Ngành du lịch sẽ khó kích cầu, tung tour giá rẻ phù hợp với số đông người dân nếu vé máy bay bị áp giá sàn - Ảnh: C.T.
Họ cho rằng việc áp giá sàn có thể hỗ trợ cho một hãng bay trước nguy cơ phá sản nhưng lại ép giá người tiêu dùng.
Áp giá sàn chẳng khác nào hạn chế đi lại của người dân, trở lại thời vé máy bay với giá đắt đỏ. Khách đi lại giảm, cả ngành đều vất vả.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp hàng không
Doanh nghiệp du lịch bức xúc
Mỗi tháng di chuyển từ TP.HCM - Phú Quốc khoảng 4 lần, ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn (chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc và phố ẩm thực ở quần thể Phú Quốc United Center), cho biết trung bình phải tốn 12 triệu tiền vé, tức trung bình 3 triệu cho vé khứ hồi.
Nếu chọn mua vé rẻ trong đợt giảm giá của các hãng có thể mua được vé 700.000 - 800.000 đồng/chặng khứ hồi, giảm 50% chi phí đi lại.
Từ đó, ông Sơn cho rằng người dân đang hưởng lợi từ việc cạnh tranh sôi động của các hãng. Vậy tại sao phải áp giá sàn ngay bối cảnh nguồn lực, chi tiêu của xã hội đã cạn kiệt do dịch. Điều này không mang lợi ích gì cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chưa kể, chỉ vì hỗ trợ cho hãng bay mà can thiệp khống chế giá sàn gây bất lợi cho xã hội, ngược với quy luật kinh tế thị trường, thậm chí trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hài hòa lợi ích của các bên.
Đứng ở góc độ doanh nhân làm trong mảng du lịch, ông Sơn nhấn mạnh: hàng không gặp vô vàn khó khăn, cấp bách hiện nay là sớm mở lại đường bay, giảm giá vé để bà con phấn khởi đi lại, từ đó tăng tỉ lệ để lấp đầy chuyến, tạo doanh thu.
"Bây giờ đi làm điều ngược lại là nâng giá vé, người dân đi lại ít thì chuyến bay vắng khách, lợi bất cập hại" - ông Sơn nói.
Đại diện một hãng du lịch lớn cũng cho rằng áp giá sàn là "ép giá" cả người dân và doanh nghiệp. Chỉ số ít được lợi, số đông phải gánh, nên rất khó hiểu nếu áp dụng khi chúng ta đang kêu gọi các nước công nhận Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường.
Doanh nghiệp ngành hàng không cũng bất bình
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng không thẳng thắn đánh giá việc khống chế giá sàn đang được Cục Hàng không VN triển khai dựa trên đề xuất của Vietnam Airlines (VNA) là không phù hợp, đi ngược với quy luật kinh tế thị trường.
Hàng không là một chuỗi mắt xích quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau dịch. Không thể dồn cái khổ sang cả ngành hàng không, ngành du lịch và người dân cơ bản chỉ để hỗ trợ cho một hãng hàng không với lý do tránh nguy cơ "phá sản"!
"Quan điểm của tôi không đồng ý. VNA đã nhận nhiều hỗ trợ của Nhà nước, nay tiếp tục đòi hỏi áp giá sàn là không có trách nhiệm với xã hội.
Đừng đổ lỗi ảnh hưởng dịch bệnh nữa mà xem lại cách vận hành, bộ máy cồng kềnh dẫn đến thua lỗ, quay sang đòi hỏi áp giá sàn, hạn chế đối thủ cạnh tranh. Trong khi các hãng tư nhân họ chòi đạp để tồn tại nhưng vẫn tìm cách phát triển, khôi phục đi lại bằng nhiều hình thức, trong đó có giảm giá vé, giảm giá dịch vụ... để thu hút khách" - tổng giám đốc một doanh nghiệp hàng không nhấn mạnh.
Một cán bộ thương mại của một hãng hàng không cho hay vé máy bay sẽ tăng nếu đề xuất áp giá sàn với mức tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa được thông qua. Hành khách phải trả chi phí cho vé máy bay cao hơn gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt, giá sàn sẽ khiến mặt bằng giá vé máy bay tăng cao.
Chẳng hạn, tuyến bay nhộn nhịp nhất là Hà Nội - TP.HCM bình quân vé máy bay sẽ xấp xỉ 2 triệu đồng/vé (một chiều). Nhiều hãng hàng không sẽ không thể tung ra các chương trình khuyến mãi vé giá rẻ như 0 đồng, 49.000 hay 78.000 đồng... như trước đây.
Việc này không chỉ gây thiệt hại cho hàng triệu khách bay mà còn gây lãng phí cho chính các hãng hàng không.
Vận tải hàng không có tính mùa vụ, tính thời điểm rất cao. Vận tải hàng không là sản phẩm có đặc thù không thể bảo lưu, chỉ mang lại giá trị khi được sử dụng. Ví dụ, dịp tết cổ truyền được đánh giá là cao điểm nhất trong năm của các hãng bay nhưng lại cao điểm mang tính một chiều.
