Đề nghị này được đưa ra tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, bàn về kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022.
Theo ông, Việt Nam là nước nghèo, tập trung nhân lực, vật lực cho chống dịch là đúng, nhưng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, hiệu quả. Phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc kháng chiến trường kỳ chứ không phải ngày một, ngày hai, nên sử dụng các nguồn lực cũng cần hiệu quả. "Nguồn lực", theo ông Huệ, sẽ gồm cả nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa.
Một vấn đề nữa Chủ tịch Quốc hội lưu ý là đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19.
"Chính sách ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể chưa phù hợp thực tế hoàn toàn. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 22/7, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và chi cho công tác phòng chống Covid-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 168.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã được Quốc hội đồng ý dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 thêm 14.620 tỷ đồng từ khoản cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương để chi cho các hoạt động chống Covid-19.
Cùng nguồn lực từ ngân sách, đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 đến 13/9 đạt 8.665 tỷ đồng. Theo Ban quản lý quỹ, quỹ này đã thanh toán 373 tỷ đồng mua vaccine, còn lại 8.292 tỷ đồng được gửi kỳ hạn 1-3 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Ngoài góp ý kiểm toán việc phòng, chống dịch, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người từng có 5 năm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán tín dụng ngân hàng nếu chỉ đề cập ở khía cạnh tổng mức cơ cấu tín dụng thì "chưa phản ánh gì nhiều". Ông đề nghị, năm 2022 cần tập trung làm rõ chất lượng tín dụng, "có hay không việc dùng tín dụng tiêu dùng để kinh doanh bất động sản, chứng khoán".
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá đây là "vấn đề rất nóng", khi Bộ Tài chính liên tục cảnh báo.
Riêng với phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, ông lưu ý việc giải ngân đầu tư công thấp khi 8 tháng mới được hơn 40%. "Phát hành trái phiếu là phải trả lãi, tiền để đó không tiêu được", ông nói.
"Năm 2021 có 80.000 tỷ đồng vốn đầu tư không tiêu được, tức là chưa có đối tượng phân bổ. Còn khoảng 70 dự án đầu tư công lớn vẫn chưa chuẩn bị đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng chưa phân bổ được đồng nào", ông ví dụ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần chú trọng kiểm toán công tác chuẩn bị, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở cả trung ương và địa phương.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế góp ý, kế hoạch kiểm toán Nhà nước năm 2022 phải đảm bảo tính khả thi, cân đối các cuộc kiểm toán. Ông đề nghị cơ quan kiểm toán không nên kiểm toán tại những đơn vị nào đang tập trung phòng, chống Covid-19.
Trước những ý kiến này, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi kế hoạch kiểm toán của năm 2022 được trình ra Quốc hội.
Anh Minh