Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, nông, lâm sản và thủy sản có xu hướng giảm khi dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp - đây là tình trạng đang cần các giải pháp khắc phục.
Xuất khẩu đang giảm mạnh do ảnh hưởng của COVID-19
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 55,7 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu ước đạt 156,9 tỉ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, bước sang tháng 8.2021 khi dịch COVID-19 lan rộng tại các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì xuất khẩu của cả 2 khối đều giảm so với tháng trước.
Cụ thể, xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 6,9 tỉ USD, giảm 9,7% so với tháng 7, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 19,3 tỉ USD, giảm 4,5% so với tháng 7.2021.
Xét theo cơ cấu nhóm hàng, xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 32,5% so với tháng trước; nhóm hàng nông, lâm, hải sản giảm 19,3 tỉ USD, chỉ đạt 2 tỉ USD trong tháng 8.2021.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản giảm 33,6% về lượng và giảm 26,35% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu gạo giảm 14,8% về lượng (nhưng tăng 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 nhờ giá gạo tăng); xuất khẩu càphê giảm 14,1% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với tháng trước; xuất khẩu caosu giảm 2,2% về lượng và giảm 3% về trị giá; đặc biệt, lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 8.2021 chỉ đạt xấp xỉ 17 nghìn tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2.2021, trị giá đạt 63,13 triệu USD, giảm 35,8% về lượng và giảm 33,6% về trị giá so với tháng 7.2021...
Theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm trong tháng 8.2021 và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh. Hiện lượng hạt tiêu còn lại trong dân không nhiều, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cũng không mấy mặn mà do giá cước phí vận chuyển tăng “phi mã” và các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.
Đối với các mặt hàng công nghiệp, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó, ngành dệt may và da giày cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện nay trên 50% doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và công suất cũng chỉ đạt 50%, nguy cơ không hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cuối năm nay là rất lớn.
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - ông Nguyễn Quốc Khanh cũng cho biết, COVID-19 làm đứt gãy nguồn nhân lực và nguyên liệu sản xuất, đã khiến công suất chế biến giảm từ 50% - 70%, các kênh nhập khẩu cũng đã bị gián đoạn do các cảng, giao thông liên tỉnh không được thông suốt. Các dòng tiền của doanh nghiệp ngày càng khó khăn vì không đủ nhân lực, nguyên liệu để sản xuất, không có sản phẩm để cung ứng cho thị trường xuất khẩu thì cũng không thể thu được dòng tiền để tái sản xuất.
Gỡ khó khăn, tăng quy mô sản xuất để xuất khẩu "ấm" trở lại
Để giữ đơn hàng cho năm tới, các doanh nghiệp dệt may, da giày và túi xách đã cố xoay xở, tìm giải pháp duy trì sản xuất. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, Hiệp hội đã đề xuất phương án mở cửa sản xuất với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đưa lao động vào sản xuất không quá 30% công suất trong 2 tuần đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 với 50% và 70% công suất.
Về chiến lược ứng phó và phục hồi cho sản xuất ngành chế biến đồ gỗ, Hawa đã đề nghị các doanh nghiệp đề xuất 3 giai đoạn: Giai đoạn ứng phó 3-6 tháng, giai đoạn ứng phó 6-12 tháng và giai đoạn sau là tăng tốc sản xuất sau đó.
Ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng: “Vấn đề quan trọng hiện nay mà Hawa đang tập trung là đầu tư công nghệ. Công nghệ có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề mà COVID-19 gây ra. Cần đầu tư đúng và hợp về công nghệ, vì bán hàng online hoặc bán hàng theo chuỗi cung ứng sẽ là xu hướng trong phân phối, thương mại do COVID-19 khiến người ta mua hàng qua mạng nhiều hơn".
Xem thêm: odl.514359-91-divoc-od-man-iouc-pid-uahk-taux-maig-uad-yauq-ad-nahc/et-hnik/nv.gnodoal