vĐồng tin tức tài chính 365

Triều Tiên phóng tên lửa, nhiều nước bất an

2021-09-14 08:34
Triều Tiên phóng tên lửa, nhiều nước bất an - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình tầm xa được Triều Tiên phóng thử vào ngày 11 và 12-9 - Ảnh: KCNA

Hôm 13-9, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công loại tên lửa mà nước này nghiên cứu trong hai năm qua. Trong các vụ thử vào hai ngày cuối tuần, các tên lửa này đã bay hơn 2 giờ và đánh trúng mục tiêu cách xa 1.500km.

Không quá khiêu khích

"Việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa, một vũ khí chiến lược, có tầm quan trọng rất lớn trong việc đạt được mục tiêu chính của kế hoạch 5 năm về phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí" - KCNA viết, cho rằng tên lửa này là vũ khí hiệu quả để đối phó với "các thế lực thù địch".

Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un không tham dự buổi phóng thử thể hiện một thông điệp phô diễn sức mạnh quân sự nhưng không quá khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không bị cấm phát triển tên lửa hành trình. Theo giới quan sát, vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau nhiều tháng qua ẩn chứa nhiều thông điệp.

Việc Triều Tiên lựa chọn tên lửa hành trình để phóng lần này được cho là nhằm tránh khiêu khích Mỹ và Trung Quốc quá mức trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Hàn Quốc. 

Ông Vương dự kiến đến Seoul vào ngày 15-9 để thảo luận với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui Yong về đàm phán giải trừ hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Park Won Gon - giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) - cho rằng các tên lửa này là "một mối đe dọa đáng kể".

"Nếu Triều Tiên thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, họ có thể gắn lên tên lửa hành trình" - Hãng tin AFP dẫn lời ông Park nói. Theo chuyên gia này, đây là thông điệp mà Bình Nhưỡng đáp trả cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 8 năm nay và sẽ còn nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa khác diễn ra sắp tới.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cũng đánh giá tên lửa hành trình có khả năng nhắm vào các mục tiêu "khắp Hàn Quốc và Nhật Bản". Dù không có tầm bắn xa và nhanh hơn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình có khả năng theo quỹ đạo cố định ở tầm thấp giúp chúng khó bị phát hiện.

"Hệ thống tên lửa này được thiết kế để bay dưới tầm quét của hệ thống rađa phòng thủ hoặc bay vòng để tránh bị bắn hạ" - ông Lewis nhận định.

Mỹ trấn an

Ngay sau vụ phóng, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết vụ thử mới nhất đặt ra các mối đe dọa đối với khu vực và thế giới. 

"Hoạt động này thể hiện rõ việc Triều Tiên tiếp tục tập trung vào phát triển chương trình quân sự và những mối đe dọa đặt ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn vững chắc", cơ quan này tuyên bố.

Ngày 13-9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cũng bày tỏ "lo ngại" trước các thông tin cho rằng Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa. Ông nói rằng Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Washington và Seoul để theo dõi tình hình.

Theo giới quan sát, vụ phóng tên lửa mới nhất là thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi các nỗ lực ngoại giao giữa hai bên đã bị đình trệ nhiều tháng qua.

Sau khi phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào tháng 3 để "nắn gân" chính quyền mới ở Washington, Bình Nhưỡng đã tập trung vào đối phó với dịch COVID-19 và khó khăn kinh tế trong vài tháng qua. Trong khi đó, Washington đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện các biện pháp ngoại giao để đạt mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên nhưng vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt.

Các nỗ lực khôi phục lại đối thoại với Bình Nhưỡng đến nay vẫn không mấy suôn sẻ. Việc hai miền Triều Tiên khôi phục lại đường dây nóng vào tháng 7 đã gieo hy vọng khởi động lại đàm phán. 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã ngừng liên lạc từ khi Mỹ - Hàn bắt đầu lại các cuộc tập trận chung vào tháng trước cũng như Seoul mới đây phát triển được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Vào đầu tháng 9, truyền thông Hàn Quốc đưa tin nước này đang phát triển một loại vũ khí rất mạnh: tên lửa đạn đạo tầm ngắn có trọng tải lên đến 3 tấn. 

"Chúng tôi sẽ phát triển các tên lửa mạnh hơn, tầm xa hơn và chính xác hơn để thực hiện khả năng răn đe và đạt được hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên" - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.

Tên lửa mới của Triều Tiên mạnh ra sao?

Theo các chuyên gia, tên lửa mới của Triều Tiên giống với tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ và Hyunmoo-3C của Hàn Quốc. Để so sánh, tên lửa Tomahawk có tầm bắn tối đa đến 1.650km.

Chưa rõ Triều Tiên đã phát triển được các đầu đạn đủ nhỏ để đặt vào các tên lửa hành trình hay chưa, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi đầu năm nay đã đặt mục tiêu hàng đầu là thu nhỏ các đầu đạn.

Hong Min, nhà nghiên cứu của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho biết tên lửa này có thể được bắt đầu phát triển từ giữa năm 2019.

"Triều Tiên có thể phát triển tên lửa để nó có khả năng phóng từ tàu ngầm" - ông Hong nhận định với Hãng tin Yonhap.

Tên lửa hành trình mới của Triều Tiên qua mặt được các thiết bị do thám?Tên lửa hành trình mới của Triều Tiên qua mặt được các thiết bị do thám?

TTO - Các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về tên lửa hành trình mới có tầm bắn tới 1.500km của Triều Tiên. Việc 3 nước lên tiếng sau khi Bình Nhưỡng loan tin làm dấy lên lo ngại họ đã không phát hiện được sự việc.

Xem thêm: mth.76933442231901202-na-tab-coun-ueihn-aul-net-gnohp-neit-ueirt/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Triều Tiên phóng tên lửa, nhiều nước bất an”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools