Đó là những kiến nghị được ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về phòng chống dịch COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên lao động chiều 14-9.
Ông Phạm Chí Tâm cho hay thành phố thực hiện nhiều đợt giãn cách để sớm kiểm soát dịch bệnh. Hiện, dịch còn phức tạp với 5.000-6.000 ca nhiễm mới hằng ngày. Trong tổng số hơn 300.000 người nhiễm COVID-19 ở TP, có hơn 16.400 đoàn viên lao động. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đời sống nhân dân, nhất là công nhân lao động, nhiều doanh nghiệp đóng cửa…
TP.HCM có 1.540 doanh nghiệp với xấp xỉ 120.000 công nhân đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ", còn mô hình "1 cung đường 2 điểm đến" là 196 doanh nghiệp với trên 52.000 lao động.
Công đoàn các cấp ở TP.HCM đã chăm lo cho hơn 92.600 lao động với trên 54 tỉ đồng; đã có 150.000 phần quà, nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân lao động; hơn 15.000 nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ cho 333.000 lao động (khoảng 42 tỉ đồng)… Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM đã chi 878 tỉ đồng hỗ trợ người lao động.
Ông Phạm Chí Tâm, phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, nêu kiến nghị tới Tổng LĐLĐ Việt Nam
Dù đạt được nhiều kết quả, ông Tâm chia sẻ thực tế còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các quyết định phong tỏa, cách ly tại nhà, xác nhận cơ quan y tế, danh sách bệnh nhân thiếu thông tin… dẫn tới việc đề xuất chăm lo cho đoàn viên lao động có vướng mắc.
Việc hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp "3 tại chỗ" khó khăn do thiếu hướng dẫn điều kiện doanh nghiệp đóng công đoàn phí, đóng tới thời điểm nào…
Ngoài ra, người lao động và doanh nghiệp khó khăn khi đi lại để làm thủ tục hưởng chính sách theo nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng).
Do vậy ông Tâm kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp hưởng hỗ trợ khi thực hiện "3 tại chỗ"; chi hỗ trợ lao động cho công nhân ở doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến"; xem xét hỗ trợ lao động làm việc "3 tại chỗ" ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ...
Ông Tâm nhấn mạnh, thống kê có hơn 31.000 người lao động ở 1.078 đơn vị làm việc vị trí nhân viên siêu thị, nhân viên bảo vệ trường học… rất cần được nghiên cứu bổ sung hỗ trợ.
"Dự báo sau ngày 15-9, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đến cuối tháng 9 nên người lao động gặp khó khăn. Do đó, LĐLĐ TP.HCM kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép thực hiện gói hỗ trợ khẩn cấp 2 với số lượng khoảng 200.000 phần nhu yếu phẩm. Mỗi phần trị giá 250.000 đồng để hỗ trợ đoàn viên trong thời điểm bắt đầu đi làm lại", ông Tâm nói.
Ông Tâm lý giải, người lao động đi làm lại thì phải nửa tháng sau mới có lương, nên hỗ trợ ngay thời gian này rất ý nghĩa.
Trước kiến nghị trên, chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đặt câu hỏi LĐLĐ TP.HCM nghiên cứu kỹ, đánh giá liệu mức 250.000 đồng/phần có phù hợp hay chưa? Ông Tâm cho hay nâng mức hỗ trợ gói an sinh từ 150.000 đồng lên 250.000 đồng là do báo cáo thực tế từ cơ sở, nhu yếu phẩm khan hiếm và giá cả tăng cao.
Mức 250.000 đồng dựa trên tiền đề từ nhiều gói hỗ trợ của cơ quan, đơn vị khác thường tối thiểu là 300.000 đồng/phần nhu yếu phẩm.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, công đoàn các cấp đã và đang chi hỗ trợ đoàn viên lao động, các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375 tỉ đồng.
Trong đó, Công đoàn Việt Nam chi trực tiếp cho đoàn viên lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 số tiền trên 1.100 tỉ đồng; ủng hộ và vận động ủng hộ về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phòng chống dịch COVID-19 với hơn 333 tỉ đồng…
Đặc biệt, đoàn viên lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ" tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 được Tổng LĐLĐ chi hỗ trợ trên 1.000 tỉ đồng.
TTO - Đối tượng của đợt hỗ trợ lần 3 sẽ gồm người lao động bị mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn đang có mặt tại TP, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú.
Xem thêm: mth.52434306141901202-ohc-iat-3-gnod-oal-000-13-meht-ort-oh-ihgn-neik-mch-pt-naod-gnoc/nv.ertiout