Sáng 14-9, nhiều người dân tại một con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chọn mua hàng ở các điểm bán chui - Ảnh: N.TRÍ
Nhiều người bán và người mua đều than khó khi giá cước giao hàng tăng cao. Trong khi đó, nhiều siêu thị cho biết nhân viên giao hàng đang quá tải, không thể theo kịp nhu cầu người dân.
Giá giao hàng tăng, đặt mua online không được
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 14-9, chị Minh - chủ cơ sở ẩm thực tại quận Gò Vấp - cho biết hiện để giao nhanh đơn hàng qua shipper, khách hàng không chỉ tốn giá cước cao gấp nhiều lần bình thường, mà còn phải chủ động bồi dưỡng riêng cho tài xế xe.
"Bình thường tôi giao đơn hàng đi qua quận 7 chỉ khoảng 70.000 đồng/lần, nhưng thời gian qua nhiều lúc tốn đến hơn 200.000 đồng. Giá cao quá, tôi hạn chế bán, có giao thì cũng để nhân viên riêng đi giao", chị Minh nói.
Tương tự, chỉ cách điểm bán hơn 350m nhưng bà Bích (Q.Bình Thạnh) cho biết bà phải tốn 40.000 đồng cho người giao hàng, trong khi bình thường khoảng 15.000 đồng, thậm chí bà có thể đi bộ ra mua.
"Nhiều lúc mức tiền chi cho shipper còn cao hơn cả giá trị món hàng đặt mua. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng đặt giao được", bà Bích than.
Khoảng 15h45 ngày 14-9, nhiều người dân ở khu vực quận Bình Thạnh không thể đặt mua hàng trên trang online của Bách Hóa Xanh vì "hết nhân viên giao". Nhiều người dân ở các quận huyện khác cho biết cũng gặp tình trạng tương tự trong nhiều ngày qua - Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, theo ghi nhận, trên nhiều trang bán hàng online của các siêu thị như Bách Hóa Xanh, Vinmart… đều khó mua hàng online. Nhiều khách hàng "canh me" từ sáng đến chiều đều không thể đặt được.
Cụ thể, khi chọn mua hàng ở kênh online của Bách Hóa Xanh trong ngày 14-9, khá nhiều khách hàng ở các quận huyện không thể đặt mua khi mục đặt mua hàng ở nhiều khu vực quận huyện hiện lên chữ "không có nhân viên giao".
Theo chị Phúc (phường 26, quận Bình Thạnh), từ sáng 14-9, chị lên trang online của Bách Hóa Xanh đặt mua hàng ở khu vực quận Bình Thạnh thì hầu hết các phường đều không đặt mua được. Trang đặt hàng hiện lên dòng chữ "không có nhân viên giao". Chiều 14-9, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Tương tự, nhiều người dân ở nhiều khu vực của quận 1, quận 3… đều gặp tình trạng tương tự chị Phúc.
Theo nhiều địa phương, nhu cầu đăng ký đơn hàng qua kênh "đi chợ hộ" hiện nay đã giảm nhiều do người dân có nhiều lựa chọn mua lẻ - Ảnh: N.TRÍ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 14-9, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết trong tổng số 12 kho phục vụ bán hàng trên kênh online tại TP.HCM, hiện đơn vị có 9 kho đang hoạt động và 3 kho còn lại phải ngưng vì nhân viên mắc COVID-19. Theo vị này, các kho hàng online có nguồn cung thực phẩm khá dồi dào, với hơn 2.000 mặt hàng.
Tuy vậy, phần lớn các kho hoạt động đang bị quá tải khâu giao hàng do nhân viên giao hàng đơn vị bị hạn chế, trong khi giao hàng qua lực lượng shipper của đối tác thì chỉ ở mức khiêm tốn do vẫn chưa được giao liên quận, giá cước quá cao, khách hàng không chuộng.
"Nguồn cung sản phẩm hiện không thiếu. Do đó, nếu giá cước giao hàng giảm, và được giao liên quận thì giải được bài toán quá tải này", vị này nhận định.
Trong khi đó, nhiều khách hàng khó đặt mua online trên kênh online của siêu thị Vinmart, và kênh đi chợ hộ (dicho.winmart.vn) của đơn vị này.
Nhiều người dân cho biết giá cước giao hàng của shipper đang tăng cao nhưng vẫn không dễ đặt, gây khó khăn trong khâu mua bán online - Ảnh: N.TRÍ
Chị Thuận (Q.Gò Vấp) cho biết khoảng 14h35 ngày 14-9, chị vào kênh online của Vinmart để mua thịt heo nhưng trang này hiện dòng chữ "sản phẩm này hiện tại không thể giao hàng khu vực của bạn". Trên website dicho.winmart.com dù hiện lên thông tin nhóm sản phẩm như rau củ, thịt cá… nhưng lại không cho đặt mua.
Đại diện một siêu thị tại TP.HCM cho biết hiện nay lượng đơn hàng giao qua shipper chỉ đạt khoảng 40% trong tổng lượng đơn hàng bán lẻ, số còn lại là nhân viên siêu thị phải đi giao, nhưng lượng đơn hàng giao được khá ít.
Dân đổ ra mua thực phẩm ở điểm bán chui trong các con hẻm
Việc giao hàng gặp khó khiến người dân đổ ra mua ở các kênh bán chui, những sạp hàng dã chiến, nhất là tại các khu vực hẻm, những trục đường nhỏ không có lực lượng chức năng giám soát, không có chốt kiểm tra.
Cụ thể, sáng 14-9, tại hẻm nhỏ chỉ dài khoảng 250m trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, dù là khu vực thuộc vùng đỏ nhưng vẫn có nhiều điểm bán thực phẩm, tạp hóa mở cửa và thu hút khá đông khách.
Nhiều cửa hàng tạp hóa vẫn mở cửa bán trực tiếp cho người dân, dù điều này trái với quy định. Trong ảnh: người dân lựa mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Bình Thạnh - Ảnh: N.TRÍ
Theo ghi nhận, phần lớn các điểm bán này là điểm bán chui, và thường mở bán cả ngày. Tuy vậy, đông nhất vẫn là buổi sáng, có thời điểm người dân xếp hàng chờ mua rau củ, thịt cá, đồ khô…
Theo chị Chung - một người dân tại đây, việc đặt mua trên mạng khó quá, giá giao hàng lại cao nên chị chấp nhận mua ở điểm bán chui gần nhà.
"Dù biết ra vào nhiều nguy hiểm vì khu vực có nhiều ca nhiễm, nhưng mua ở đây nhanh gọn, chứ chờ siêu thị giao hàng thì lâu lắm", chị Chung nói.
Nhiều điểm bán chui không khác gì một siêu thị mini với nhiều mặt hàng thực phẩm - Ảnh: N.TRÍ
Tương tự, trên một con hẻm ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhiều quầy hàng thực phẩm, tạp hóa bán chui nhưng khá nhộn nhịp vì nhiều người dân lân cận ghé lựa mua.
TTO - Nhiều siêu thị cho biết số lượng đơn hàng bán lẻ qua kênh online đang tăng cao, trong khi đó số lượng đơn hàng đi chợ hộ giảm mạnh. Tuy vậy, các hệ thống bán lẻ đang gặp khó do nhiều nhân viên bị cách ly, lực lượng giao hàng hạn chế.