Ở Singapore, sẽ không có gì ngạc nhiên khi những chiếc túi da hàng hiệu đắt đỏ đang có dấu hiệu xấu dần đi vì bị cất trong tủ quá lâu. Đó là khoảng thời gian chủ nhân của chúng không ra khỏi nhà vì dịch bệnh Covid-19, đã 20 tháng trôi qua. Thời điểm này, các hãng chăm sóc đồ da như Bags Butler, Bag Artisan, Colorwash và Honest Crafters đều đang báo cáo tăng trưởng khách hàng với tình trạng túi chủ yếu là nấm mốc, nứt và bạc màu. Trong đó, các thương hiệu lớn như Chanel, Gucci hay Prada… đều góp mặt.
Sandra Lee, một chuyên gia trong lĩnh vực làm sạch, sửa chữa và phục hồi túi xách cho biết nhiều phụ nữ đã bắt đầu mang những chiếc túi xách của họ gửi đi spa khi dự đoán sắp được quay lại làm việc hoặc đi du lịch, dự tiệc.
Cất ở trong nhà quá lâu, những chiếc túi da kể cả là của thương hiệu nổi tiếng thế giới thì cũng bị nấm mốc. Ảnh: Honest Crafters
Đối với đồ da, nấm mốc thường phát triển rất nhanh trên bề mặt túi nếu cất ở không gian tối, ẩm thấp, ít thông thoáng trong thời gian dài. Khi bào tử nấm mốc xuất hiện, phần rễ của chúng sẽ ăn sâu vào mặt xốp và gây ăn da. Điều này sẽ gây đến hiện tượng đổi màu và ố mốc, thậm chí còn có thể làm hỏng cả cấu trúc da.
Sự thay đổi liên tục của nhiệt độ cũng khiến da giãn nở, co lại dẫn đến khô và nứt. Nếu hiện tượng này kéo dài, sẽ rất khó để sửa chữa và những chiếc túi da cần phải được chuyển đến các dịch vụ phục hồi phức tạp hơn.
Style Theory là một công ty chuyên cho thuê quần áo và phụ kiện sang trọng nhưng cũng sớm lấn sân sang phục hồi đồ da. Mới mở từ năm ngoái nhưng công ty đã nhận được hơn 1.000 đơn hàng khôi phục túi hàng hiệu.
Yêu cầu phổ biến của khách hàng là chăm sóc túi xách bị đổi màu. Hiện tượng này thường thấy ở các góc, tay cầm và nắp túi. Đây là những nơi tiếp xúc nhiều và dễ bị ma sát dẫn đến mất màu.
Đổi màu và nứt gãy là tình trạng chủ yếu của những chiếc túi hàng hiệu. Ảnh: Asian bag | ||
|
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến túi da bị hỏng đó là do khách hàng thường chỉ có xu hướng cất giữ đồ đạc mà không biết cách vệ sinh đúng cách. Mồ hôi và bụi bẩn tuy trước mắt chưa thấy gì nhưng lâu dài sẽ khiến nấm mốc phát triển nhanh hơn bình thường. Do đó, đối với đồ hiệu bằng da, hãy làm sạch chúng trước khi bảo quản.
Túi nhựa, hộp giấy bìa cứng và các loại túi mua sắm thông thường sẽ không thích hợp để đựng túi. Túi vải không dệt có thể bị mục dần theo thời gian khiến đồ không da có nguy cơ bạc màu, biến dạng và phá vỡ cấu trúc. Thậm chí, bụi từ vải không dệt còn có thể tạo ra lớp màng ngay trên bề mặt của đồ da. Những chiếc hộp đựng túi của nhà sản xuất khi chuyển cho khách hàng cũng không phải là nơi cất túi an toàn vì hộp rất kín, sẽ làm giảm thông gió tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Cách bảo quản túi chuẩn là cất ở nơi thoáng khí, tránh ánh nắng trực tiếp để túi không bị phai màu và nhét bên trong khăn giấy không axit để giữ form và hút ẩm bên trong túi. Những chiếc túi cũng nên được để cách xa nhau tránh tình trạng nhiễm màu hoặc tạo vết lõm do mặt ngoài của túi này tì vào dây đai hoặc khóa của túi kia.
Túi nên được cất ở nơi thoáng khí, tránh ánh nắng trực tiếp. Ảnh: Style Theory |
Để vệ sinh túi, khách hàng không nên tự làm bằng các phương pháp được lan truyền như dùng chanh, giấm, kem đánh răng, baking soda hay bột giặt. Chất tẩy rửa không tốt cho túi trong khi các vật dụng như bọt biển hay khăn lau nếu không đúng chủng loại cũng sẽ gây hại cho đồ dùng rất nhiều. Có nhiều khách hàng vì cố gắng chà vết bẩn đi nhưng kết quả là thay vì đạt được mục đích, họ lại khiến cho vết bẩn đó ăn sâu hơn.
Tốt nhất, sau khi mua túi, khách hàng nên gửi đến các nhà dịch vụ để xử lý chống thấm, phủ lớp chống vết bẩn trước khi sử dụng.
Phương Kim
NDH