cấp "thẻ xanh COVID-19" cho người được tiêm đầy đủ vắc xin, đủ thời gian tạo kháng thể và người từng mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những nhóm F0 "ngoài vòng quản lý"
Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi ghi nhận có một số nhóm F0 "ngoài vòng quản lý", bao gồm:
- Tự xét nghiệm cách ly y tế ở nhà, không báo với địa phương để được cập nhật và theo dõi sức khỏe cũng như xác nhận kết thúc cách ly.
- Cách ly y tế ở nhà có thông báo địa phương, tuy nhiên vì lý do nào đó, địa phương "bỏ quên" không cập nhật giám sát kịp thời.
- Được đưa đi cách ly điều trị tại cơ sở tập trung hoặc bệnh viện dã chiến nhưng không có tên trong danh sách F0 trên ứng dụng sức khỏe của Bộ Y tế.
- Một số người sau cách ly điều trị được cấp giấy xác nhận nhưng làm mất giấy.
Theo chị N.T.H.L. (ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM), từ ngày 6-8 hai mẹ con chị được phường xét nghiệm RT-PCR với kết quả dương tính.
Hai mẹ con xin cách ly điều trị tại nhà. 12 ngày sau, khi thấy đã hết triệu chứng bệnh, chị L. gọi điện báo lên phường nhưng không ai xuống xét nghiệm lại, sau đó chị tự gọi dịch vụ xét nghiệm ở ngoài (RT-PCR) với kết quả âm tính và được cấp chứng nhận của cơ sở y tế uy tín.
"Tôi có chụp lại kết quả này báo lên phường nhưng chưa thấy phường phản hồi. Đến nay tôi vẫn không có giấy xác nhận hết thời gian cách ly của địa phương và cả trên hệ thống khai báo của Bộ Y tế cũng không ghi nhận. Không biết sắp tới đây làm sao để ra đường đi làm" - chị L. băn khoăn.
Chị H.T.H. (ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) cho hay khi phát hiện trong nhà có đến 3 người mắc COVID-19, chị liên hệ y tế phường nhưng không được. Những ngày sau đó, gia đình đã tự điều trị và khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Chúng tôi có liên hệ với tổ trưởng dân phố thì được yêu cầu gọi lên y tế phường xin xét nghiệm lại để cấp giấy chứng nhận khỏi COVID-19, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa liên hệ được" - chị H. nói.
Chưa có hướng dẫn xét nghiệm định lượng kháng thể
Ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho biết các trường hợp mắc COVID-19 sau cách ly điều trị tại nhà sẽ báo cho địa phương để được cấp giấy chứng nhận khỏi COVID-19.
Tuy nhiên, với nhóm F0 mắc COVID-19 tự điều trị khỏi tại nhà (không khai báo) hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, quận vẫn đang chờ. "Việc chứng minh các F0 này đã khỏi bệnh rất khó, quận vẫn chưa có hướng giải quyết" - ông Long nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-9, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định vấn đề nêu trên rất phức tạp và ngành y tế đang nỗ lực tìm các giải pháp "hợp tình, hợp lý, đúng luật" để sớm xác nhận cho các trường hợp F0 chưa kịp ghi nhận.
Lý giải sự "phức tạp" này, ông Châu cho rằng bên cạnh việc cần phải nhanh chóng hỗ trợ các trường hợp F0 thật sự, không loại trừ có người không phải F0 trà trộn.
Về mặt quản lý nhà nước, nếu không kiểm soát chặt mà cấp giấy xác nhận không có cơ sở chứng minh sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo ông, hiện nay UBND TP.HCM đã giao cho ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, phường xã cấp giấy xác nhận F0 hết thời gian cách ly.
Tuy nhiên, nếu người nào cũng khai từng là F0 và được cấp giấy xác nhận một cách cảm tính sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt khi giấy xác nhận này có liên quan trực tiếp đến việc người đó có được cấp "thẻ xanh" hay không. Do đó cần phải tính toán một giải pháp vừa hợp tình, vừa hợp lý, vừa đúng luật.
Bác sĩ Châu thừa nhận trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, có tình huống người dân mắc COVID-19 kêu gọi y tế địa phương chưa được đáp ứng nên đành "tự xử".
Tuy nhiên cũng có các trường hợp mắc COVID-19 nhưng giấu bệnh, tự cách ly và không báo cho địa phương.
Và một trong số các phương án mà ngành y tế TP có tính đến đó là kết nối với các đơn vị y tế tự nguyện (tổ y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng, y tế tư nhân…) từng hỗ trợ chăm sóc các F0 này, có thể các trường hợp nêu trên sẽ có y tế xác nhận.
Nói thêm về hiện tượng nhiều F0 nóng lòng tự xét nghiệm định lượng kháng thể để "chứng minh mình có bệnh", ông Châu khuyến cáo người dân không nên đổ xô xét nghiệm kẻo bị người khác lợi dụng và tốn kém tiền bạc.
Việc này, theo ông, chưa có nước nào trên thế giới áp dụng và ở Việt Nam đến thời điểm này Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn nào về việc sử dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để xác định một người có miễn dịch hay không.
4 bước xử lý khi phát hiện F0
Theo Sở Y tế TP.HCM, với 1 F0 mới phát hiện, địa phương phải xử lý 4 bước cơ bản sau:
* Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.
* Phát ngay túi thuốc điều trị COVID-19 (gói thuốc A - B, phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào "phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupirarvia có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19", phát gói thuốc C).
* Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
* Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.
TTO - Nhiều F0 chưa được cơ quan y tế quản lý và cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh đang khá loay hoay tìm cách chứng minh mình là F0 đã khỏi bệnh. Sở Y tế TP khuyến cáo trong lúc tìm giải pháp hợp tình hợp lý, đúng luật..., người dân cần bình tĩnh.
Xem thêm: mth.62655322231901202-hneb-iohk-0f-al-iot-hnim-gnuhc-oas-mal/nv.ertiout