Ngày 13-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.
Làm được như Bắc Giang sẽ chuyển biến tích cực
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá sản xuất nông nghiệp cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh phía Nam khiến nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, gây ùn ứ nông sản ở nhiều nơi. Có nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm vào những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán.
Nhiều địa phương cho hay hàng loạt mặt hàng như thủy sản, các sản phẩm chăn nuôi, rau củ quả… đang rơi vào tình trạng dư thừa, không tiêu thụ được. Trong ảnh: Người dân đang thu hoạch nhãn tại Cần Thơ. Ảnh: NAM GIAO
Việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều khó khăn. Trong tám tháng đầu năm, xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỉ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 đạt khoảng 44 tỉ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn.
Tại hội nghị, nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng tiếp tục phản ánh những khó khăn đang diễn ra trong ngành nông nghiệp. Đó là tình trạng giá phân bón, giá cước vận chuyển tăng cao; tình trạng thiếu container rỗng cho xuất khẩu và đặc biệt là những khó khăn trong xuất khẩu vào một số thị trường trọng điểm, trong đó thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó khăn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dẫn chứng hiện chỉ có 4/12 cửa khẩu của Lạng Sơn hoạt động và đã bắt đầu có tình trạng ùn ứ trong khi lượng hàng hóa tiếp tục dồn về, tạo áp lực rất lớn cho địa phương.
Từ thực tế trên, ông Thiệu đề nghị các tỉnh, thành có hàng nông sản lưu thông đến các cửa khẩu của Lạng Sơn chủ động thông báo cho doanh nghiệp (DN) để cơ cấu lại hàng hóa, tránh ùn ứ. Ông cũng đề nghị các tỉnh, thành hoàn thành việc tiêm vaccine cho tài xế chở nông sản để bảo đảm an toàn lưu thông, an toàn phòng chống dịch.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị các thương nhân, DN chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân.
“Tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu… thì nay tắc chỗ này, mai tắc chỗ khác. Những tỉnh trồng thanh long, dưa hấu mà làm được như Bắc Giang thì tôi tin rằng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực” - ông Trần Quốc Khánh bày tỏ.
Thiếu sâu sát, cứng nhắc
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng nếu không sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kéo dài tình trạng giãn cách thì sẽ rất khó khăn, không chỉ đối với chủ DN mà ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động, nông dân.
Phó Thủ tướng cho rằng về mặt chủ quan, việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. “Vấn đề đặt ra là cùng một quy định nhưng có địa phương triển khai tốt, có nơi còn triển khai máy móc nên sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là nông nghiệp, từ chăn nuôi, gieo trồng đến xuất khẩu. Nhiều địa phương còn cứng nhắc, sinh ra nhiều thủ tục cản trở lưu thông hàng hóa” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ, có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, sang xe, đổi tài xế làm mất thời gian, gây ùn ứ. “Xe chở mấy trăm con heo, hàng ngàn con gà mà sang tải thì DN làm sao sống nổi. Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả để tái đàn mà cũng không cho vào” - ông dẫn chứng.
Phó Thủ tướng đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này, đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh, thành cần phối hợp với ngành y tế, công thương, các bộ, ngành trung ương… làm việc cụ thể với DN. Qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu DN xây dựng phương án phục hồi sản xuất.
Phó Thủ tướng nêu ra một số giải pháp như công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh thì địa phương cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể. Như trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu ở vùng xanh thì cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường.
Ông cũng đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất. Định kỳ một tuần hai lần thực hiện test nhanh cho công nhân để phát hiện kịp thời F0, bảo đảm an toàn.•
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản… Đặc biệt, ông yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa. “Bộ GTVT phải thường xuyên nắm bắt tình hình; các khu vực, các cảng mà có vấn đề thì phải trực tiếp đến làm việc với các tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác thì Bộ GTVT vẫn phải chịu trách nhiệm. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên vaccine để tiêm cho các đối tượng tham gia thu hoạch, thu mua, sản xuất, chế biến nông sản. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ DN, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đề xuất thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia Chủ tịch Hiệp hội Logistics Lê Duy Hiệp cho rằng các sàn giao dịch điện tử, kênh phân phối trực tuyến là giải pháp lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông kiến nghị các tỉnh, thành cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc; thành lập trung tâm xúc tiến nông sản quốc gia để kết nối với Mỹ và EU; tổ chức, quy hoạch trung tâm logistics vùng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để kết nối lưu thông trong nội vùng thuận lợi. |