Trước tết, nhu cầu hành khách tăng cao vào các chặng bay theo chiều từ Nam ra Bắc và sau tết là từ Bắc vào Nam. Chiều ngược lại không có khách nhưng các hãng hàng không vẫn phải bay để quay đầu tàu bay.
Lúc này, các hãng phải hạ giá thấp nhất để kích cầu. Ngay trong ngày, vào giờ thấp điểm (bay tối, đêm), các hãng kể cả VNA thường phải tung ra giá vé rẻ để thu hút khách.
Chỗ ngồi trên chuyến bay là sản phẩm mùa vụ, thời điểm, nếu cất cánh mà không bán hết chỗ thì sản phẩm đó sẽ mất đi (không lưu kho được dù vẫn tiêu tốn đầy đủ các chi phí khai thác như nhiên liệu, cất hạ cánh, điều khiển không lưu, phục vụ mặt đất, khấu hao tàu bay) và không còn giá trị sử dụng, gây ra sự lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội.
Các cảng hàng không và Nhà nước cũng bị thất thu các khoản như lệ phí sân bay, an ninh soi chiếu, thuế giá trị gia tăng trên khoản tiền dịch vụ.
Đừng tạo thêm gánh nặng cho dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lý Hùng Anh, giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng điều quan trọng hiện nay là hàng không phải là cầu nối, bắt tay với ngành du lịch để làm ấm thị trường đi lại thay vì đề nghị áp giá sàn, cản trở việc phục hồi sau dịch.
Tâm lý của khách vẫn e ngại dịch, nếu hàng không áp giá sàn sẽ trở thành gánh nặng không nhỏ đối với người dân và doanh nghiệp để chi tiền mua vé đi lại với giá cao.
"Phải làm cách nào "kéo" khách ra khỏi nhà, làm ấm thị trường là cần thiết lúc này. Từ đó, các hãng sẽ lấp đầy chỗ chuyến bay, du lịch phát triển sẽ kéo theo các ngành nghề khác sống dậy. Không nên cưỡng ép, bỏ ngỏ quyền lợi của khách hàng tiếp cận giá vé máy bay ưu đãi mà áp giá sàn để hãng bay được lợi" - ông Anh nói.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường hàng không Việt Nam đã phát triển đủ mạnh để có thể vận hành với sự cạnh tranh lành mạnh. Các hãng hàng không đều đang tự xoay xở để cứu mình bằng cách tiết giảm chi phí và chuyển đổi sang vận tải hàng hóa, đồng thời mong muốn có sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Nếu áp giá sàn vé máy bay như đề xuất, hành khách sẽ mất đi các cơ hội được bay giá rẻ và làm méo mó nền kinh tế thị trường, tổn hại môi trường kinh doanh của VN trên trường quốc tế.
Đại lý vé cũng lo lắng
Anh Nguyễn Khuất Tuấn Anh, quản trị viên Tổng hội Vé, cho biết qua khảo sát của Tổng hội Vé (trên 10.000 đại lý) với khách hàng, phần lớn người lao động, sinh viên cho biết giá vé tăng cao khi áp giá sàn sẽ cản trở việc đi lại trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu về quê hoặc vào thành phố làm việc trở lại.
Theo anh Tuấn Anh, giai đoạn tết nhu cầu đi lại sẽ bật tăng trở lại nếu dịch bệnh dần được kiểm soát. Song, "túi tiền" của người dân đã cạn nên khi lựa chọn, tiêu chí đầu tiên là giá vé.
Qua thống kê của các doanh nghiệp, khoảng 65% khách hàng bay nội địa qua kênh đại lý để được tư vấn chọn mua vé giá tốt trong các đợt khuyến mãi của các hãng.
"Nếu áp giá sàn sẽ là điều khó khăn trước mắt với khách hàng lẫn đại lý bán vé máy bay khi dải vé giá rẻ sẽ không còn" - anh Tuấn Anh nói.
Chị Thảo, đại lý bán vé máy bay quận 1, cho biết khách hàng eo hẹp túi tiền nên khi mua vé máy bay đi lại yếu tố đầu tiên là giá. Nhu cầu người dân đi lại sau dịch, đặc biệt là về quê hoặc ngược lại vào TP.HCM để tiếp tục làm việc là rất lớn.
Hành khách chấp nhận bay giờ khuya, mua vé sớm để có giá rẻ. Nếu áp giá sàn và cộng thuế phí, chị Thảo tính sẽ không còn vé giá dưới 800.000 đồng/vé, kể cả bay sáng sớm, đêm khuya.
"Khách hàng ít đi lại thì đại lý cũng ngồi chơi xơi nước" - chị Thảo lo lắng.
TTO - Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa vốn đã rất khốc liệt, nên cần bỏ giá trần, để giá vé máy bay cho thị trường quyết định.
Xem thêm: mth.60763257041901202-yab-gnah-ort-oh-ed-gnud-ueit-iougn-pe-gnohk/nv.ertiout